Bên lề phiên họp xét duyệt của Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021, giáo sư Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, giải trẻ giải Tạ Quang Bửu mới có ý nghĩa quan trọng vì những nhà khoa học trẻ mới là thế hệ tương lai quyết định sự phát triển lâu dài của khoa học Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ đề nghị Bộ KH&CN nên cho mỗi ngành khoa học có một giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ”, ông nói.

Ba nhà khoa học được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Sáng ngày 29/4/2021, Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021 do giáo sư Ngô Việt Trung là Chủ tịch hội đồng, giáo sư Đặng Đức Anh (Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) là Phó Chủ tịch và các thành viên khác, trong đó có giáo sư Pierre Darriulat (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và giáo sư Henry Nguyen. T (trường Đại học Missouri, Colombia, Mỹ), đã họp bàn đánh giá hồ sơ đề cử giải thưởng. So với mọi năm thì số lượng hồ sơ được các hội đồng khoa học ngành Quỹ NAFOSTED đề cử ít hơn, với hai hồ sơ giải chính và hai hồ sơ giải trẻ ở hai lĩnh vực là khoa học trái đất và sinh học nông nghiệp 1.

Theo điều lệ giải thưởng, ngoài việc nhận được đánh giá của các hội đồng khoa học chuyên ngành, các công trình còn phải qua một vòng bình duyệt khác của các phản biện quốc tế. Năm nay, mỗi công trình đều có ba phản biện quốc tế. Tất cả cùng để đạt mục tiêu: chọn được những người xứng đáng cho giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu, một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành KH&CN Việt Nam.

Mặt khác, giải thưởng cũng là cơ hội để tăng thêm sự chú ý và nhận thức của xã hội với ngành khoa học. Giáo sư Ngô Việt Trung chia sẻ “hôm nay giáo sư Pierre Darriulat nói rất tiếc là hệ thống khoa học Việt Nam có quá ít giải thưởng về khoa học và tôi thấy điều đó rất đúng. Và thực ra so với trình độ phát triển kinh tế thì khoa học cơ bản đạt được những kết quả rất tốt nhưng dư luận nói chung không hiểu được sự khó khăn, vất vả của các nhà khoa học để có thể có được những công trình mà đạt được trình độ thế giới”.

Xét chọn nghiêm túc để đảm bảo chất lượng

Nhận xét về “điều lạ” ít hồ sơ đề cử giải thưởng năm nay, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng, số lượng hồ sơ do các hội đồng khoa học ngành đề cử cùng ít đi là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Năm nay, số lượng hồ sơ nộp tới Quỹ thì không phải là ít nhưng rất nhiều hội đồng ngành đã không đề cử lên Hội đồng giải thưởng. Tôi nghĩ cuối cùng vấn đề vẫn là các hội đồng ngành thấy hồ sơ có xứng đáng để đề cử lên hay không. Ví dụ ở hội đồng ngành Toán mà tôi là chủ tịch hội đồng có hai hồ sơ đề cử và theo tôi là đủ chất lượng để tiếp tục đề cử lên. Tuy nhiên đến lúc bỏ phiếu thì lại không thống nhất được, tức là không đạt được 2/3 số phiếu. Do đó, cuối cùng hội đồng ngành Toán quyết định là không đề cử giải thưởng”, ông giải thích thông qua trường hợp của ngành Toán, nơi không đề xuất một ứng viên nào, dù trong quá khứ năm nào cũng có đề cử và hầu như là có người đoạt giải (ngoại trừ các năm 2016, 2018, 2019).

Đó cũng là câu chuyện của ngành Vật lý, nơi theo “truyền thống” chỉ đứng thứ hai ngành Toán về số lượng đề cử và người đoạt giải. Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch hội đồng ngành Vật lý NAFOSTED, nói “năm nay, hội đồng ngành Lý cũng nhận được một số hồ sơ, trong đó có công trình xuất bản ở tạp chí có hệ số IF cao nên cũng có ứng viên rất tiềm năng. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này mới được xuất bản chừng nửa năm trở lại đây trong khi hội đồng ngành Vật lý muốn là ngoài ý kiến của hội đồng thì cũng cần đánh giá công trình ở bình diện quốc tế, thông qua số lượng trích dẫn. Vì vậy chúng tôi thống nhất là để một năm nữa thì sẽ có đánh giá chuẩn xác hơn về chất lượng công bố với các công trình này”.

Bao giờ việc đánh giá và lựa chọn ra “đúng người, đúng công trình” để trao giải là một công việc khó khăn. Số lượng các hồ sơ năm nay dù có ít hơn mọi năm nhưng không vì thế mà việc đánh giá các hồ sơ lại bị xem nhẹ. TS. Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Quỹ NAFOSTED, cho biết, theo quy định thì công trình được lựa chọn phải có số phiếu bầu đạt 2/3 tổng số phiếu. Trong trường hợp các hồ sơ nhận được số phiếu ngang bằng nhau thì hồ sơ có phiếu của chủ tịch hội đồng sẽ được ưu tiên hơn.

Mở rộng giải trẻ cho các chuyên ngành?

Trao đổi bên lề phiên họp, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng, sau tám năm trao giải, “chúng ta nên ngồi lại để rút kinh nghiệm, qua đó góp phần giúp giải thưởng của chúng ta đạt được mục đích đề ra, tức là thúc đẩy các nghiên cứu trong khoa học cơ bản đạt được đỉnh cao của thế giới, và khuyến khích được nhà nghiên cứu trẻ cố gắng đạt được kết quả cao trong chuyên ngành của mình”. Theo phân tích của ông, có một thực tế xảy ra trong tám lần trao giải thưởng Tạ Quang Bửu là có nhiều nhà khoa học ở các lĩnh vực lý thuyết nhận giải hơn các đồng nghiệp ở những lĩnh vực thực nghiệm như y sinh, nông nghiệp, khoa học trái đất… “Thực tế ấy theo tôi là bất công đối với những ngành đó”, ông nói. “Trong khi mục tiêu của chúng ta là nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học và tăng sự đam mê khoa học, qua đó đưa khoa học lên tầm mới hơn”.

Với quan điểm “Việt Nam cần quan tâm hơn đến các nhà khoa học trẻ bởi họ mới là thế hệ tương lai quyết định sự phát triển lâu dài của khoa học Việt Nam và đối với họ, được công nhận thông qua giải thưởng rất quan trọng”, giáo sư Ngô Việt Trung nói, ông và các thành viên khác đang “cố gắng đề nghị với Bộ KH&CN sao cho mỗi ngành có một giải thưởng trẻ và người nhận được giải thưởng trẻ sẽ là nhà khoa học tiêu biểu cho chuyên ngành của mình”. Nếu làm được như vậy, việc trao giải thưởng trẻ Tạ Quang Bửu sẽ tránh đi trường hợp như hiện nay, “việc so sánh một nhà vật lý hay toán học trẻ với một đồng nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp trẻ rất khập khiễng. Việc so sánh như vậy nếu chỉ dựa theo tiêu chí chất lượng công bố thì cũng có sự bất bình đẳng trong đó”.

Đây là lý do mà theo giáo sư Ngô Việt Trung “đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cơ cấu giải thưởng và xem lại quy định chung” để tạo cơ hội phát triển mới cho khoa học Việt Nam.

Cũng trong phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cũng cho rằng, kể từ thời điểm bắt đầu thành lập và trao giải, đến nay giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trải qua tám kỳ trao thưởng. Do đó, việc thống kê lại các số liệu về giải thưởng như các nhà khoa học đoạt giải, phân bố của các lĩnh vực khoa học, vùng miền… nhằm đánh giá lại quy trình, hiệu quả lan tỏa của giải thưởng. “Sau đợt này, chúng tôi sẽ xem xét thời điểm xét chọn trao giải, có thể không tổ chức định kỳ hằng năm nữa mà có thể hai năm một lần chẳng hạn, để đảm bảo ứng viên đoạt giải là những nhà khoa học hoàn toàn xứng đáng”, ông nói.

Việc lựa chọn bước đầu của các hội đồng khoa học ngành rất nghiêm túc, theo tôi đó là điểm rất quan trọng với chất lượng giải thưởng.

Nhìn vào chất lượng công bố quốc tế của khoa học cơ bản, liên quan đến các ngành khoa học mà Quỹ NAFOSTED tài trợ, tôi nghĩ là số lượng các bài báo trong các tạp chí hàng đầu đã tăng lên và tăng lên rõ rệt và tốt hơn rất nhiều so với thời kỳ đầu mà chúng ta bắt đầu triển khai giải thưởng này.

Giáo sư Ngô Việt Trung