Mô hình truy cập mở đang trở thành xu thế xuất bản hiện nay. Nhưng trong bối cảnh có quá nhiều nhà xuất bản và hình thức xuất bản khác nhau với chất lượng thượng vàng hạ cám, các nhà khoa học cần lưu ý điều gì?
GS Phùng Hồ Hải (Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Nam.
Ngày 28/4 vừa qua, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm “Một số phương pháp phân loại chất lượng ấn phẩm khoa học phổ biến trên thế giới và xu hướng đánh giá ở Việt Nam”.
Đây là buổi tọa đàm thứ hai thuộc chuỗi bài giảng đại chúng về chủ đề này, nhằm giúp các nhà khoa học trẻ, cán bộ làm công tác quản lý khoa học có cái nhìn toàn diện về một số cơ sở dữ liệu khoa học phổ biến, cách phân loại ấn phẩm khoa học trong các cơ sở dữ liệu, và xu hướng đánh giá ấn phẩm khoa học ở Việt Nam trong thời gian tới.
Mở đầu tọa đàm, TS. Lê Xuân Thanh (Viện Toán học) giới thiệu về một số cơ sở đánh giá các tạp chí như Web of Science (WoS); Scopus; các chỉ số đo lường tạp chí (Impact factor, Scimago Journal Rank, CiteScore, H-index); danh mục Q1, Q2, Q3, Q4...
Tiếp sau đó, TS Thanh đề cập mô hình truy cập mở (Open-Access, OA) hiện đang gây nhiều tranh cãi. Ông cho biết, năm 2001, Liên đoàn Toán học Thế giới ra tuyên bố kêu gọi các nhà toán học cùng chuyển tải miễn phí các công trình của mình tới cộng đồng. Nguyên văn lời kêu gọi viết: “OA tới tài liệu Toán học là một mục tiêu quan trọng. Mỗi chúng ta có thể đóng góp vào việc đạt được mục tiêu đó bằng cách cung cấp dưới dạng điện tử càng nhiều càng tốt các công trình của bản thân... Hành động của chúng ta sẽ góp phần vào việc mở rộng kho tài liệu toán học miễn phí, đặc biệt sẽ giúp cho các nhà khoa học với điều kiện không đầy đủ về thư viện".
Theo TS Thanh, mặc dù những người ủng hộ lập luận, OA là sản phẩm của tiến bộ công nghệ và nỗ lực vì sự bình đẳng, nhưng trên thực tế, nó còn là hệ quả của nhiều vấn đề khác trong một bối cảnh phức tạp hơn. “Bản thân mô hình OA đã và đang là cơ hội kinh doanh béo bở cho các nhà xuất bản tạp chí không nghiêm túc. Nó cũng tạo cơ hội cho các tạp chí ngụy tạo bỏ qua hoàn toàn những chuẩn mực tối thiểu trong ngành, và tác động tiêu cực đến quy trình bình duyệt công trình công bố”, ông nói.
TS Lê Xuân Thanh trình bày tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Nam
TS Thanh cũng bày tỏ sự tán thành với quan điểm của chuyên gia thư viện danh tiếng Jeffrey Beall (ĐH Colorado, Denver, Mỹ), rằng “hành động thiết lập các giao dịch tài chính giữa các tác giả và nhà xuất bản đang làm hỏng giao tiếp học thuật. Đây là một trong những lợi ích to lớn của hệ thống xuất bản học thuật truyền thống và các tác giả. Việc thêm thành phần tiền tệ đã tạo ra vấn đề về các nhà xuất bản săn mồi và vấn đề tài trợ phí xuất bản.”
Đồng tình với TS Thanh, GS.TSKH Ngô Việt Trung (Viện Toán học) cho rằng, mô hình OA đang gây ra rất nhiều vấn đề. Trong đó, theo ông, cần phân biệt rõ ràng giữa “OA nghiêm chỉnh” và “OA không nghiêm chỉnh”. “Phần lớn các tạp chí bây giờ đều đưa ra cho tác giả lựa chọn là trả tiền hoặc không trả tiền, nhưng những loại OA bắt buộc phải trả tiền thì rất có vấn đề”, ông nhận định. Đã xuất hiện một số nhà xuất bản “dã
thú chuyên ăn thịt” ở một số ngành, mà có thể kể đến một trường hợp tiêu
biểu là MDPI. GS Trung lưu ý, lúc đầu MDPI hoạt động tương đối nghiêm
chỉnh, nhưng rồi nó bắt đầu bùng nổ, số lượng công bố đăng tải trên MDPI
tăng vọt nhưng chất lượng lại không bảo đảm. “Từ lúc nhận
đăng, sửa, đăng tải chỉ kéo dài hơn một tháng. Dù OA là xu thế,
nhưng tại sao ta phải đăng ở những nhà xuất bản như thế, thay vì lựa
chọn các tạp chí có uy tín với quá trình bình duyệt nghiêm chỉnh và
không mất phí đăng bài?”
GS Trung cho biết, Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia Nafosted hiện đang thảo luận kỹ vấn đề này. Dù bản thân ông và các đồng nghiệp ở các hội đồng khác của Nafosted đều nhận thức rằng, không phải công bố nào trên các nhà xuất bản như MDPI cũng kém chất lượng, nhưng để lọc từng công bố trên đó thì đòi hỏi rất nhiều công sức. Chính vì vậy, ông hy vọng, sắp tới, những nhà xuất bản như Hindawi, MDPI sẽ bị loại khỏi danh mục nghiệm thu đề tài của Nafosted.
GS. TSKH Ngô Việt Trung cho biết mô hình OA đang gây ra rất nhiều vấn đề.
Ảnh: Nguyễn Nam.
Tuy nhiên, GS Trung khẳng định, bất chấp các cuộc tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối OA, chúng ta không thể phủ nhận OA vẫn là một xu thế không thể đảo ngược, rất nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới sẽ chuyển hẳn sang OA. “Nhưng một vấn đề lớn nảy ra trong quá trình chuyển đổi ấy, đó là đối với các nhà khoa học từ các nước nghèo hoặc những người không có điều kiện tài chính, làm thế nào để họ có thể trả tiền cho các công bố của mình?”, ông đặt câu hỏi.