Nhận được giải thưởng Nobel có thể là một bước ngoặt “đổi đời” đối với nhiều nhà khoa học. Sự công nhận này tương đương đỉnh cao danh vọng trong sự nghiệp của họ. Nhưng việc giành được những giải thưởng khoa học cao quý như vậy có thực sự giúp các nhà khoa học trở nên năng suất hơn và có tầm ảnh hưởng trong ngành hơn hay không?

Nhà vật lý sinh học người Thụy Sĩ Jacques Dubochet - người đoạt giải Nobel Hóa học vào năm 2017 - đang trò chuyện với các bạn trẻ trong một cuộc biểu tình vì khí hậu. Ảnh: Le Temps
Nhà vật lý sinh học người Thụy Sĩ Jacques Dubochet - người đoạt giải Nobel Hóa học vào năm 2017 - đang trò chuyện với các bạn trẻ trong một cuộc biểu tình vì khí hậu. Ảnh: Le Temps

John Ioannidis, một nhà dịch tễ học tại Đại học Stanford, muốn tìm hiểu vấn đề này. Ông cho rằng những giải thưởng như giải Nobel là “một công cụ mang lại danh tiếng lừng lẫy”, nhưng ông đặt câu hỏi “liệu ​​chúng có thực sự giúp các nhà khoa học trở nên năng suất hơn và có tầm ảnh hưởng trong ngành hơn hay không”.

Vào tháng tám, TS. Ioannidis và các cộng sự đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Royal Society Open Science. Trong đó, họ cố gắng định lượng xem liệu các giải thưởng lớn có thúc đẩy khoa học tiến bộ hay không. Sau khi tổng hợp số lượng xuất bản và trích dẫn của các nhà khoa học đoạt giải Nobel hoặc Chương trình nghiên cứu sinh MacArthur, nhóm đã phân tích năng suất sau giải thưởng bị ảnh hưởng như thế nào bởi tuổi tác và giai đoạn sự nghiệp. Nhìn chung, họ phát hiện ra rằng tầm ảnh hưởng của những người đoạt một trong hai giải thưởng trên đều giữ nguyên hoặc giảm đi trong lĩnh vực của họ.

“Những giải thưởng này dường như không cải thiện năng suất của các nhà khoa học”, TS. Ioannidis nhận định. “Nếu không muốn nói là nó thậm chí còn làm giảm đi”.

Nghiên cứu này là một trong những công trình khoa học mong muốn làm rõ cách thức các giải thưởng định hình hoạt động nghiên cứu.

Từ năm 1901, Quỹ Nobel đã trao các giải thưởng cho những thành tựu đột phá trong vật lý, y sinh và hóa học (bên cạnh đó là các giải thưởng về hòa bình, văn học và từ năm 1969, nghiên cứu kinh tế). Chương trình nghiên cứu sinh MacArthur là một chương trình học bổng thường niên ra đời vào năm 1981, và không giống như Giải Nobel, nó được ví như một khoản đầu tư vào tiềm năng của một cá nhân. Mỗi năm, chương trình trao học bổng cho 20 đến 40 người, ở mọi lứa tuổi và đang hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, miễn họ “thể hiển sự đóng góp đặc biệt cũng như hứa hẹn tiếp tục và tăng cường công việc sáng tạo” của mình.

TS. Ioannidis và đồng nghiệp quyết định chọn những người đoạt hai giải thưởng này nhằm tìm hiểu xem tuổi tác ảnh hưởng như thế nào đến năng suất khoa học. Nhìn chung, những người đoạt giải Nobel thường lớn tuổi hơn và tiến xa hơn trong sự nghiệp so với những người đoạt giải MacArthur.


Một nhóm các nhà nghiên cứu tại ĐH Stanford nhận thấy rằng các nhà khoa học lớn tuổi làm việc kém hiệu quả hơn sau khi giành được các giải thưởng lớn như Nobel và Chương trình nghiên cứu sinh MacArthur. Phải chăng họ nghĩ rằng mình đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp và không còn thiết tha gì với nghiên cứu?


Trước tiên, nhóm đã chọn một mẫu gồm 72 người đoạt giải Nobel và 119 nghiên cứu sinh MacArthur trong thời gian gần đây, rồi so sánh số lượng công bố và trích dẫn của từng người được trao giải ở hai mốc thời gian: ba năm trước khi họ nhận được giải thưởng với ba năm sau sau khi họ nhận được giải thưởng. TS. Ioannidis cho biết, các công bố sẽ hé lộ về số lượng công trình mới mà một học giả đã tiến hành, trong khi các trích dẫn thì định lượng tác động của công trình đó trong lĩnh vực này.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng số bài báo mà những các nhà khoa học đoạt Nobel xuất bản trước khi nhận giải bằng với số lượng sau khi nhận giải, nhưng bài báo giai đoạn sau có ít trích dẫn hơn nhiều so với bài báo ở giai đoạn trước. Mặt khác, các nghiên cứu sinh của MacArthur giai đoạn sau công bố nhiều bài báo hơn một chút, nhưng số trích dẫn của họ vẫn giữ nguyên. Tỷ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo của cả người đoạt giải Nobel và nghiên cứu sinh MacArthur đều giảm sau khi họ đoạt được giải thưởng.

Khi phân tích các xu hướng liên quan đến độ tuổi, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đoạt giải ở độ tuổi 42 trở lên có số lượng trích dẫn và số lượng xuất bản giảm sau khi họ có được giải thưởng. Trái lại, các nhà nghiên cứu tiết lộ những người nhận giải ở độ tuổi 41 trở xuống xuất bản nhiều hơn và được trích dẫn nhiều hơn, điều này cho thấy tuổi tác đóng một vai trò quan trọng trong năng suất khoa học của những người được trao giải.

Nhưng Harriet Zuckerman, một nhà xã hội học tại Đại học Columbia, người đã dành cả sự nghiệp của mình để theo dõi cuộc sống và sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel, cho rằng không thể đánh giá năng suất dựa trên những thước đo đơn giản như vậy. Quá trình xuất bản hoặc trích dẫn công bố hội tụ rất nhiều yếu tố, và mỗi lĩnh vực khoa học lại có những tiêu chuẩn khác nhau. Ví dụ, trong một số lĩnh vực, các nhà khoa học thâm niên có thể không tự thêm mình vào danh sách tác giả để tạo cơ hội cho các nhà khoa học mới vào nghề tỏa sáng.

Tầm ảnh hưởng với xã hội


Mặc dù TS. Zuckerman cho rằng các yếu tố trên không phản ánh đầy đủ năng suất, nhưng bà cũng đã nghiên cứu cách thức xuất bản và trích dẫn của những người đoạt giải Nobel biến động theo độ tuổi, giai đoạn sự nghiệp và các yếu tố khác như thế nào. Bà nhận thấy rằng trải nghiệm với sự nổi tiếng là yếu tố gây ra sự thay đổi lớn nhất - điều mà những người đoạt giải Nobel đã phải đối diện, trong khi các nghiên cứu sinh MacArthur thì hầu như không.

“Mọi người - cả trong ngành và ngoài ngành - đối xử với họ như những người nổi tiếng, như thể mọi phát ngôn của họ trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có giá trị”, bà cho biết. “Điều này khiến họ xao nhãng”.

Andrea Ghez, nhà vật lý thiên văn tại Đại học California, Los Angeles, đồng ý rằng sự khác biệt giữa việc trở thành nghiên cứu sinh MacArthur, điều mà bà đã đạt được vào năm 2008 ở tuổi 43, và trở thành người đoạt giải Nobel Vật lý, điều mà bà đã làm vào năm 2020 ở tuổi 55, là rất rõ ràng. “Có một trách nhiệm to lớn đi kèm khi ta nhận giải Nobel, đó là ta được nhìn nhận như một người dẫn dắt thế giới”, bà kể. Đối với TS. Ghez, trách nhiệm ấy chính là việc trở thành người đại diện tích cực cất lên tiếng nói đòi hỏi những quyền cơ bản cho phụ nữ và bảo vệ tầm quan trọng của khoa học - hai tác động không được ghi lại trong các bài báo hoặc trích dẫn.

Một ví dụ điển hình khác là nhà vật lý sinh học người Thụy Sĩ Jacques Dubochet. Ông là một cựu nghiên cứu viên tại Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu tại Heidelberg, Đức, và là giáo sư danh dự về vật lý sinh học tại Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ. Năm 2017, ông đã giành giải Nobel Hóa học - cùng với Richard Henderson thuộc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử MRC ở ĐH Cambridge và Joachim Frank thuộc ĐH Columbia “vì đã phát triển hiển vi điện tử lạnh để xác định cấu trúc các phân tử sinh học có độ phân giải cao trong dung dịch”.

Trong bộ phim tài liệu “Citizen Nobel”, ông Dubochet chia sẻ rằng ông nhận ra mình có thể tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để kêu gọi vận động về một vấn đề mà ông ấy quan tâm – cuộc khủng hoảng khí hậu. Do đó, Dubochet bắt đầu tham gia tích cực vào các cuộc diễu hành chống biến đổi khí hậu, cười rạng rỡ trước chủ nghĩa lý tưởng của giới trẻ, xuất hiện cùng với Greta Thunberg để giương cao ngọn cờ bảo vệ môi trường.

Một lý do khác khiến năng suất nghiên cứu của những người đoạt giải Nobel giảm sút có thể là vì họ cảm thấy mình đã đạt đến đỉnh cao trong một lĩnh vực nghiên cứu và muốn thử điều gì đó khác mới mẻ hơn. “Đó được gọi là ‘điểm xoay’”, Dashun Wang, một nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.

TS. Wang nhận thấy tình trạng này khiến tỷ lệ công bố tạm thời giảm xuống, nhưng rồi mọi thứ sẽ trở lại như cũ sau khoảng ba năm. Ông coi đây là một điều tích cực, bởi “điều đó có nghĩa là họ muốn tiếp tục vượt qua giới hạn”.

TS. Ghez cho rằng giải thưởng Nobel mang lại cho các nhà khoa học sự tự tin và sức mạnh để theo đuổi những ý tưởng lớn hơn, tham vọng hơn. Theo bà, những nỗ lực nhằm thay đổi xã hội không thể được cân đo đong đếm bằng các trích dẫn.

Theo New York Times