Từ các cuộc khảo sát hộ gia đình và khảo sát thực địa ở vùng ven biển Hải Phòng, Ninh Bình và Thái Bình, nhóm tác giả ở ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Glasgow đã xây dựng một bản khuyến nghị nêu bật những tác động bất lợi của việc cho tư nhân thuê bãi bồi lên cộng đồng cũng như môi trường ở địa phương.

Theo bản Khuyến nghị, bãi bồi trước đây vốn là không gian chung của cộng đồng địa phương và mọi người đều có thể tiếp cận nguồn tài nguyên này để kiếm sống. Tuy nhiên, từ sau năm 1986, tư nhân được thuê lại bãi bồi để nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Khuyến nghị nhận định, việc tư nhân hóa các bãi bồi ven biển đã làm tăng tính dễ tổn thương của các cộng đồng địa phương.

Nhóm đã tiến hành 890 cuộc khảo sát hộ gia đình và kết quả cho thấy, có hơn 57% dân số được khảo sát ở Ninh Bình, hơn 25 % ở Thái Bình và gần 4% ở Hải Phòng tham gia nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Phần lớn trong số họ là hộ nghèo và cận nghèo, kinh tế trước đây phụ thuộc nhiều nhất vào các nguồn tài nguyên ven biển. Kể từ khi quyền khai thác các bãi bồi thuộc về tư nhân, họ trở thành nhóm có ít khả năng tiếp cận nhất với nguồn tài nguyên này. Bởi vậy, họ buộc phải di cư, chuyển nghề hoặc làm thuê cho các chủ bãi bồi để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, với sự tăng cường đầu tư máy móc và hóa chất vào những hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhu cầu thuê mướn lao động của các chủ bãi cũng ngày càng ít đi.

Ảnh minh họa: Thu hoạch ngao ở một bãi triều thuộc tỉnh Thái Bình. Nguồn:
Ảnh minh họa: Thu hoạch ngao ở một bãi triều thuộc tỉnh Thái Bình. Nguồn: baothaibinh.com.vn

Không chỉ vậy, nguồn sinh kế của nhóm yếu thế còn vô tình bị thu hẹp thêm bởi thế độc canh và sự kém đa dạng về cấu trúc (cây có độ tuổi tương tự nhau và khoảng cách đều nhau) của rừng ngập mặn, dẫn đến những hạn chế trong việc cung cấp lợi ích sinh thái.

“Chúng tôi hỏi người dân là có vào [rừng ngập mặn] đánh bắt con gì không thì họ bảo không” vì “khi ánh nắng mặt trời không xuống được thì không con gì sống được dưới tán rừng” - TS. Lê Thị Vân Huệ, một tác giả của Khuyến nghị, cho biết tại buổi tổng kết dự án mới đây ở Hà Nội.

Bên cạnh làm tăng tính dễ tổn thương của các cộng đồng địa phương, Khuyến nghị nhận định, cho thuê bãi bồi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến suy thoái hệ sinh thái nơi đây.

Kể từ khi được tư nhân hóa, diện tích bảo tồn ở các bãi bồi ven biển đã bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, như TS. Vân Huệ cho biết, vì đa số tư nhân thuê bãi bồi là người ở nơi khác đến với mục đích miễn sao thu lợi nhiều nhất nên họ không quan tâm sử dụng bãi bồi một cách bền vững. Việc lạm dụng hóa chất trong quá trình nuôi thâm canh ngao, tôm, cá là một tác nhân gây ô nhiễm kênh rạch chảy vào vùng bãi triều và biển. Thêm nữa, khi khả năng tiếp cận bãi bồi của cộng đồng địa phương giảm thì việc khai thác ở những khu vực hạn chế sẽ tăng lên, góp phần hủy hoại môi trường - Khuyến nghị cho biết.

Từ thực tế đó, nhóm tác giả đưa ra những khuyến nghị gắn liền sinh kế của các cộng đồng địa phương với sự phát triển bền vững của các vùng ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, với rừng ngập mặn, ngoài việc xác định các khu vực thích hợp thì cần trồng đa dạng các loài cây, theo cụm thay vì theo hàng để tạo nhiều tầng tán, tăng cường khả năng cung cấp các lợi ích sinh thái cho người dân.

Với nguồn tài nguyên bãi bồi, nhóm tác giả kêu gọi các nhà hoạch định chính sách đảo ngược xu thế tư nhân hóa, theo đó bảo vệ phần đất bãi bồi còn lại không bị tư nhân hóa và cộng đồng sẽ được sử dụng phần đất bãi bồi đã được tư nhân hóa, sau khi hợp đồng cho thuê hết hạn. Với những bãi đang cho thuê, người dân vẫn phải được tiếp cận cho các hoạt động thiết yếu như đi lại. [Trong quá trình đi khảo sát thực tế, các tác giả đã có dịp lắng nghe câu chuyện của một phụ nữ mang thai bị đánh chỉ vì chị đi qua bãi bồi giờ đây thuộc quyền sở hữu tư nhân vào thời điểm nước triều lên vì chủ bãi nghi ngờ chị có ý đồ ăn cắp ngao của họ.]

“Nếu như tất cả những khuyến nghị được thực hiện, chúng sẽ thúc đẩy quản lý vùng ven biển bền vững để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường cũng như phúc lợi của cộng đồng địa phương, có thể mang lại những lợi ích to lớn nhất cũng như đạt được những mục tiêu phát triển bền vững ở đồng bằng sông Hồng”, TS. Vân Huệ nói.

Nghiên cứu của nhóm được tiến hành trong khuôn khổ dự án Living Deltas Hub (2019-2024) do Quỹ Nghiên cứu Thách thức toàn cầu (GCRF) tài trợ. Dự án này tập trung vào ba vùng đồng bằng: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam); và đồng bằng sông Ganges – Brahmaputra – Meghna (Bangladesh và Ấn Độ).

Dự án hướng đến tìm hiểu sự thay đổi của các vùng đồng bằng do các mối đe dọa (nước biển dâng và xâm nhập mặn; suy giảm rừng ngập mặn và mất đi các vùng đệm ven biển; biến đổi khí hậu; gia tăng dân số; thay đổi sử dụng đất, sức khỏe và sự thịnh vượng của cộng đồng; những can thiệp về kỹ thuật không bền vững) gây ra, từ đó xây dựng các giải pháp giúp hệ sinh thái - xã hội ở các vùng đồng bằng phát triển bền vững hơn.

Các đơn vị tham gia Dự án tại Việt Nam gồm: Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Hoa Sen, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước.