Asparagopsis taxiformis (AT) là một loại rong biển đặc biệt, hứa hẹn có thể giúp nhân loại cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính methane sinh ra từ quá trình tiêu hóa thức ăn ở bò.
Mặc dù chiếm tỷ lệ không quá lớn trong số các chất khí gây hiệu ứng nhà kính – bằng 1/5 carbon dioxide (CO2), nhưng methane (CH4) lại giữ nhiệt hiệu quả hơn 25 lần, qua đó góp phần đáng kể vào tình trạng nóng lên của Trái Đất. Bên cạnh hoạt động sản xuất công nghiệp, ngành chăn nuôi bò chính là nguồn phát thải methane lớn nhất. Theo ước tính tại Mỹ, đàn bò thường trực gần 90 triệu con đã đóng góp 37% lượng khí thải methane hàng năm của nước này; và 10% trong số đó lại đến từ quá trình phân hủy các chất cặn bã (phân bò).
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển (SUAS) mới đây đã thực hiện thí nghiệm bổ sung AT vào phân bò và ghi nhận lượng methane sinh ra giảm đi gần một nửa (44%). Tác giả Mohammad Ramin lý giải đó là nhờ vào hiệu quả của hoạt chất bromoform có trong AT giúp ngăn chặn quá trình sản sinh methane. Đã có nhiều nghiên cứu trước đó sử dụng AT trong chế độ ăn của bò sữa nhằm cắt giảm lượng methane sinh ra khi bò ợ hơi, nhưng đây là lần đầu tiên thử nghiệm được thực hiện với phân bò. Tuy nhiên, mối quan ngại lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu là AT chứa nhiều iodine – nồng độ chất này gia tăng trong sữa có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như rối loạn tuyến giáp hay thậm chí ngộ độc. Vì thế, nhóm đang tìm cách để tạo ra một chủng AT mới chứa ít iodine hơn.
“Methane do quá trình phân hủy phân bò sinh ra thực sự đóng góp đáng kể vào lượng khí thải nhà kính toàn cầu, do đó nó cần được giảm thiểu. Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra tiềm năng của việc sử dụng chất ức chế methane trong AT để thực hiện điều đó. Chúng tôi kỳ vọng nó sẽ mở đường cho những khám phá sâu hơn trong tương lai,” Ramin nói.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Sustainable Food Systems.
Phương Hiền (theo SUAS)