Từ nhà bác học tiên phong trở thành người giáo viên sáng tạo, Georg Christoph Lichtenberg là một nhà vật lý đa tài đa nghệ.
Lichtenberg để lại dấu ấn của mình ở ít nơi hiếm người biết đến trong cấu trúc rời rạc của khoa học vật lý. Bạn có thể tìm thấy vòng nhẫn Lichtenberg trên Mặt trăng, gần đồng bằng Ocean of Storms (hay còn gọi là Oceanus Procellarum) lớn nhất trên bề mặt hành tinh này; hoa sét (hiệu ứng Lichtenberg), một dự đoán sớm về phương pháp in chụp tĩnh điện, trong cuốn cẩm nang về tĩnh điện; và hợp kim Lichtenberg, gồm bitmut, chì và thiếc, trong sổ tay về luyện kim. Ông còn là một trong những nhà tư tưởng thú vị nhất trong thời đại Khai sáng ở châu Âu, một nhà tự nhiên học xuất sắc, nhà phê bình nghệ thuật, và là người sáng lập ra ngành vật lý thực nghiệm của Đức. Ông đi vào lịch sử cách ngôn châu Âu với 15 cuốn sổ tay “Waste Books”, tập hợp các câu nhận xét, trích dẫn, các liên tưởng khó nắm bắt và các kết quả nghiên cứu khoa học.
Tượng Georg Christoph Lichtenberg ở Göttingen, Đức.
Georg Christoph Lichtenberg sinh ngày 1/7/1742 tại Ober - Ramstadt gần Darmstadt. Ông là con út trong gia đìnhh gồm 17 người con, đa phần đều yểu mệnh. Khoảng năm 8 tuổi, ông được chẩn đoán mắc chứng gù vẹo cột sống bẩm sinh, một biến dạng cột sống nghiêm trọng. Dị tật này khiến ông rất lùn (146cm) và gù lưng. Hơn nữa, Georg lại mắc bệnh hen suyễn, và sau này ông cũng bị suy tim, luôn lo lắng, trầm cảm. Bất chấp tất cả các bệnh nói trên và nhiều bệnh khác, Lichtenberg đã sống 57 năm vô cùng phong phú.
Nhà khách Georg Christoph Lichtenberg Haus được xây dựng vào năm 1898 và được trùng tu theo phong cách Art Noveau vào năm 1910, là một ví dụ về phong cách kiến trúc độc đáo này đã trở thành một dấu ấn ở Darmstadt, đã giúp thành phố nổi tiếng thế giới. Ngoài các căn hộ dành khách, còn có các căn phòng cho các giáo sư quốc tế, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ và các nhà nghiên cứu tham quan.
Tuy không may chịu cảnh bệnh tật quấn thân, nhưng ông vẫn có chút may mắn khi người cha Johann Conrad Lichtenberg, mục sư ở Ober - Ramstadt, là người rất tài năng và có nhiều sở thích đã vô cùng chú ý tới việc nuôi dưỡng ông. Mục sư Johann hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thơ ca, âm nhạc và kiến trúc, đồng thời ông cũng quan tâm tới các chủ đề khoa học và đã truyền mối quan tâm này cho hai người con trai út. Niềm đam mê thiên văn học nói riêng và các môn khoa học nói chung trong gia đình này không phải ngẫu nhiên xuất hiện, một trong những tổ tiên của dòng họ Lichtenberg là nhà chiêm tinh và thiên văn học nổi tiếng Johannes Lichtenberg, sống ở Mainz vào nửa sau của thế kỷ 15.
Năm lên 9 tuổi, cha ông qua đời. Một năm sau, năm 1752, ông ghi danh ở trường trung học ở Damstadt. Nhờ học hành chăm chỉ và sáng tạo, ông đã giành được một số giải thưởng và tốt nghiệp vào năm 1761 với lời đánh giá là một trong những học sinh xuất sắc nhất. Để ông được học lên cao, mẹ ông là bà Katharina Henrietta Lichtenberg đã xin Lãnh chúa Louis VIII vùng Hesse ân điển, trao cho ông học bổng (200 Guilder mỗi năm) và cho phép ông đi học “nước ngoài”, ở Göttingen.
Đại học Georg-August ở Göttingen được đại cử tri của Hannover cùng vua Anh George II thành lập vào năm 1734, vua đã gửi các con trai tới đây học tập. Nơi đây là một trong những trường đại học hiện đại và khai phóng nhất ở Đức, tập trung phần lớn vào các môn khoa học thực nghiệp và vật lý của Newton, cũng như liên kết chặt chẽ với đời sống học thuật ở Anh quốc. Năm 1763, Lichtenberg trúng tuyển vào đại học này và theo học Abraham Gotthelf Kästner, giảng viên vật lý và toán học lỗi lạc, đồng thời công tác trong đài quan sát thiên văn của trường đại học. Quãng thời gian học tập tại nơi đây không dễ dàng với Lichtenberg. Một năm sau khi ông nhập học, mẹ ông qua đời, và khoản học bổng quá ít ỏi để duy trì. Ông phải xoay sở kiếm thêm từ việc dạy gia sư, hiệu đính, và cuối cùng là viết thơ cho những dịp khác nhau. Cuộc sống xã hội của ông vô cùng bận rộn, ông đã kết giao với nhiều người bạn mới và tình bạn này thường kéo dài hàng thập kỷ.
Dưới hướng dẫn của thầy Kästner, Lichtenberg đã tiến hành các quan sát thiên văn học tại Đài quan sát Göttingen từ năm 1766 đến năm 1774, tốt nghiệp đại học năm 1767. Lichtenberg được tiến cử với giám thị Đại học Hesse ở Geßen. Vào tháng 8/1767, ông được Lãnh chúa Louis VIII vinh danh là giáo sư toán học và tiếng Anh tại Đại học Geßen, nhưng ông vẫn ở lại Göttingen. Năm 1775, Lichtenberg trở thành giáo sư toán học và vật lý tại Đại học Georg-August ở Göttingen.
Vào mùa xuân năm 1770, theo lời mời của các sinh viên Anh mà ông từng dạy kèm, Lichtenberg du hành tới London. Ông được đích thân Vua George III tiếp đón tại Đài quan sát hoàng gia và chiếm được cảm tình của nhà vua. Vua George III phong ông thành ủy viên hội đồng cơ mật vào năm 1788; và Hiệp hội Hoàng gia đã bầu ông làm thành viên vào năm năm sau đó.
Giữa năm 1784 và 1794, Lichtenberg phát hành bốn ấn bản dựa trên tác phẩm Anfangsgründe der Naturlehre (Cơ sở của khoa học tự nhiên) do người đồng nghiệp Johann Polykarp Erxleben quá cố viết, trong đó có cả các nhận xét phê bình và hiệu đính của chính ông. Đây vẫn được coi là sách giáo khoa vật lý tiêu chuẩn ở Đức cho tới tận đầu thế kỷ 19. Ông giảng dạy dựa trên cuốn sách của Erxleben và bổ sung thêm các thí nghiệm. Các bài giảng này đã khiến ông nổi danh trên khắp châu Âu và được nhiều nhà khoa học lừng danh lẫn các trí thức tham dự, gồm Alessandro Volta (1745–1827), Johann Wolfgang Goethe (1749–1832), Karl Friedrich Gauss (1777–1855), và Alexander von Humboldt (1769–1859).
Trên những ngọn đồi quanh vùng Göttingen, Lichtenberg thực hiện những thí nghiệm về phát minh đương đại mới nhất – cột thu lôi. Vào tháng 5/1780, ông lắp đặt nó vào ngôi nhà ngoại ô. Thật không may, ông không phải người Đức đầu tiên làm việc này. Một năm trước đó, bác sĩ Johann Albert Heinrich ở Hamburg đã chế tạo ra cột thu lôi và tu viện trưởng Johann Ignaz Felbinger từ Silesian Żagań là người đầu tiên vào năm 1769. Tuy vậy, ông là người đã phát hiện được “vệt sét trở lại” - dòng điện chạy qua mặt đất ướt khi tia chớp phá hủy điện tích tạo ra trên bề mặt Trái đất. Dòng điện này có thể chạy lan ra từ điểm sét đánh.
Tháng 12/1795, Lichtenberg quay lại Göttingen và chẳng bao lâu sau ông đã tình cờ phát hiện một điều vô cùng quan trọng. Sau khi chế tạo một bản khởi điện theo thiết kế mà bạn ông - nhà phát minh Volta sử dụng, ông đã chà xát tấm điện môi vào con mèo và thấy rằng các hạt bụi tụ lại theo hình thù kỳ lạ và nó được gọi là hiệu ứng Lichtenberg (hoa sét). Vào tháng 2/1778, ông đã trình bày báo cáo về chủ đề này trong phiên họp của Hiệp hội Khoa học Göttingen, nhưng không thể giải thích đầy đủ lý do cho hiện tượng này. Ông cho rằng “sự hình thành các hình thù đáng kinh ngạc này dường như cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa điện tích dương (+) và điện tích âm (-)”. Chester Carlson, nhà phát minh kỹ thuật sao chụp bằng tĩnh điện đã công nhận thử nghiệm của Lichtenberg là “quy trình ghi tĩnh điện đầu tiên”. Lichtenberg cũng dự cảm là điện sẽ được dùng trong tương lai để truyền đạt thông tin: “Nhờ dây điện, chúng ta có thể gửi tín hiệu, xác định khoảng cách đến những nơi gần, v.v. Có thể sử dụng dòng điện cho việc đó, ít nhất là trên một số đoạn nhất định”. Lichtenberg đã giả định một cách chính xác rằng hai lý thuyết tranh cãi về ánh sáng - hạt và sóng - có thể kết hợp với nhau.
Từ năm 1778 đến năm 1799, ông biên tập cuốn Tạp chí bỏ túi Göttinger, đăng các bài luận về khoa học tự nhiên, các quan sát triết học và văn học theo tinh thần nhân văn của thời kỳ Khai sáng. Giữa năm 1780 và 1785, ông bắt tay với Georg Forster để biên tập Tạp chí Khoa học và Văn học Göttingen, chuyên cập nhật và đánh giá các nghiên cứu khoa học đương thời và cũng chứa đựng nhiều đóng góp văn học.
Lichtenberg qua đời vì viêm phổi vào ngày 24/2/1799.