Năm nay là một năm bận rộn của ngành khảo cổ học Việt Nam với nhiều cuộc khai quật mới, sau thời gian tạm lắng vì đại dịch COVID.

Tại Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học 2022 do Viện Khảo cổ học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 24 và 25/11, các nhà khảo cổ học đã thông báo nhiều phát hiện mới.

Hội nghị năm nay nhận được sự tham dự trực tiếp của nhiều nhà khoa học từ cả ba miền, với 390 báo cáo cho 6 tiểu ban: khảo cổ học tiền sử (55 báo cáo), sơ sử (47 báo cáo), khảo cổ học lịch sử (225 bài), Champa - Óc Eo (40 bài), và khảo cổ học dưới nước (15 bài).

Trong đó, các cuộc khai quật tại địa điểm Vũng Huyện và Cái Làng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) thuộc di tích thương cảng Vân Đồn đã xác định được hệ thống các di vật phong phú có niên đại trải rộng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX, tập trung nhất là di vật thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Với các khảo sát mới này, “vấn đề trung tâm thương cảng Vân Đồn tiếp tục được các nhà nghiên cứu đặt ra”, theo PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc khai quật tại chùa Tĩnh Lự (Bắc Ninh) hé lộ thêm các bằng chứng kiến trúc của một ngôi chùa cổ có từ thời Lý (1055), như được ghi nhận trong sách Việt sử lược. Dấu vết hiện còn cho thấy, chùa đã tồn tại và tiếp nối liên tục cho đến thế kỷ XIX, tập trung ở thời kỳ Lý – Trần và thời Lê Trung Hưng. Đây là bằng chứng cho sự kiện chúa Trịnh Tráng tổ chức một cuộc trùng tu lớn tại chùa (1645-1648). Các hiện vật được tìm thấy gồm đồ gốm và đồ sành như bát, đĩa, cốc, chân đèn, lư hương...; và các vật liệu kiến trúc, trong đó, bộ đầu đao lớn bằng gốm men thời Lý, dài khoảng 90cm và nặng khoảng 30-35kg, là một hiện vật đặc biệt.

Tại miền Nam, khảo sát vòng thành Đá Trắng (Bà Rịa – Vũng Tàu) đem đến nhiều nhận thức mới về biên cương phía nam của vương quốc Champa. Tọa lạc trên một gò cát ven sông Hỏa, trên khu vực giữa huyện Xuyên Mộc và huyện Đất Đỏ, thành Đá Trắng là một tòa thành đá ong hình vuông có diện tích khoảng 4,2 ha, cùng với một vòng hào khô chữ nhật diện tích 10 ha, với cạnh dài nhất dài 410m. TS. Nguyễn Quốc Mạnh (Trung tâm Khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam Bộ), người chủ trì khai quật, nhận xét: “Dựa vào các di vật gốm và so sánh về các cấu trúc đá ong ở đây với các di tích Chăm ở miền Trung, cho thấy niên đại di tích là từ thế kỷ XV đến XVI”, gợi ý rằng tòa thành thuộc về giai đoạn cuối của vương quốc Champa. Phát hiện này “cho chúng ta thêm một tư liệu nhận thức rõ hơn về ranh giới cũng như không gian của hai vương quốc (Champa và Chân Lạp) trong lịch sử”, theo TS. Mạnh.

Hiện vật gốm Gò Sành phát hiện tại di tích thành Đá Trắng. Ảnh: Tuấn Quang

Di chỉ Vòng thành Đá Trắng có diện tích hơn 4ha, có cấu trúc hình vuông, được phát hiện trên địa bàn ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc từ năm 2002 (nằm trong vùng đỏ nhìn từ trên cao). Ảnh: VKHXH

Những vấn đề hậu khai quật

Trong các năm gần đây, diễn ra nhiều cuộc khai quật quy mô, đặc biệt là các cuộc khai quật thành cổ, theo nhận xét của PGS.TS. Tống Trung Tín, nhưng để nhận thức toàn diện các di tích này lại đòi hỏi nỗ lực nghiên cứu lâu dài trên một diện tích cực kỳ lớn.

Đáng mừng là hoạt động khảo cổ nhận được hợp tác chặt chẽ từ các địa phương nơi có di tích, như trong các cuộc khai quật tại Quảng Ninh, Thanh Hóa hay Bắc Ninh v.v... Trường hợp Hải Vân Quan, di tích nằm giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng cũng là một ví dụ về sự hợp tác giữa các tỉnh thành với nhau, khi Huế và Đà Nẵng gác lại cuộc tranh giành di sản về địa phận của mình từ năm 1997 để nộp chung hồ sơ di tích, và gần đây cùng thực hiện dự án trùng tu chung, dự kiến hoàn thành vào năm tới.

Tuy nhiên, điều này không phải là xu thế chung, cá biệt như khảo cổ học dưới nước thường xuyên gặp phải các trở ngại cả chủ quan và khách quan: “Hầu như các địa phương đều không ủng hộ gì nghiên cứu khảo cổ học dưới nước. Cái đó là một thực tế”, theo TS. Trần Quý Thịnh (Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học dưới nước). Ông cho rằng nguyên nhân đơn giản là do lãnh đạo ngành văn hóa cũng như chính quyền ở địa phương chưa hiểu bản chất, giá trị của công việc khảo cổ.

Một số di vật khai quật được từ Vòng thành Đá Trắng. Ảnh: PLO.

Thêm nữa, một vấn đề chung mà rất nhiều cuộc khai quật khảo cổ phải đối mặt là tốc độ đô thị hóa, khiến cho khó kiểm soát việc phá hủy các di tích khảo cổ. Cuộc khai quật thành Đá Trắng diễn ra tại khu vực đã được quy hoạch phân lô khu đô thị mới, nhưng chưa tiến hành, theo TS. Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ học).

PGS. Tín còn chỉ ra, công việc khai quật thường phải bỏ dở sau khi di tích bị phá hủy hay vùi lấp sau quá trình “xây mới”: “Chẳng hạn chúng tôi đi đến một hệ thống chùa mới phát hiện và khai quật, khai quật ra giá trị rồi thì không khai quật tiếp được nữa, vì hầu hết địa điểm đó đã xây dựng ngôi chùa mới lên trên.”

Việc xây mới này đe dọa không chỉ sự toàn vẹn của di tích, PGS. Tín chỉ ra, mà còn đến cơ hội để di tích được công nhận là di sản. Lấy ví dụ mới đây khi xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho quần thể Yên Tử, nhóm chuyên gia của UNESCO đã yêu cầu loại chùa Quỳnh Lâm – ngôi chùa nổi tiếng từ thời Lý – và am Ngọa Vân – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch – khỏi hồ sơ với lý do là các khu vực này đều đã bị xây mới. “Rất đau lòng nhưng cũng là bài học”, ông nhấn mạnh.

PGS.TS Tống Trung Tín: “Nếu anh làm mới thì cứ làm thoải mái, nhưng không ai công nhận cái giá trị đó. Mà tính xác thực cao thì cái mảnh vỡ cũng được. Đấy mới là cái người dân và thế giới họ cần. Ở đây chúng ta thấy giá trị như thế, nhưng làm thế nào bảo vệ, bảo tồn được thì đó là vấn đề rất lớn.”

Nhìn chung, công tác quy hoạch di tích khảo cổ học và nghiên cứu hậu khai quật vẫn chưa được chú trọng đúng mức, theo GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung: “Phải hiểu rằng chỉ 10% là khai quật, 90% còn lại là công tác hậu khai quật, tức là nghiên cứu di tích, di vật cũng như bảo tồn”. Bà đề xuất nhà khảo cổ học cần tập trung hơn vào các hoạt động bên ngoài hố khai quật.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Thị Hậu (Hội KHLS Việt Nam), cho rằng việc bảo tồn di tích đòi hỏi các nhà khảo cổ cần thể hiện tiếng nói và đối thoại với cộng đồng. “Nếu như xã hội không chung tay thì chúng ta có khai quật thì di sản cũng khó được bảo vệ”, TS. Hậu nhấn mạnh: “Vì vậy cho nên rất mong các nhà khảo cổ cùng lên tiếng để bảo vệ các di sản.”

GS. Lâm Thị Mỹ Dung cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực trầm trọng của ngành khảo cổ học. Hằng năm, trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, chỉ đào tạo được 4-5 cử nhân chuyên ngành khảo cổ, nhưng trong con số này, “rất nhiều em ra trường không tìm được việc làm thích hợp và phải đi làm trái nghề.”

Ngược lại, vẫn xảy ra tình trạng thiếu nhân lực khảo cổ học ở các bảo tàng tỉnh, ban quản lý di tích. Đây là sự suy giảm “thảm hại” đang diễn ra trong hơn 10 năm qua, theo PGS. Tống Trung Tín: “Các tỉnh hầu hết không có cán bộ khảo cổ học. Viện Khảo cổ học thì […] rất ít khi tuyển dụng.”

TS. Nguyễn Thị Hậu: “Giới khảo cổ chúng ta âm thầm làm nhiều việc từ tiền sử đến hiện đại, nhưng chúng ta lên tiếng rất ít. Chúng ta cứ nghĩ rằng làm tốt rồi mọi người sẽ biết, nhưng thực ra không hẳn như vậy. Nếu chúng ta không lên tiếng thì công việc có thể có ích về chuyên môn, sẽ không lan tỏa được kết quả dưới góc độ xã hội.”