Với một con người, tài sản duy nhất để học tập, làm việc và sinh sống không gì khác là bộ não – một cái máy vạn năng, phức tạp và vi diệu nhất quả Đất mà Mẹ Tự Nhiên đã trao tặng cho mọi đứa trẻ nào từ lúc mới sinh ra.

Ảnh: bcode.edu.vn.
Ảnh: bcode.edu.vn.

Thế nhưng, vì sự “dại khờ” và “mịt mờ” của nhiều bố mẹ, thầy cô và trường học, cũng như của bao công ty, sản phẩm gắn mác giáo dục, do vô tình hay cố ý, đã bào mòn, khấu hao, bơm “phoóc môn” hoặc bóp teo tóp phần này phần kia của não. Thế nên, có bao nhiêu đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức, thầy cô giỏi, trường lớp tốt, thiết bị xịn, công nghệ hay ho,… cũng khó vực dậy được những cỗ máy đã không được xây dựng và sử dụng đúng cách.

Để rồi, một ngày nào đó, cỗ máy chạy ì ạch rồi sập nguồn, thì gần như chẳng ai chịu gánh trách nhiệm. Chỉ có đứa trẻ là phải “lãnh đạn” đầy đủ từ sự “khôn ngoan quá thể” của người lớn, và rồi chúng bị gắn cho những cái mác như, “dốt nát”, “học kém”, “thiếu động lực”, “não trái nho”,… Nhưng rất ít khi là do lỗi của chúng, mà là của bao người lớn đã vô tình “đánh phá” bộ não của chúng một cách không thương tiếc để rồi chính họ “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Trong mỗi đứa trẻ đều có một Siêu nhân và nhiệm vụ của chúng ta là làm sao đừng cướp đi sức mạnh của những cô – cậu Siêu nhân tí hon ấy. Chi bằng chúng ta học hành nghiêm túc về bốn vùng cơ bản não của lũ trẻ mà chúng ta đã, đang và sẽ “đụng chạm” đến.

NÃO “PHI CÔNG”

Đây chính là phần não chịu trách nhiệm về việc lập kế hoạch, sắp xếp tổ chức, kiểm soát cảm xúc, đánh giá phân tích, tư duy logic lập luận. Để một người học được và học tốt, “chàng phi công” này phải được luyện tập thường xuyên để có đủ sức khỏe kiểm soát những phần não khác và điều tiết các yếu tố ngoại cảnh “nắng mưa thất thường”.

“Thức ăn ưa thích” của “chàng phi công” này chính là 2 “tiên dược” dopamine và neropinephrine – một kiểm soát sự hưng phấn và ưa thích, một kiểm soát trực giác và độ tập trung. Khi hàm lượng 2 món ăn này được cân bằng, “chàng phi công” sẽ được bồi bổ vừa đủ để xử lý kiến thức và làm việc hiệu quả, tập trung sắc bén hơn, suy nghĩ rõ ràng và năng suất lao động tốt hơn.

Thế nhưng, khi mất ngủ hoặc quá nhiều căng thẳng, cũng như khi không được luyện tập thói quen chú tâm một cách thường xuyên và đủ đậm, mà đi học về nhà hay đi học thêm là chỉ có chơi, thì chàng phi công này lại bị “nhồi thuốc” với dopamine và neropinephrine, bắt đầu trở nên bốc đồng, ngu si và mê muội.

NÃO “CHIẾN BINH”

Đây chính là phần não mà con người “kế thừa” từ tổ tiên động vật, sau bao năm tiến hóa vẫn lưu truyền đến hậu duệ ngày nay. Nó sẽ bật công tắc mỗi khi có nguy cơ, hiểm họa rập rình, cứ như là một con thú sống trong rừng với bao nhiêu kẻ săn mồi mọi nơi. Vì vậy, “chú chiến binh” này cực kỳ nhạy cảm với nỗi sợ, lo lắng, nóng giận và vô vàn cảm xúc khác. Nó không suy nghĩ gì cả mà chỉ cảm nhận và phản ứng.

Một “chiến binh” khỏe mạnh sẽ rất dày dạn kinh nghiệm trong việc điều tiết các nguồn cơn của stress, giúp cho mọi sự nổi loạn của stress được “đàn áp” nhanh chóng. Thế nhưng khi liều lượng stress diễn ra quá lâu và hàm lượng đậm đặc – với nhiều người có thể là kéo dài hơn cả tháng hoặc cả năm – thì các binh lính diệt stress (chất cortisol) lại mù quáng đi tiêu diệt luôn cả… tế bào phụ trách ký ức, đánh phá tan tành cả… trí tò mò, thèm khát khám phá, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Cho nên mới có tình trạng chúng học rất nhiều nhưng chẳng nhớ gì, thi xong là bay sạch, và càng ngày càng lờ đờ mệt mỏi “lết thân” đến trường lớp.

Tình trạng thi cử kéo dài, bài tập về nhà dài lê thê và rập khuôn thuộc lòng, áp lực con nhà người ta và luyện thi chuyên chọn,… cứ như là những vùng đất “màu mỡ” để lũ trẻ “chết dần chết mòn”, khi mà “chàng chiến binh” thay vì nằm trong vùng kiểm soát lại biến thành một tên tướng hung hăng, mất kiểm soát.

Khi bị căng dây đàn, thì não “chiến binh” này thẳng cẳng đá “chàng phi công” văng ra khỏi tay cầm lái, dẫn đến việc bộ não đánh mất lý trí, gây ra những lời nói và hành động dại khờ theo bản năng chứ không phải của con người khôn ngoan.

NÃO “CỔ ĐỘNG VIÊN”

Cô nàng “cổ động viên” chính là cơ quan tuyên dương khen thưởng của não, là nhà máy sản xuất dược chất dopamine, tạo sự thích thú và hưng phấn. Dopamine chính là chìa khóa của mọi động lực. Một hoạt động bất kỳ, nếu như không làm thường xuyên để duy trì mức độ dopamine tiết ra đều đặn, thì dần dần lũ trẻ sẽ mất động lực với chính hoạt động đó.

Nhưng vấn đề của thời nay chính là dopamine thường bị sản xuất “bất hợp pháp” bằng những hoạt động “trá hình”. Thắng một trò chơi, kiếm được tiền tiêu, được khen thưởng ghi nhận bằng quà đắt tiền, bắn game lia lịa, quẹt facebook không phanh, nướng youtube cả ngày,… cũng pha chế và sản sinh ra dopamine. Thời nay, đây mới là những hoạt động phổ biến để sản xuất dopamine.

Còn những hoạt động bổ ích khác – đọc sách, học tập, viết lách, trò chuyện với bố mẹ, ăn cơm cùng gia đình, tập thể dục – vốn dĩ sức tạo ra dopamine nhưng lại bị đóng sập nguồn từ lâu, vì những “hoạt động trá hình” trên kia đã xâm chiếm đất đai dày đặc, và có sức quyến rũ kinh khủng “vạn người mê”. Bố mẹ chúng cũng thế, đừng nói chi là trẻ con.

Sự thờ ơ và mê muội của bố mẹ cho phép chúng sử dụng các thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, phần mềm học “siêu cấp vô địch”, nên chúng chỉ được “thăng hoa” trong những điều phù phiếm ấy, khi dopamine được xả ra như nước lũ kéo về. Còn động đến chuyện học hành thì cái máy pha chế dopamine cảm thấy cũ kỹ, khởi động mãi cũng chẳng tiết ra được một tí dopamine nào. Thế nên có mấy đứa trẻ đạt được trạng thái thăng hoa khi cầm lên một quyển sách, một cây bút viết hay tập thể dục đâu.

NÃO “ĐỨC PHẬT”

Cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học tình cờ phát hiện ra một vùng não bí hiểm. Nó “tắt điện” khi một người tập trung vào một công việc gì đó. Cho nên, các nhà khoa học chuyển sang săm soi cái vùng não ấy và tự hỏi nó sẽ ra sao khi … bật sáng đèn.

Và họ phát hiện ra một trong những vùng não phức tạp và vi diệu nhất của con người, khi chúng ta tưởng chừng như… “không làm gì cả”. Và họ quả quyết nó phải rất rất rất quan trọng khi mà nó sử dụng 60-80% năng lượng của bộ não.

Khi chúng ta không tập trung vào một công việc, chỉ để cho suy nghĩ đến rồi đi, thì vùng não này sẽ tự động bật sáng, như một người du khách đi đi về về giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là lúc một đứa trẻ “mơ giữa ban ngày”, hoặc ngồi nghĩ ngợi vu vơ, hoặc khi chúng ta nằm chờ giấc ngủ đến trong trạng thái thư giãn. Khi ấy, bộ não chúng ta chuyển sang chế độ “offline”, thay vì cứ “online” suốt ngày với bao công việc, học tập, và mạng xã hội.

Chính những lúc thế này, “Đức Phật” sẽ lưu chuyển kiến thức và thông tin từ phòng chứa tạm bợ vào những nhà kho bền vững hơn, chuyển hóa thành ký ức lâu dài và bền vững; giúp cho não hồi sinh và gia tăng tuổi thọ; và giúp cho chúng ta xử lý những ý tưởng phức tạp nhất và thật sự sáng tạo, đột phá. Nó chính là cái vùng não được kích hoạt khi Newton nhìn táo rơi và phát hiện ra lực hút Trái đất, hay Archimedes đang trần truồng tắm bồn mà phải hét lên Eureka (nếu như những mẩu chuyện này là có thật).

Với cái lịch học và chạy sô dày đặc của lũ trẻ, quanh năm suốt tháng thi cử liên tù tì, sáng dậy mở mắt ra là chạy bắn đến trường chỉ để bị “nã đạn” bằng một rừng kiến thức, hở ra vài phút rảnh rỗi là dán mắt vào máy móc, công nghệ, tivi, điện tử, tối về nhà học xong là ôm máy đến khuya, thì “Đức Phật” gần như không có thời gian và không gian để… sáng đèn.

Vì thế, lũ trẻ gần như khó mà sáng tạo, hay nghĩ ra những ý tưởng hay ho, lại càng không định hình và phát triển cái tôi, những ước mơ hay suy nghĩ sâu sắc. Vì chúng có bao giờ được hóa thành “Đức Phật” để chiêm nghiệm đâu, nên chúng gần như không hiểu người và hiểu mình, cứ như những cái máy tự động chạy trong một hệ thống sản xuất hàng loạt đã được lập trình sẵn.

Để rồi khi chúng được “xuất xưởng” ra biển lớn thì chúng mới hoang mang không biết mình là ai giữa đời, mình cần gì và mình muốn gì, lại càng mù tịt không biết nên tương tác và “ăn ở” thế nào với mọi người, thế giới và cuộc đời.

Tốc độ trưởng thành và thời điểm chín muồi của bốn vùng não này là do “Trời định”, tức do gene di truyền mà bố mẹ trao cho mỗi đứa trẻ. Thế nhưng, mức độ phối hợp, hòa nhịp giữa bốn vùng nào này hợp cạ và hiệu quả đến đâu thì không hề do di truyền quyết định, mà do… cách dạy bảo và đồng hành cùng lũ trẻ, cũng như trải nghiệm và cuộc sống của chúng quyết định.

Chính vì vậy mới có những đứa trẻ tuy sinh ra đã “trúng số độc đắc”, có vùng não được Tự nhiên “lập trình” rất khỏe, thế nhưng do cái cách bố mẹ, thầy cô và nhà trường “mắt nhắm mắt mở” đập phá, nên các bộ phận của cỗ máy này hoặc bị bào mòn, tắt nguồn hoặc bị bơm nạp quá đáng. Vậy nên bốn “anh chị em” không thể nào sống chung một nhà: lúc cần “phi công” cầm lái thì “chiến binh” lại hung hăng xông lên, còn lúc cần “Đức Phật” lên ngôi thì “cổ động viên” lại cứ thích bắn game hay nướng phim.

Còn có vài đứa trẻ tuy sinh ra không phải “con nhà giàu”, vì bố mẹ chúng không “đủ giàu” để cho chúng một bộ não “siêu xe” như Mercedes hay Lamborghini, mà chỉ là “xe dân dụng” như Kia hay Toyota hạng thường. Thế nhưng, nhờ vào những bố mẹ và thầy cô thông thái, thấu hiểu cũng như những môi trường “lành mạnh” và “sâu sắc”, chúng được dạy cho cách phát triển và điều phối bốn bánh xe não này, để chiếc xe của chúng từ từ lăn bánh và chạy thật xa trên chặng đường rất dài về sau.

Đừng vì sự “mịt mờ” của người lớn chúng ta mà cướp đi cái cỗ máy tuyệt vời để lũ trẻ đi đường dài và tìm đến thành công. Ở đời này rất nhiều kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng”, lấy đi của lũ trẻ rất nhiều thứ quý báu, để rồi mai kia lại “trút đổ mọi tội lỗi” lên đầu lũ trẻ vô tội.
Hãy là những người “làm vườn, chèo đò” thông thái, để dù không giúp cho lũ trẻ được tốt hơn, thì cũng đừng để “mê muội đập phá” gia tài của chúng. Vì bộ não là tài sản to lớn nhất của lũ trẻ, chứ không phải của chúng ta.

Trước khi lắp ráp và sử dụng máy móc, đề nghị đọc kỹ sử dụng trước khi dùng. Và não chính là cái máy phức tạp và vi diệu nhất, nên cần phải đọc càng kỹ trong cái thời buổi… loạn thông tin.