Sử dụng tư liệu viễn thám để đánh giá sự biến động các yếu tố hải văn tại vùng biển quanh một số đảo lớn của quần đảo Trường Sa là một trong 3 mục tiêu mà đề tài có mã số VT/UD-04/14-15 đã hoàn thành.


Đó là đề tài “Ứng dụng ảnh vệ tinh trong đánh giá một số đặc điểm điều kiện tự nhiên và môi trường trên một số đảo lớn và vùng biển xung quanh thuộc quần đảo Trường Sa phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh” do TS Đỗ Huy Cường làm chủ nhiệm. Đề tài nằm trong chương trình Khoa học trọng điểm cấp nhà nước về công nghệ vũ trụ, do Viện Địa chất và Địa vật lý biển chủ trì, thực hiện trong 2 năm và đã được nghiệm thu cấp nhà nước.

Theo thông tin từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngoài mục tiêu kể trên, 2 mục tiêu còn lại của đề tài cũng đã được hoàn thành, gồm: Phân vùng tiềm ẩn các nguy cơ xói lở phục vụ công tác bảo vệ và phát triển đảo bền vững; ứng dụng thử nghiệm sử dụng tư liệu ảnh VNREDSat-1 cho nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên các vùng biển đảo xa bờ.

c
Sơ đồ tuyến khảo sát thực địa.

Qua chuyến khảo sát thực địa tại các đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa, nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả chính là các bộ cơ sở dữ liệu về: Mô hình tính toán, phương pháp xử lý và phân tích đơn phổ, đa phổ tư liệu ảnh vệ tinh trong nghiên cứu các tham số môi trường biển; tham số chuẩn trong xử lý các kênh phổ tư liệu viễn thám của các đối tượng môi trường biển; quang phổ đặc trưng của các đối tượng ở đảo san hô khu vực 4 đảo Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết; hiện trạng phân bố và biến động các yếu tố khí tượng hải văn, thủy thạch động lực, vận chuyển trầm tích, phân bố san hô...

Kết quả đề tài cũng bao gồm các sơ đồ, bộ sơ đồ về: Phân bố các yếu tố môi trường biển nhiệt độ, chlorophyll-a, năng suất sinh học sơ cấp khu vực 4 đảo và lân cận; dòng chảy, bãi bồi, xói lở và các bãi nổi tiềm năng, phân vùng tiềm ẩn nguy cơ xói lở bờ đảo nổi và khu vực đảo ngập triều; phân bố hiện trạng bãi bồi 4 đảo trong hai thời kỳ gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam; hình thái địa mạo 4 đảo; phân bố các rãnh bào mòn phá huỷ 4 đảo.

x
Sơ đồ phân bố bãi nổi tiềm ẩn khu vực đảo Nam Yết (a), Sơn Ca (b), Song Tử Tây (c)
và Sinh Tồn (d).

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khảo sát thực địa khu vực đảo nổi và vùng biển lân cận các đảo lớn củaTrường Sa. Các số liệu tham số thu thập gồm trên 3.000 mẫu quang phổ đối tượng lớp phủ, tham số môi trường biển theo mặt cắt đến độ sâu lớn nhất là 50m, bao gồm các tham số về nhiệt độ, độ PH, độ dẫn, độ đục, độ muối, chlorophyll-a và các đặc trưng quang phổ ảnh viễn thámtương ứng.

Họ cũng đã xây dựng thư viện mẫu phổ đặc trưng và các điểm chìa khóa cho các đối tượng lớp phủ mặt đất trên cơ sở các ảnh mà vệ tinh VNRedSat-1và Landsat-8 thu thập được trong khuôn khổ của đề tài và kết quả khảo sát thực địa 4 đảo nổi kể trên; phân tích điển hình trên 3.000 mẫu quang phổ đặc trưng của đất phân chim, đất trồng và quang phổ đặc trưng của san hô khu vực 4 đảo.