Ngày 13/4, các nhà quản lý ở Mỹ kêu gọi ngừng tiêm vaccine của Johnson & Johnson (J&J) vì sáu trường hợp đông máu bất thường trong gần 7 triệu người được tiêm chủng.Theo chuyên gia sức khỏe Susan Goldstein từ Johannesburg, Nam Phi, quyết định này do có nhiều sự nhầm lẫn tai hại của chứng rối loạn đông máu và mối liên hệ của nó với vaccine.

Mối liên hệ giữa đông máu và vaccine là gì?

Các cục máu đông có thể liên quan với vaccine J&J và AstraZeneca có những đặc điểm riêng như: xuất hiện ở các vị trí bất thường như não hoặc ổ bụng, kèm theo lượng tiểu cầu thấp và các mảnh vỡ tế bào hỗ trợ quá trình đông máu. Một dấu hiệu khác là tình trạng giảm tiểu cầu kích hoạt bởi heparin (HIT) mặc dù người được tiêm vaccine chưa có tiền sử dùng heparin.

Một điều dưỡng đang chuẩn bị liều vaccine của AstraZeneca.
Ảnh: Pasquale Senatore/Pacific Press/Shutterstock

HIT bị kích hoạt khi heparin gắn vào protein đông máu “yếu tố tiểu cầu 4” gây ra chuỗi đáp ứng miễn dịch bao gồm sản xuất kháng thể chống lại “yếu tố tiểu cầu 4”, cuối cùng dẫn đến phá hủy tiêu cầu và giải phóng nguyên liệu thúc đẩy hình thành cục máu đông. Điều bí ẩn là HIT xảy ra mặc dù không có heparin trong máu.

Hai loại vaccine kể trên đều dựa trên adenovirus làm vector mang DNA mã hóa spike protein của virus, lợi dụng tế bào trong cơ thể sản xuất spike protein nhằm kích hoạt đáp ứng miễn dịch chống lại chính protein này và virus. Hiện các nhà khoa học không rõ thành phần nào trong các loại vaccine này đã gây ra phản ứng miễn dịch không mong muốn. “Có thể do bản thân vector, cũng có thể do spike protein đột biến, hoặc vector bị ngoại nhiễm,” nhà miễn dịch Hildegund Ertl của Viện Wistar, Pennsylvania cho biết.

Các vaccine khác có liên quan đến rối loạn đông máu không?

Các triệu chứng của HIT liên quan đến hai vaccine dựa trên adenovirus mà không xuất hiện ở hai loại vaccine mRNA của Moderna và Pfizer/BioNTech khiến mọi người cũng quan ngại một loại vaccine khác cũng dựa trên adenovirus là Sputnik V của Nga.

Viện Gamaleya, đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine này, phủ định những lo ngại nêu trên. Họ tuyên bố các vaccine tuy cùng dựa vào adenovirus nhưng có sự khác biệt về loại virus cụ thể được sử dụng, loại tế bào nuôi cấy chúng, trình tự DNA đột biến mà chúng mang, cũng như sự khác biệt trong phương pháp tinh sạch, và liều lượng được sử dụng.

Nhà virus học Eric van Gorp tại Đại học Erasmus, Hà Lan đang đồng chủ trì một nhóm nghiên cứu tác động của từng loại vaccine lên các tế bào mạch máu được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Nhóm cũng tìm kháng thể kháng “yếu tố tiểu cầu 4” ở người người nhận vaccine khác nhau. Ông cho biết xác định được yếu tố kích hoạt đáp ứng miễn dịch không mong muốn giúp chúng ta biết có thể tiếp tục trông đợi vaccine dựa trên adenovirus hay không?

Tình trạng đông máu có thường gặp trên người được tiêm vaccine không?

Tỷ lệ rủi ro so với lợi ích mang lại là thông tin quan trọng nhất mà cơ quan quản lý cần để đưa ra quyết định liệu vaccine đó có an toàn hay không. Nhưng đây là con số khó xác định.

Rõ ràng là nguy cơ của HIT rất thấp, với chỉ 86 trường hợp được báo cáo trong tổng số 25 triệu người được chủng ngừa, tính đến ngày 22/3, Tuy nhiên có khả năng các báo cáo khác tương tự không được đếm vì sai lệch và nhầm lẫn.

Ví dụ, một hội chứng phức tạp như HIT có thể bị phân loại sai trước khi tin tức về mối liên hệ giữa HIT và vaccine được công bố, nên có thể số trường hợp được báo cáo sẽ tăng lên.

Nguy cơ cao hơn ở nhóm đối tượng nào?

Rất khó để phân tích dữ liệu hiện tại để xác định nhóm nào có nguy cơ cao mắc hội chứng đông máu. Bởi số trường hợp này quá ít cũng như sự phân phối vaccine không đồng đều. Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết họ không thể xác định nhóm nguy cơ đông máu từ dữ liệu về vaccine AstraZeneca. Các báo cáo ban đầu cho rằng phụ nữ tương đối trẻ là nhóm có khả năng đông máu cao nhất, tuy nhiên có thể đây là hệ quả của chính sách ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhóm đối tượng mà phụ nữ trẻ chiếm ưu thế.

Việc nhấn mạnh biến chứng này phổ biến ở nhóm người trẻ tuổi có thể gây ra hiểu lầm tai hại, khiến nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu không chú ý đến nguy cơ đột quỵ do cục máu đông vốn thường gặp ở người lớn tuổi.

Chúng ta cần đợi thêm các báo các về các sự kiện bất lợi liên quan đến vaccine để làm rõ các yếu tố nguy cơ, từ đó cho phép cơ quan quản lý đưa ra các chính sách phù hợp.

Lo ngại về tác dụng phụ tiềm năng sẽ tác động bất lợi đến nỗ lực tiêm chủng toàn cầu?

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu cơ quan quản lý không tạm dừng tiêm chủng các lại vaccine gây quan ngại và thảo luận minh bạch về dữ liệu hiện tại sẽ gây suy giảm niềm tin của công chúng đối với quy trình giám sát an toàn vaccine.

Chuyên gia về bệnh nhiễm Noni MacDonald từ Đại học Dalhousie cho biết cách thức thông báo rủi ro đến công chúng rất quan trọng, bởi một khi niềm tin của xã hội đối với vaccine bị tổn hại thì sẽ rất khó khôi phục. “Thông tin tiêu cực tồn tại lâu hơn, và lan ra rộng hơn. Điều này khiến chúng ta thêm bất an.” Bất kỳ sự hạn chế sử dụng vaccine nào, do quyết định của cơ quan quản lý hay sự do dự của công chúng, cũng gây ra tác động toàn cầu. Hai loại vaccine J&J và AstraZeneca có giá thành rẻ và dễ bảo quản hơn so với vaccine mRNA, và cả hai nhà phát triển đều đồng ý phân phối chúng đến các nước thu nhập thấp và trung bình thông qua chương trình Covax.

Goldstein cho biết chỉ khoảng 1/3 nhân viên y tế Nam Phi được tiêm chủng, mặc dù đã có dự đoán về làn sóng dịch thứ ba tại nước này. Vaccine của AstraZeneca được báo cáo kém hiệu quả trước biến thể nguy hiểm đang lưu hành tại nước này, trong khi vaccine mRNA đắt tiền không sẵn có.

Vaccine J&J cũng vừa bị tạm dừng phân phối vì lo ngại đông máu bất thường. Đây là loại vaccne dùng 1 liều duy nhất, hứa hẹn trở thành hướng đột phá đối với các nhóm khó tiếp cận như người vô gia cư, người nghiện và người không thể ra khỏi nhà. Chuyên gia bệnh nhiễm Camile Kotton tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết việc tạm dừng loại vaccine này là điều vô cùng đáng tiếc, bởi chúng không yêu cầu dây chuyền bảo quản lạnh nghiêm ngặt.

Nature: doi.org/10.1038/d41586-021-00998-w