Mô hình lai ghép giữa doanh nghiệp thuần túy và doanh nghiệp xã hội
Điều gì khiến CSIP lựa chọn việc hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội (DNXH) nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội (DNKNXH) nói riêng?
CSIP được thành lập năm 2008. Vào thời điểm đó, tôi tiếp cận với khái niệm DNXH và nhận thấy mô hình này vừa có thể kinh doanh tạo ra lợi nhuận vừa hướng tới phát triển cộng đồng. Vì vậy, ngay từ năm 2008, CSIP đã trở thành đơn vị đầu tiên, tiên phong trong hỗ trợ các DNXH nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội nói riêng ở Việt Nam.
Từ năm 2009 đến nay với tổng số 200 đơn vị CSIP hỗ trợ thì một tỷ lệ không nhỏ trong đó đều có được yếu tố đổi mới sáng tạo trong phương thức kinh doanh hoặc cách thức phát triển.
Cụ thể như DiChung - platform chia sẻ chỗ ngồi trên xe trống. Năm 2012 khi Dichung được giới thiệu, những khái niệm liên quan đến kinh tế chia sẻ chưa được biết đến ở Việt Nam. Với mong muốn hạn chế tắc đường, giảm thiểu ô nhiễm, mô hình của DiChung đã thuyết phục được CSIP là đơn vị đầu tiên nhận hỗ trợ. Số vốn đầu tiên khoảng 10.000 USD nhưng nó đã trở thành hạt giống thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ và góp phần giải quyết các vấn đề về giao thông ở Việt Nam.
Hay như Tò He cũng vậy. Trước Tò He, không ai nghĩ đến việc sử dụng tranh vẽ của trẻ em để tạo ra các sản phẩm thời trang, bán trên thị trường và dùng lợi nhuận quay trở lại phục vụ các em. Hầu hết người ta chỉ nghĩ đến việc tổ chức lớp vẽ và xếp kho các bức tranh. Tò He đã biết cách tận dụng để sản phẩm có thể bán được trên thị trường.
Chị Phạm Kiều Oanh - Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).
Khi làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội, chị nhận thấy bức tranh toàn cảnh này như thế nào, bao gồm năng lực, tiềm năng phát triển, những giá trị họ tạo ra?
Cần phải hiểu DNXH nằm ở đâu trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng và nền kinh tế xã hội chung của cả quốc gia. Bất cứ nước nào cũng vậy, DNXH nằm ở khoảng trống giữa các doanh nghiệp kinh doanh thông thường và các tổ chức xã hội.
Lại lấy ví dụ về DiChung, năm 2012, khi kinh tế chia sẻ chưa được biết đến, các doanh nghiệp cũng không quan tâm nhiều tới ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông. Thời kỳ đó, DiChung ra đời để giải quyết việc tắc đường và ô nhiễm. Sau này, khi Uber, Grab ra đời với sự phát triển thần tốc của công nghệ đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cũng như giải quyết tốt các bài toán liên quan đến giao thông.
Như vậy, thị trường của DNXH khá nhỏ so với quy mô của thị trường chung. Chỉ khi có yếu tố cực kỳ sáng tạo và được hỗ trợ lớn, quy mô của các kiểu doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội mới phát triển mạnh. Dù thế nào cũng khó có thể kỳ vọng các DNXH có được thị trường lớn như doanh nghiệp thông thường.
Việt Nam đi lên từ một nước nghèo và có nhiều vấn đề phải giải quyết. Các doanh nghiệp thông thường chưa có đủ tinh thần cống hiến đến mức độ sẵn sàng phi lợi nhuận. Vì thế, sự xuất hiện của DNXH là cần thiết.
DNXH kéo các doanh nghiệp thuần túy và tổ chức xã hội lại gần nhau hơn. Đây là mô hình lai, ghép giữa hai dạng thức luôn tạo ra giá trị kép, vừa tạo ra lợi nhuận vừa tạo ra giá trị xã hội.
Chị nhìn nhận thế nào về tiềm năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội ở Việt Nam?
Việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội ở Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng để hiện thực hóa cần nhiều yếu tố liên quan đến hệ sinh thái hỗ trợ và phát triển thị trường.
Lý do tôi nói là tiềm năng bởi trong giai đoạn vừa qua, một số startup đã thành công như DiChung, VeXeRe, Tò He... Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn vị chưa biến được tiềm năng thành thực tế. Vì thế, CSIP mới có mặt để hỗ trợ, kết nối giúp họ hiện thực hóa tiềm năng.
Cần thấy, các starup này tạo ra giá trị kép nên cách kinh doanh của họ không giống doanh nghiệp thông thường, phương thức quản lý tài chính, nhân sự cũng phải có khác biệt. Nghĩa là họ vừa phải biết kinh doanh, vừa phải tạo ra các giá trị nhân văn nên đòi hỏi kênh hỗ trợ đặc biệt từ các tổ chức bên cạnh sự hỗ trợ chung của nhà nước.
Cần được hỗ trợ toàn diện
Những doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội ở Việt Nam đang gặp phải vấn đề gì trong việc hiện thực hóa ý tưởng cũng như để có thể tạo ra giá trị nào đó cho xã hội?
Một doanh nghiệp thông thường phải đối mặt với 4 vấn đề: thị trường; nguồn nhân lực; tài chính; công nghệ. Tuy nhiên, cần thấy rằng, thị trường của DNXH vốn nhỏ và không dễ để thuyết phục mọi người tham gia, bởi với nhiều người ở Việt Nam, các khái niệm về khởi nghiệp còn rất xa lạ.
Ở các nước phát triển mạnh về DNXH, chính phủ luôn có tài chính cho lĩnh vực này, Việt Nam thì không. Các DNKNXH không có bất cứ ưu đãi nào. Trong khi đó, ở các nước có nguồn vốn dành riêng cho DNXH, họ sẽ được hỗ trợ thuê mặt bằng, nhân sự, vốn... Nhà nước triển khai theo hình hình thức, giao đề bài cho doanh nghiệp, nếu xử lý được vấn đề này anh sẽ được thanh toán số tiền tương ứng.
Nghe có vẻ như CSIP đang đơn độc trong công việc này?
Việc đơn độc của người đi tiên phong là đương nhiên. Từ ngày đầu tiên khi CSIP làm, chưa có ai chấp nhận khái niệm DNXH hay khởi nghiệp xã hội. Nhưng sau 10 năm, bây giờ ít nhất các khái niệm đã đưa vào luật, nhà nước có công nhận sự tồn tại của DNXH. Các trường đại học đã bắt đầu đào tạo về DNXH và khởi nghiệp xã hội, các nhà đầu tư đã bắt đầu chấp nhận đầu tư cho khởi nghiệp xã hội.
Thời gian qua, nhờ có sự hỗ trợ của IPP, chúng tôi tạo ra được kênh ươm tạo các sáng kiến xã hội,... Các yếu tố này dù còn nhỏ nhưng là viên gạch đầu tiên trong hệ sinh thái hỗ trợ cho DNXH mà CSIP là một trong những người thợ xây góp sức trong đó.
Theo chị, CSIP và các tổ chức như CSIP cần chính sách gì để tiếp tục hỗ trợ các DNXH nói chung và startup xã hội nói riêng?
Thông qua kinh nghiệm của các nước, các tổ chức như CSIP cần được hỗ trợ thúc đẩy 3 trụ cột của một doanh nghiệp là nhân lực, tài chính và thị trường. Đây là 3 thách thức lớn nhất của DNXH và tùy vào từng bối cảnh khác nhau mà đặt cái gì lên trước và đưa ra mô hình cụ thể.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn có sự hỗ trợ đồng bộ. Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy, khi được hỗ trợ, họ có cả chiến lược quốc gia để phát triển DNXH. Dựa trên 3 trụ cột đó, các nhà hoạch định sẽ nghiên cứu xem nên ưu tiên lĩnh vực nào. Ví dụ, nếu Việt Nam coi biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên thì cần tập trung nguồn lực phát triển cho DNXH trong lĩnh vực đó.
Hiện nay CSIP đang triển khai các giải pháp nào để hỗ trợ các startup xã hội?
Chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội bằng cách nâng cao năng lực. CSIP cũng mong muốn vận động chính sách, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo ra một thị trường lớn hơn cho DNXH, để nhiều người ủng hộ hơn và hiểu hơn về các chính sách của DNXH và mở rộng quy mô cho thị trường. Bên cạnh đó, CSIP cũng kết nối các nguồn lực thông qua các tổ chức, doanh nghiệp... và nâng cáo năng lực trực tiếp cho DNXH thông qua chương trình ươm tạo online, offline...
Cảm ơn chị về cuộc trao đổi.
Từ khi thành lập (năm 2008) tới nay CSIP đã hỗ trợ và đầu tư cho 191 DNXH trong đó có 70% là DNXH khởi nghiệp, trực tiếp và gián tiếp cung cấp 11000 nghề nghiệp, đào tạo và thay đổi cuộc sống của 70.000 người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho 280.000 người có hoàn cảnh khó khăn bằng những sản phẩm và dịch vụ xã hội, 80% số DNXH khởi nghiệp được ươm tạo đã thực sự lớn mạnh cả về quy mô cũng như năng lực điều hành. Điều này cho thấy tính bền vững và hiệu quả của các DNXH sau khi được CSIP hỗ trợ, tạo động lực để phát triển. |