Một nghiên cứu mới cho thấy điều kiện gia đình có thể đóng vai trò quan trọng hơn so với yếu tố bất bình đẳng giới trong việc quyết định khả năng vươn lên tầng lớp kinh tế xã hội giàu có hơn của một cá nhân

Ảnh minh họa: shutterstock.
Ảnh minh họa: shutterstock.

Khi bất bình đẳng toàn cầu gia tăng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những quốc gia nào có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao hơn thì cũng có xu hướng có tỷ lệ dịch chuyển giai cấp thấp hơn. Nói cách khác, những cá nhân ở tầng lớp kinh tế xã hội thấp hơn thường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để vươn lên tầng lớp giàu có hơn.

Trong nghiên cứu mới, nghiên cứu sinh tiến sỹ Dương Quốc Khánh (Đại học Liên Hợp Quốc - MERIT, Hà Lan) đã phân tích mối quan hệ giữa giáo dục, bất bình đẳng giới và điều kiện gia đình (cụ thể là mức độ giống nhau giữa con cái và cha mẹ, trong bối cảnh này còn được gọi là sự phụ thuộc vào cha mẹ - parental dependency) cũng như sự ảnh hưởng của các yếu tố này đến tính di động của giai cấp.

Kết quả nghiên cứu đã được trình bày trong bài báo “What really matters for global intergenerational mobility?” trên tạp chí PLOS ONE.

Đánh giá lại các yếu tố


Sự thăng tiến xã hội không chỉ chịu ảnh hưởng của các hệ thống phân cấp xã hội và bất bình đẳng hiện có mà còn được định hình bởi các yếu tố gia đình đã hình thành qua nhiều thế hệ. Hiện tượng này thường được gọi là sự tồn tại liên thế hệ, theo đó những lợi thế hoặc bất lợi về giáo dục kế thừa từ cha mẹ sẽ định hình đáng kể con đường học hành của một cá nhân và địa vị kinh tế xã hội sau đó của họ.

Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã liên tục nhấn mạnh mối tương quan chặt chẽ giữa kết quả giáo dục của trẻ em với trình độ học vấn của cha mẹ. Các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng trẻ em lớn lên ở các gia đình có trình độ học vấn cao hơn thì cũng có nhiều khả năng đạt được kết quả học tập tốt hơn. Chẳng hạn, tại Đức và châu Âu nói chung, một số nghiên cứu đã phát hiện ra: khoảng cách kinh tế xã hội đã được hình thành trong giai đoạn trước khi trẻ đi học, và việc được đi học giúp làm giảm những bất bình đẳng này. Điều này ngụ ý rằng các điều kiện gia đình đóng vai trò quan trọng xác định tình trạng kinh tế xã hội của một người, và do đó cho thấy sự phụ thuộc vào cha mẹ là một trong những yếu tố ảnh hưởng hoặc cản trở sự thăng tiến xã hội - thường được mọi người nói vui là “cha nào, con nấy”.

Bên cạnh đó, yếu tố giáo dục cũng đã được các nghiên cứu trước đây xác định là một yếu tố chính - một động lực quan trọng trong việc phá vỡ chu kỳ bất bình đẳng và thúc đẩy sự thăng tiến xã hội giữa các thế hệ. Tuy nhiên, các chính sách đầu tư giáo dục không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề này.

Trong khi đó, ngoài bất bình đẳng xã hội và sự phụ thuộc vào cha mẹ, yếu tố bất bình đẳng giới cũng là một yếu tố không thể không nhắc đến. Cho đến nay, đã có bằng chứng về bất bình đẳng giới rất rõ ràng ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, chẳng hạn như Hy Lạp, Brazil, Tây Ban Nha và Ấn Độ, cũng như ở các khu vực phát triển như châu Âu và các khu vực đang phát triển như châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trẻ em gái ở các nền kinh tế thu nhập cao đã vượt qua trẻ em trai về khả năng dịch chuyển xã hội tuyệt đối giữa các thế hệ và tỷ lệ giáo dục đại học. Sự đảo ngược khoảng cách giới tính này bắt đầu từ nhóm những năm 1960 và kể từ đó vẫn tiếp tục gia tăng. Những xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở các nền kinh tế đang phát triển: phụ nữ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giới tính về khả năng dịch chuyển giai cấp tuyệt đối và ngang bằng với nam giới về giáo dục đại học.

Như vậy, trong bối cảnh chịu bất bình đẳng xã hội và phụ thuộc vào cha mẹ, thì "việc mở rộng giáo dục giúp thế hệ sau dịch chuyển xã hội như thế nào? Liệu yếu tố thiên vị giới trong sự dịch chuyển liên thế hệ có còn nghiêm trọng khi phân tích đa chiều với yếu tố bất bình đẳng xã hội, sự phụ thuộc vào cha mẹ và các yếu tố bối cảnh hay không?”, nghiên cứu sinh Dương Quốc Khánh đặt câu hỏi. “Khi sự khác biệt về giới dần được xóa bỏ qua các thế hệ và không còn tìm thấy bằng chứng mạnh về bất bình đẳng giới ở châu Phi trong các nghiên cứu gần đây, những phát hiện này đòi hỏi phải xem xét lại mức độ bất bình đẳng giới trong sự dịch chuyển xã hội giữa các thế hệ, đặc biệt là khi các phương pháp truyền thống hiện nay khó có thể được sử dụng để phân tích tính đa chiều và động lực của các yếu tố trên".

Đó là lý do nghiên cứu sinh Dương Quốc Khánh quyết định sử dụng phương pháp máy học nhân quả để giải quyết các vấn đề gây nhiễu và xem xét lại tác động thực sự của việc mở rộng giáo dục (sự khác biệt giữa số năm đi học trung bình của trẻ em và số năm đi học trung bình của cha mẹ), bất bình đẳng xã hội, sự phụ thuộc vào cha mẹ và tác động của giới tính trong các mối quan hệ đa chiều phức tạp.

Để tiến hành nghiên cứu, anh đã sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu toàn cầu về tính di động giữa các thế hệ của 153 quốc gia trên toàn thế giới (trong đó có 115 quốc gia được phân loại là “nền kinh tế đang phát triển”), và sau đó tiếp tục chia thành các nhóm thế hệ cho mỗi thập kỷ từ những năm 1940 - 1980 để xây dựng mô hình.

“Tính độc đáo của nghiên cứu này nằm ở việc nó có thể chứng minh rằng: muốn thúc đẩy sự thay đổi địa vị xã hội, chúng ta cần phải giảm mức độ phụ thuộc liên quan đến cha mẹ, thay vì tập trung vào bất bình đẳng xã hội (như bất bình đẳng giáo dục hoặc định kiến ​​giới) như nhiều nghiên cứu trước đây làm - hoặc mở rộng giáo dục như giải pháp mà các chính phủ đang thực hiện”, nghiên cứu sinh Dương Quốc Khánh cho biết trong bài báo.

Yếu tố nào thực sự quan trọng?

Kết quả phân tích sơ bộ đã cho thấy việc mở rộng giáo dục có thể thúc đẩy khả năng thăng tiến xã hội giữa các thế hệ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, bất bình đẳng giáo dục có thể làm giảm hiệu quả của yếu tố này, và nếu có yếu tố về điều kiện gia đình mức độ cao thì việc mở rộng giáo dục cũng không còn hiệu quả. Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa việc mở rộng giáo dục và tính di động xã hội, cũng như mối quan hệ tiêu cực giữa bất bình đẳng giáo dục và tính di động xã hội. Cụ thể, điều kiện gia đình chỉ có mối tương quan tích cực thấp với khả năng thăng tiến xã hội. Tuy nhiên, sau khi áp dụng các kỹ thuật ước tính để giải quyết các vấn đề gây nhiễu giữa sự phụ thuộc vào cha mẹ và các yếu tố khác, mô hình cuối cùng của nghiên cứu sinh Dương Quốc Khánh cho thấy điều kiện gia đình có tác động tiêu cực lớn nhất đến sự thăng tiến xã hội (với quy mô hiệu ứng là 0,1) - có nghĩa là yếu tố lớn nhất cản trở khả năng của một cá nhân vươn lên vị trí xã hội cao hơn.

Mặc dù giáo dục có thể thúc đẩy khả năng, song, mô hình của nghiên cứu sinh Dương Quốc Khánh cũng cho thấy đây là một hiệu ứng yếu và có khả năng không hiệu quả khi sự phụ thuộc vào cha mẹ vẫn duy trì ở mức độ cao.

Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng mặc dù bất bình đẳng giới trong khả năng thăng tiến giữa các thế hệ vẫn tồn tại, nhưng mức độ của nó đã giảm đáng kể qua các thế hệ. Khi so sánh với sự phụ thuộc vào cha mẹ, tác động của giới tính ít quan trọng hơn nhiều. Kết quả phân tích của anh cho thấy: tác động của bất bình đẳng giới đối với tính di động xã hội (như được thấy trong kết quả của các gia đình có con gái và con trai) nhỏ hơn đáng kể (kích thước hiệu ứng là 0,005) so với tác động của sự phụ thuộc vào cha mẹ.

Do đó, theo nghiên cứu sinh Dương Quốc Khánh, các nhà hoạch định chính sách liên quan đến việc thúc đẩy sự thay đổi tầng lớp xã hội nên tập trung hơn vào việc thay đổi các truyền thống như “cha nào con nấy”. “Nghiên cứu mới cho thấy rằng mặc dù bất bình đẳng giới trong sự dịch chuyển xã hội giữa các thế hệ vẫn tồn tại, nhưng nó đã giảm đáng kể qua các thế hệ và ít quan trọng hơn so với yếu tố ảnh hưởng từ cha mẹ. Do đó, cần phải đánh giá lại vai trò của sự phụ thuộc vào cha mẹ và định kiến ​​giới, bởi vì hiện tại yếu tố về ảnh hưởng của cha mẹ hiện đang bị xem nhẹ, còn yếu tố về định kiến ​​giới lại đang bị nhấn mạnh quá mức”, anh nhận định.


Nghiên cứu sinh TS. Dương Quốc Khánh là một nhà nghiên cứu chuyên về bất bình đẳng xã hội và kinh tế, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Liên Hợp Quốc - MERIT (Hà Lan). Trước đó, anh là chú thích viên AI tạo sinh ở Ireland và hoàn thành nghiên cứu của mình tại Đại học Maynooth - tại đây luận văn của anh được Hội đồng nghiên cứu Ireland tài trợ toàn bộ.

Nghiên cứu của anh chủ yếu tập trung vào bất bình đẳng dai dẳng và thúc đẩy bình đẳng về cơ hội trong thời đại kỹ thuật số.


Các nghiên cứu của anh liên quan đến việc phân tích dữ liệu khảo sát xuyên quốc gia từ các nguồn như Khảo sát giá trị thế giới, Chương trình khảo sát xã hội quốc tế và Khảo sát xã hội châu Âu. Anh sử dụng học máy để tìm hiểu về các thách thức kinh tế xã hội trong lĩnh vực Khoa học xã hội tính toán với nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm phân cụm, giảm chiều, phân tích nhân tố, suy luận nhân quả, mô hình rừng cây (random forest), phân tích mạng xã hội và mô phỏng.



Nguồn tài liệu:
[1] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0302173
[2] https://unu.edu/merit/about/khanh-quoc-duong

Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)