Lượng khí thải giảm trong năm nay chỉ là một 'đốm sáng nhỏ' trong việc tích tụ khí nhà kính, một cơ quan của Liên hợp quốc cho biết.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc, nồng độ các khí nhà kính gây nóng lên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục trong bầu khí quyển, bất chấp việc phong tỏa ở nhiều nước do Covid-19 trong năm nay.
Hình minh họa. Nguồn: AFP/Getty Images
Theo ước tính, thế giới đã cắt giảm khoảng 4,2% đến 7,5% lượng khí thải vào năm 2020 do ngừng hoạt động du lịch và các hoạt động khác. Nhưng WMO cho biết đây chỉ là một "đốm sáng nhỏ" trong sự tích tụ liên tục các khí nhà kính trong không khí do các hoạt động của con người gây ra, mức cắt giảm này còn ít hơn so với sự biến động tự nhiên từng năm, và nồng độ các khí nhà kính vẫn tiếp tục ở mức kỷ lục kể từ Cách mạng Công nghiệp.
Báo cáo mới của WMO cho biết CO2 trung bình hàng tháng trong tháng 9 tại trạm chuẩn Mauna Loa ở Hawaii là 411,3 phần triệu (ppm), tăng từ 408,5ppm vào tháng 9 năm 2019. Tình trạng tương tự xuất hiện ở Cape Grim ở Tasmania, Australia, với mức tăng lên 410,8ppm so với 408,6ppm vào năm 2019. Và năm 2019 vốn đã là “sự bùng nổ tăng trưởng” về mức CO2 trung bình, tăng nhanh hơn tốc độ trung bình trong thập kỷ qua. Dữ liệu cho thấy hành động cắt giảm lượng khí thải hiện vẫn chưa đủ để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Báo cáo về khí nhà kính của WMO, dựa trên dữ liệu khí nhà kính được thu thập bởi mạng lưới Giám sát khí quyển toàn cầu, bao gồm các trạm ở Bắc Cực, núi cao và các đảo nhiệt đới, cho thấy CO2 trong khí quyển hiện cao hơn 50% so với năm 1750, trước cuộc Cách mạng Công nghiệp. Khí mêtan, được tạo ra bởi gia súc, đồng lúa và khai thác nhiên liệu hóa thạch, có nồng độ gấp 2,5 lần mức trước công nghiệp. Một loại khí nhà kính quan trọng khác là nitơ oxit, sinh ra từ việc lạm dụng phân bón nông trại và đốt rừng, hiện có nồng độ cao hơn 23% so với năm 1750.
Các nhà khoa học tính toán rằng lượng khí thải phải giảm một nửa vào năm 2030 để có cơ hội hạn chế nóng lên toàn cầu trong khoảng 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ nóng lên trên ngưỡng 1,5 độ C, hàng trăm triệu người sẽ phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và nghèo đói.
"Chúng ta đã vi phạm ngưỡng 400ppm toàn cầu vào năm 2015 và chỉ 4 năm sau đã vượt qua ngưỡng 410ppm. Tỷ lệ gia tăng như vậy chưa từng thấy trong lịch sử," Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO, cho biết. “CO2 vẫn còn trong khí quyển hàng thế kỷ. Lần cuối cùng Trái đất trải qua nồng độ tương đương là cách đây 3 đến 5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2-3 độ C và mực nước biển cao hơn 10-20 mét so với hiện nay. Nhưng khi đó Trái đất không có 7,7 tỷ người."
Talaas cho biết cần phải có một “sự chuyển đổi hoàn toàn các hệ thống công nghiệp, năng lượng và giao thông”. Và "những thay đổi này là có thể chi trả được về mặt kinh tế, kỹ thuật, và sẽ chỉ ảnh hưởng một chút đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta".
Nguồn:
https://www.theguardian.com/environment/2020/nov/23/climate-crisis-co2-hits-new-record-despite-covid-19-lockdowns