Chia sẻ quan điểm và nguyện vọng của Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS)
Nguyễn Quốc Vọng - giảng viên Đại học RMIT Úc, GS Đỗ Năng Vinh - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp và TS Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học nông nghiệp về việc xây dựng các trung tâm xuất sắc trong nông nghiệp tại Việt Nam (xem Khoa học và Phát triển số 1+2/2017 và số 11/2017), GS-TS Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương - cho rằng trung tâm xuất sắc có thể giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc.
Giáo sư Trần Duy Quý. Ảnh: Loan Lê
“Trung tâm xuất sắc trong nông nghiệp là xu hướng của thế giới. Các nước lớn như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc đều đã thành lập các trung tâm xuất sắc để tạo ra các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh. Một ví dụ điển hình là GS Nguyễn Quốc Vọng đã thành công khi xây dựng trung tâm xuất sắc ở Úc để xuất khẩu chè từ nước này sang Nhật Bản, trong khi Úc không phải là nước có lợi thế về cây chè và Nhật Bản là một thị trường rất khắt khe” - GS Quý chia sẻ.
Theo ông, hiện nay cơ cấu chuyển dịch nông nghiệp Việt Nam đang theo chủ trương của Nhà nước là những khu vực đất trồng lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôm và cá da trơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn yếu trong các khâu giống và phòng trừ dịch bệnh cho các loài thủy sản - đặc biệt là tôm hùm.
Vì vậy, chúng ta nên thành lập các trung tâm xuất sắc, trong đó không thể thiếu công nghệ sinh học, mời các nhà khoa học trong và nước ngoài đến làm việc để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi, trong đó có nuôi tôm, cá da trơn.
Rau và hoa quả cũng là lĩnh vực mà GS Quý cho rằng Việt Nam nên đầu tư xây dựng trung tâm xuất sắc: “Hiện, thế giới có khoảng 35-40 triệu tấn gạo được trao đổi buôn bán trong một năm, giá trị khoảng 20 tỷ USD, trong khi thị trường về rau, hoa quả có giá trị trên 200 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều điều kiện phù hợp trồng rau, hoa, quả trong 7 vùng sinh thái nông nghiệp, khí hậu đa dạng, thuận lợi để phát triển các cây có lợi thế. Vậy tại sao chúng ta không tranh thủ các lợi thế này để đầu tư vào rau và hoa?”.
Ông Quý giải thích thêm:“Ví dụ vào mùa đông, Việt Nam có khí hậu tuyệt vời để trồng các loại rau, trong khi đó ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc..., mùa đông là mùa băng tuyết nên họ phải nhập rau từ nước ngoài. Nếu chúng ta phát huy được lợi thế này thì có thể tập trung trồng rau quả xuất khẩu sang các nước, tận dụng hơn 3 tháng của vụ đông, khi khí hậu thích hợp với các loại cây như su hào, bắp cải, súplơ, càrốt, hành tây...”.
GS-TS Trần Duy Quý cho rằng, trung tâm xuất sắc hoàn toàn có thể giúp ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc nếu chúng ta biết đầu tư. Rào cản lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có cơ chế để cho các trung tâm xuất sắc hoạt động: “Qua quá trình thực hiện các đề tài chọn giống lúa, tôi thấy Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ bằng cơ chế chính sách và một phần kinh phí, nhưng các nhà khoa học Việt Nam vẫn có thể tạo ra các giống lúa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trung tâm xuất sắc cũng vậy, ban đầu Nhà nước nên đầu tư, sau đó giao cho tự chủ, chứ Nhà nước cũng không thể bao cấp mãi được”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương khẳng định: “Việt Nam đầu tư đúng và đủ thì hoàn toàn thành lập và phát triển được các trung tâm xuất sắc vì Việt Nam có rất nhiều người giỏi và có tâm huyết”.