TTXS là mô hình nghiên cứu phát triển sản phẩm theo chuỗi đã thành công ở nhiều nước, đặc biệt là Australia, gắn với một quá trình từ phòng thí nghiệm đến khi ra sản phẩm. Nó hình thành từ mục tiêu chiến lược ưu tiên của nền kinh tế, muốn tạo ra sản phẩm cốt lõi, có thể chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Nếu có TTXS, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm đẳng cấp quốc tế.
GS-TS Đỗ Năng Vinh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (AGI), hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp.
Về ý tưởng lập TTXS về rau quả của GS Vọng, tôi rất ủng hộ bởi Việt Nam có thể xuất khẩu “ánh sáng mặt trời” sang xứ lạnh, với nhiều loại rau quả vẫn cho thu hoạch tốt vào mùa đông. Chúng ta còn có lợi thế địa hình, chẳng hạn Lâm Đồng có 300.000ha đất ở độ cao 800m - điều kiện lý tưởng để phát triển rau quả.
Điều khó khăn là TTXS đòi hỏi sự vượt trội về con người, trang thiết bị, định hướng sản phẩm và đầu tư. Trong khi đó, các tổ chức khoa học của chúng ta hiện chưa nêu ra được đâu là vấn đề ưu tiên nổi bật, mức lương trả cho người tài còn thấp. Muốn có TTXS, phải có quá trình đầu tư nghiên cứu thường xuyên, có các dự án nghiên cứu căn bản nhất để một người làm khoa học có thể theo nó suốt đời và trong quá trình đó, họ sẽ tạo ra những sản phẩm hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của họ.
Vấn đề cốt lõi để thành lập TTXS đó là phải tổ chức để tạo ra sản phẩm, bao gồm tổ chức sản xuất và tổ chức nghiên cứu. Hai khâu này phải có sự liên kết chặt chẽ. TTXS phải là một tổ chức được điều phối ở cấp chính phủ. Muốn có TTXS, phải thay đổi toàn diện về quan điểm tổ chức và định hướng phát triển khoa học, công nghệ.
Từ trang thiết bị, đầu tư tài chính, con người đều phải đạt tiêu chuẩn xuất sắc. Khi Quốc hội xác định đâu là sản phẩm trọng điểm, cần lập TTXS để phát triển nó. Phần chi ngân sách phải có khoản riêng cho TTXS, các phòng thí nghiệm xuất sắc, mạng lưới nghiên cứu xuất sắc. Nếu thành lập được các TTXS để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, Việt Nam sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong ngành nông nghiệp.