Nhiều vùng đất nông nghiệp trên khắp châu Âu có khả năng đã trở thành những bể chứa vi nhựa lớn nhất toàn cầu.

Đó kết luận của các nhà khoa học đến từ Đại học Cardiff (xứ Wales) và ĐH Manchester (Anh), với kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environmental Pollution.

.

Châu Âu là nơi đạt trình độ canh tác nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng cũng đang gặp phải vấn đề do ô nhiễm vi nhựa.

Vi nhựa có thể chiếm đến 1% khối lượng bùn thải – sản phẩm phụ từ quá trình xử lý nước thải, chứa nhiều dưỡng chất – thường được tận dụng để sản xuất phân bón, một phần cũng do Liên minh châu Âu (EU) khuyến khích. Theo ước tính dựa trên kết quả phân tích mật độ vi nhựa trên nước bề mặt đại dương, mỗi năm có khoảng 31.000 – 42.000 tấn vi nhựa (tương đương 86 – 710 ngàn tỷ hạt) xâm nhập vào đất canh tác châu Âu. Trong đó, Anh Quốc được xem là bị ô nhiễm nặng nhất, với mật độ khoảng 500 – 1000 vi hạt nhựa/m2, theo sau là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức,… Vi nhựa trong đất sau cùng sẽ di chuyển trở lại nguồn nước tự nhiên thông qua các mạch ngầm hoặc dòng chảy trên bề mặt.

Những vi hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm bị xem là mối nguy hại đáng kể đối với các loài động vật hoang dã bởi chúng dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và mang theo nhiều tác nhân gây ô nhiễm, chất độc, mầm bệnh,… do đó ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi thức ăn.

“Chúng tôi luôn tự hỏi rằng liệu vi nhựa, trên thực tế có được loại bỏ hết (hoặc gần hết) tại những nhà máy xử lý nước thải hay lại phát tán rộng rãi trong môi trường. Việc các nhà máy xử lý nước thải thiếu những chiến lược rõ ràng để kiểm soát vi nhựa trong bùn thải thực sự là một rủi ro môi trường rất lớn,” TS. James Lofty từ Trường Kỹ thuật Đại học Cardiff – tác giả chính của nghiên cứu – cho biết.

Các tác giả đã phân tích mẫu bùn thải từ nhà máy xử lý nước thải Nash ở Newport, miền Nam xứ Wales – nơi đang có gần 300.000 cư dân. Kết quả cho thấy những vi nhựa có kích thước tương đối (đường kính 1 – 5mm) hầu như đã bị loại bỏ toàn bộ, chỉ còn sót lại một ít với mật độ 24 hạt/g bùn thải (tương đương 1% khối lượng). Do các vi nhựa đường kính nhỏ hơn 1mm chưa được tính đến, cho nên mật độ tổng thể, trên thực tế sẽ cao hơn nhiều.

TS. Lofty tiếp tục nhận định: “Điều này càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm vi nhựa trong đất nông nghiệp châu Âu. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có luật để kiểm soát vi nhựa trong bùn thải được dùng làm phân bón. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để tăng cường hoạt động giám sát và xây dựng những tiêu chuẩn.”