Đào tạo theo đơn đặt hàng
Mô hình này đã không ra đời nếu như vào năm 2014, Chính phủ Đức không hỗ trợ cho nhà trường nguồn vốn ODA trị giá 21 triệu Euro (trong đó khoản phải hoàn trả là 13,5 triệu Euro và khoản không hoàn trả là 7,5 triệu Euro), để xây dựng Trung tâm Đào tạo nghề Xuất sắc.
Trung tâm đã sử dụng vốn ưu đãi để trang bị các thiết bị đào tạo theo tiêu chuẩn dạy nghề của Đức; đào tạo đội ngũ giảng viên, cũng theo tiêu chuẩn Đức, ở trong nước và tại Đức; và đào tạo đội ngũ quản lý nhà trường đủ năng lực vận hành các mô hình dạy nghề tiên tiến. Khoản vốn ưu đãi này còn được sử dụng để hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên tại doanh nghiệp (in-company trainer), những người sẽ hướng dẫn và đánh giá sinh viên của Lilama 2 khi các em xuống doanh nghiệp thực tập. Bên cạnh đó, 4 chương trình đào tạo các nghề - bao gồm Cắt gọt kim loại, Điện tử công nghiệp, Cơ khí xây dựng và Cơ điện tử - tương đương tiêu chuẩn Đức, cũng được xây dựng và kiểm định để đào tạo tại Lilama 2 bằng khoản tiền viện trợ không hoàn lại.
Trung tâm đã trở thành môi trường lý tưởng để Lilama 2 triển khai thí điểm một số mô hình đào tạo quốc tế, điển hình là đào tạo theo mô hình “Kép” 100% của Đức, xét về nội dung chương trình và thiết bị thực hành.
Chuyên gia Đức hướng dẫn sinh viên Lilama 2 thực hiện đồ án tốt nghiệp. Ảnh: Lilama 2
Theo mô hình này, học viên học 30% chương trình (phần lý thuyết) ở Lilama 2 và 70% (phần thực hành) ở doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp mà không mất thời gian làm quen và đào tạo lại. Từ năm 2014 đến nay, mô hình này của trường đã đào tạo 105 sinh viên của 2 nghề Cơ khí chế tạo và Cơ điện tử cho các doanh nghiệp như: tập đoàn Bosch, Mercedez Việt Nam, Pepper and Fuchls...
Ngoài ra, từ năm 2017, Lilama 2 còn hợp tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật ở các ngành Cơ điện tử, Công nghệ hàn, Chế tạo cơ khí, Cắt gọt kim loại CNC và Điện - Điện tử công nghiệp (mỗi ngành 10 sinh viên) với Công ty TNHH WBS Training (Đức) để đưa sang làm việc tại Đức. Theo đó, hai bên sẽ khai thác tiềm năng và thế mạnh để tuyển sinh và đào tạo rồi xuất khẩu các kỹ thuật viên sang thị trường CHLB Đức.
Từ thành công của mô hình “Kép”, Lilama 2 tiếp tục thí điểm mô hình đào tạo phối hợp - Cooperation Vocational Training (CVT). Đây là mô hình được xây dựng trên cơ sở mô hình “Kép” của Đức, nhưng có điều chỉnh nội dung cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như sử dụng thiết bị và công nghệ có sẵn của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Lilama 2, cho biết, trong mô hình CVT, nhà trường hợp tác với doanh nghiệp thiết kế chương trình, tuyển sinh, đào tạo và đánh giá, nhằm xây dựng nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Việc đào tạo được thực hiện linh hoạt tại hai nơi. Ở Lilama 2, học viên được học lý thuyết, đào tạo thực hành tại các xưởng của nhà trường. Ở doanh nghiệp, học viên tiếp tục được đào tạo thực hành trong các điều kiện có sẵn. Với mô hình này, doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân viên và đưa về trường để đào tạo ngay từ đầu. Chương trình tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của Đức nhưng được xây dựng theo hướng mở, tùy thuộc yêu cầu của từng doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp và có thể cập nhật nội dung đào tạo thường xuyên theo sự thay đổi công nghệ tại doanh nghiệp.
“Với mô hình này, doanh nghiệp có ngay lực lượng lao động năng lực cao được đào tạo theo nhu cầu của mình, đồng thời giảm thiểu chi phí tuyển dụng, hướng dẫn và đào tạo lại đối với lao động mới. Ngoài ra, doanh nghiệp có được nguồn nhân lực cam kết làm việc lâu dài, giảm rủi ro lựa chọn sai người, những thiếu hụt về trình độ của người lao động cũng được bù đắp,” theo ông Cường.
Được tuyển dụng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Trong khi đó, đối với sinh viên, lợi ích của mô hình CVT là ở chỗ “các em được học tập trong môi trường thực tế, hiện đại, theo tiêu chuẩn Đức. Ngoài ra, sinh viên có thu nhập trong quá trình đào tạo và chắc chắn có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp” – ông Cường cho biết.
Hiện nay, Lilama 2 đã triển khai đào tạo 101 sinh viên theo mô hình phối hợp ở 4 nghề: Điện tử công nghiệp, Cơ khí Xây dựng, Cơ điện tử, Cơ khí cắt gọt CNC. Các doanh nghiệp tham gia cùng với Lilama 2 đào tạo theo mô hình này bao gồm Ishikawa Seiko (Nhật Bản) – Khu Chế xuất Linh Trung; Martech Boiler, Advanced Mutitech – Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3; Viglacera Vũng Tàu - Khu Công nghiệp Linh Xuân;… Trong năm học 2018-2019, trường tiếp tục thí điểm khóa thứ 2 với 100 sinh viên. Sau đó, đến năm 2019, trường sẽ tổng kết, đánh giá và mở rộng việc áp dụng mô hình cho tất cả sinh viên theo học tại Lilama 2.
Sinh viên thực hành trên máy cưa phôi tại Lilama 2. Ảnh: Lilama 2
Chi phí đào tạo sinh viên theo chương trình “Kép” hoặc chương trình phối hợp khá cao, tuy nhiên, trước mắt, các em tham gia thí điểm đào tạo không phải đóng học phí mà được nhà trường và doanh nghiệp tài trợ toàn bộ. Khi tham gia chương trình đào tạo phối hợp, xem như sinh viên đã được tuyển dụng vào một doanh nghiệp cụ thể. Do đó, nếu có phải nộp học phí thì doanh nghiệp sẽ hỗ trợ.
Hiện nay số lượng sinh viên tốt nghiệp các chương trình dạy nghề tiên tiến chỉ đủ cung cấp cho các doanh nghiệp hợp tác cùng nhà trường ngay từ đầu quá trình đào tạo, trong khi, theo ông Cường, nhu cầu của các doanh nghiệp khác về nhân lực cao, trình độ quốc tế còn rất lớn.
Ông Cường nhận định, tất cả các trường dạy nghề đều có thể triển khai mô hình tiên tiến này, “quan trọng là doanh nghiệp và nhà trường phải ngồi lại với nhau để thống nhất nội dung nào đào tạo ở trường, nội dung nào đào tạo ở doanh nghiệp. Tất nhiên, các trường phải có trang thiết bị tối thiểu, phù hợp với chương trình đào tạo được thống nhất bởi hai bên.”
Ông Cường còn cho biết, hệ thống giáo dục nghề Việt Nam đã và đang nhập 12 chương trình từ Đức về để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, trong đó Lilama 2 là trường đi tiên phong với 4 nghề như kể trên và đã có những kết quả tích cực theo đánh giá từ phía doanh nghiệp tham gia hợp tác.
Lilama 2 cũng đã được Chính phủ Pháp cho vay 6,6 triệu EURO để triển khai đào tạo thêm hai nghề Công nghệ hàn và Điện tử Viễn thông đạt trình độ quốc tế trong thời gian tới.
Hệ thống đào tạo nghề “Kép” của Đức là hình thức học lý thuyết và kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 - 3,5 năm, tùy theo nghề học. Tuy nhiên, ngay cả việc học lý thuyết cũng được tiến hành trên các module thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải học chay.
Khi xuống doanh nghiệp, học viên hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trường trên máy móc. Họ được giao các công việc từ đơn giản đến phức tạp tương ứng với thời gian học nghề và được hướng dẫn tỉ mỉ.
Học viên học nghề tại doanh nghiệp được ký hợp đồng với doanh nghiệp, được hưởng hỗ trợ về tài chính trong quá trình học và được nhận vào làm sau khi tốt nghiệp mà không phải thực tập nghề nữa. |