Một nhóm các nhà khoa học từ Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã tiến hành nghiên cứu về hiện trạng và đặc điểm của ô nhiễm vi nhựa ở bảy hồ ở quận Thanh Khê và Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Ô nhiễm nhựa đang là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 5,25 nghìn tỷ hạt nhựa (tương đương 269 triệu tấn), trong đó 92% ở dạng vi nhựa. Vi nhựa có kích thước từ 1 đến 5000 μm, chúng có thể xâm nhập trực tiếp vào môi trường thông qua các sản phẩm chứa vi nhựa như chất tẩy rửa, kem đánh răng, mỹ phẩm, hay gián tiếp thông qua quá trình phân hủy vật liệu nhựa có kích thước lớn. Không chỉ vậy, vi nhựa còn có thể tiến vào cơ thể con người và sinh vật qua nhiều con đường như ăn, uống, hít thở và gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
Đà Nẵng là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng dân số nhanh chóng. Chính vì thế, nơi đây cũng đối mặt với khối lượng rác thải nhựa khổng lồ gây ô nhiễm môi trường nước. Ước tính mỗi năm thành phố này thải ra 6.752 tấn nhựa, trong đó khoảng 1.087 tấn đi vào hệ thống nước, tạo ra sự tích tụ lớn các hạt vi nhựa ở sông hồ đô thị.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều thông tin về tình trạng ô nhiễm nhựa trong thủy vực nước tĩnh (ao, hồ). Trước tình hình này, các nhà khoa học từ Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã tiến hành nghiên cứu về hiện trạng và đặc điểm của ô nhiễm vi nhựa ở bảy hồ trong nội thành ở quận Thanh Khê và Liên Chiểu: hồ Sen, hồ Hòa Phú, hồ Hàm Nghi, hồ Công viên, hồ Bồ Đề, hồ Bàu Trảng, hồ Bàu Tràm. Những hồ này nằm trong khu vực đông dân cư và đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nước và khí hậu, cảnh quan và nuôi cá. Tuy nhiên, người dân quanh khu vực đã xả nước thải sinh hoạt và vứt rác chứa đồ nhựa xuống những hồ này, khiến chúng trở nên ô nhiễm.
Họ thực hiện hai cuộc khảo sát vào mùa mưa vào mùa khô, cụ thể là đầu tháng Tư và tháng 12/2021. Tại mỗi địa điểm, nhóm nghiên cứu dùng thùng thép inox lấy 1.00l nước bề mặt, rồi đổ nước qua lưới lọc sinh vật phù du (cỡ mắt lưới 80μm) để thu được 300ml hỗn hợp ngưng tụ. Họ lấy ba mẫu như vậy tại mỗi địa điểm để đảm bảo tính đại diện.
Sau đó, họ tách vi nhựa khỏi mẫu nước rồi quan sát và phân tích dưới kính hiển vi lập thể. Mục tiêu của nghiên cứu là các sợi nhựa có kích thước 300 –5.000μm, và các mảnh nhựa có kích thước 25.000 μm2 –25.000.000 μm2.
Kết quả cho thấy nồng độ vi nhựa trong các hồ có sự thay đổi đáng kể trong từng hồ và giữa các thời điểm khảo sát. Nồng độ vi nhựa nhiều hơn trong mùa khô so với mùa mưa. Số lượng vi nhựa trong các hồ ở Đà Nẵng ở mức trung vị so với các hồ trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ này tương đối cao hơn so với báo cáo về bảy hồ và hồ chứa khác tại Việt Nam, và cao hơn nhiều lần so với những hồ ở châu Mỹ và châu Âu.
Đáng chú ý là sợi tổng hợp có mức độ phổ biến hơn hẳn trong các loại vi nhựa xuất hiện trong những hồ được khảo sát, trong đó chủ yếu là polypropylen (PP) và polyetylen terephthalate (PET) và có chiều dài <2000 μm. Đánh giá theo rủi ro sinh thái dựa trên tải lượng ô nhiễm (PLI) và chỉ số rủi ro sinh thái tiềm tàng (PERI), các nhà nghiên cứu chỉ ra, trừ hồ Hàm Nghi tiệm cận mức rủi ro cao trong mùa khô, còn lại hầu hết các hồ được khảo sát trong cả hai mùa đều có mức độ rủi ro nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng phân bố rộng khắp của vi nhựa trong môi trường hồ vẫn là một vấn đề đáng lo ngại, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát thích hợp.
Nguồn: