Trong cuốn sách Trật tự thời gian, Carlo Rovelli đưa độc giả đến một trong những vấn đề lớn nhất của triết học tự nhiên: thời gian, và buộc họ phải thách thức những giới hạn hiểu biết của mình, nhưng theo cách thú vị nhất.

Có thể nói, đây là một tác phẩm giao thoa giữa triết học và khoa học - nó không chỉ trích dẫn Galileo, Darwin mà còn trích dẫn cả Proust và Anaximander.

Carlo Rovelli mở đầu cuốn sách bằng một khẳng định rằng, chúng ta vẫn chưa nắm được bản chất của thời gian. Chúng ta luôn coi thời gian là một khách thể: chúng ta có thể tiết kiệm thời gian hay lãng phí thời gian, đồng nhất thời gian với thời gian được chỉ thị trên đồng hồ - một thứ thời gian tuần tự, đều đặn và dễ đoán. Đó là thời gian tuyệt đối của Newton. Nhưng bản chất của thời gian có lẽ là điều bí ẩn lớn nhất chưa được giải đáp, và đó cũng là trọng tâm trong sự nghiệp nghiên cứu của ông.

GS. Carlo Rovelli và cuốn sách "Trật tự thời gian". Ảnh: INT.

Tác giả chỉ cho ta thấy Einstein - người cho rằng ý niệm thời gian thực, phổ quát khắp vũ trụ chỉ thuần túy là một ảo ảnh - có một mô tả khác về thời gian. Trong thuyết tương đối rộng của mình (được xuất bản vào năm 1915), ông dự đoán, thời gian “ở trên cao” trôi qua nhanh hơn thời gian “dưới mặt đất”, vậy nên đồng hồ đặt trên sàn chạy chậm hơn đồng hồ trên bàn một chút. Einstein cũng đã chỉ ra không có một “hiện tại” duy nhất mà là vô số “hiện tại”, vô số “bây giờ”. Rovelli giúp chúng ta sáng tỏ những chứng minh của Einstein. Trong vũ trụ của Einstein, thời gian gắn với lực hấp dẫn. Thời gian chạy chậm hơn ở bất cứ nơi nào có lực hấp dẫn mạnh do lực hấp dẫn đã bẻ cong “không thời gian”.

Chúng ta đang sống trong một vũ trụ Newton, theo nghĩa là Newton đã tạo ra một ngôi nhà an toàn và đáng tin cậy để chúng ta cư trú. Nhưng tác giả cuốn sách buộc ta phải di cư tạm thời đến thế giới mới, thế giới chịu sự chi phối của những luật định khác, cấu trúc khác. Trong đó, ta nhận thấy Newton đã nhầm lẫn khi cho rằng thời gian là tuyệt đối và độc lập với mọi thứ. Trong thế giới mới, thời gian thay đổi tùy theo vị trí của chúng ta và tốc độ chúng ta di chuyển. Trong thế giới mới, đối với một vận động viên chạy trong cuộc đua, thời gian trôi qua chậm hơn so với người bạn đứng cạnh đường đua và cổ vũ anh ta. Thời gian có nhiều giá trị đo khác nhau, điều này vốn đi ngược với trực giác của ta, nhưng nó lại là một sự thực mà ta buộc phải chấp nhận. “Hiện tại của chúng ta không trải rộng ra khắp vũ trụ. Nó giống như một cái bong bóng bao bọc quanh ta”.

Lần lượt, với từng luận điểm một, Rovelli đã phá vỡ thế giới mà ta thiết thân, chứng minh rằng thời gian không phải là thực thể cơ bản của sáng tạo, chỉ là một góc nhìn đặc biệt thuộc về con người. Ông chỉ ra rằng sự khác biệt giữa quá khứ và tương lai không tồn tại trong các phương trình cơ bản diễn tả các sự kiện của thế giới. “Sự khác biệt giữa quá khứ và tương lai, giữa nguyên nhân và kết quả, giữa ký ức và hy vọng, giữa hối tiếc và ý định… trong các định luật cơ bản mô tả cơ chế của thế giới, không hề tồn tại”.

Sự sụp đổ của khái niệm “hiện tại” vốn là điều mà Rovelli coi là “kết luận đáng kinh ngạc nhất đã đạt được trong toàn bộ nền vật lý đương đại. Thế giới có bản chất lượng tử, mặc dù thế giới ấy còn lạ lẫm và khó hiểu với hầu hết chúng ta. Trong thế giới vi mô bí nhiệm, không có sự phân biệt giữa quá khứ và tương lai. Và đối với những hạt bé tí xíu, “trước đây”, “bây giờ” và “tiếp theo” đều là một.

Rovelli cũng chỉ ra rằng, chúng ta thường coi thế giới như là một tập hợp các sự vật, thay vì các sự kiện, điều này phản ánh trong chính ngôn ngữ của ta, trong cách ta tư duy, suy tưởng về thế giới. Nhưng thế giới này không có gì khác ngoài những chuyển biến, là một mạng lưới các sự kiện. “Vạn vật không phải đang ‘tồn tại’ mà chúng đang ‘xảy ra’.” Sự vắng mặt của đại lượng “thời gian” trong các phương trình cơ bản không kéo theo việc thế giới sẽ đóng băng và bất động. Trái lại, nó ngụ ý một thế giới mà sự chuyển biến có mặt khắp nơi, những biến dịch không nằm dưới sự sắp xếp của thời gian.

Trong khi sự vật tồn tại trong thời gian, thì sự kiện không có trường tính trong thời gian. Carlo Rovelli đã có một diễn giải rất giàu sức gợi. Ông viết: “Một hòn đá là ví dụ điển hình của sự vật, ta có thể tự hỏi rằng ngày mai nó sẽ ở đâu. Ngược lại, nụ hôn là một sự kiện. Thật vô nghĩa khi hỏi ngày mai nụ hôn sẽ ở đâu. Thế giới này được làm nên bởi những nụ hôn, chẳng phải bởi đá sỏi.”

Sau khi đã dẫn độc giả đến với một thế giới không có thời gian, tác giả cuốn sách quay trở lại giúp chúng ta cảm nhận thời gian từ thế giới ấy. Những chương trước đã khiến ta đoan chắc rằng thời gian không phải một đặc tính phổ quát của thế giới nhưng ta cũng khó có thể nắm bắt được đời sống nếu không có sự trôi chảy của thời gian. Cảm thức sâu xa về thời gian của ta đến từ đâu?

Về cơ bản, Carlo Rovelli khẳng định, nó đến từ thế giới quan chủ quan của ta, nó đến từ góc nhìn của chúng ta – góc nhìn của những sinh vật ở một góc khuất nhỏ bé của thế giới này. Con người thường đồng nhất mình với một cách thức nhìn nhận thế giới cụ thể nào đó, từ điểm nhìn đó ta xử lý và tiêu hóa thông tin. Ta cũng có xu hướng bẻ thông tin thành những mẩu nhỏ để việc hiểu về thế giới trở nên dễ dàng hơn. Con người không nắm bắt được toàn bộ thực tại, tâm trí cần tạo ra thời gian để ta có thể thâu tóm chính mình và tương tác với người khác. Trải nghiệm của chúng ta về một người khác không được lưu trữ ngẫu nhiên trong tâm trí - trên thực tế, chúng được ghi lại một cách gọn gàng theo thứ tự thời gian, đánh dấu các chương khác biệt trong quá khứ của chúng ta. Điều đó cho phép chúng ta quan niệm thế giới là sản phẩm của một chuỗi sự kiện lịch sử, và cuộc sống của chúng ta như những vòng cung kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Hiểu biết về thời gian của ta đến từ đó.

Nói cách khác, thời gian bắt nguồn từ hoạt động bên trong của tâm trí, và khiến chúng ta trở thành con người! Ta chỉ có tri thức “ngây thơ” và “mù mờ” về thế giới, nhưng điều đó lại phù hợp với cuộc sống hằng ngày của ta, dù nó không đủ để ta nắm bắt thấu hiểu thế giới ở những khúc đoạn nhỏ bé tinh tế hay ở sự rộng lớn bao la của nó. Ta buộc phải đi xuyên qua bao lớp sương dày đặc của cảm xúc để phần nào đó nắm bắt được bản chất của thời gian. “Mọi thứ đều tốt đẹp. Ta có thể nhắm mắt nghỉ ngơi. Tất cả đều công bằng và đẹp đẽ trong mắt tôi. Đó là thời gian”.

Carlo Rovelli (1956) là giáo sư vật lý tại Đại học Aix-Marseille, với mối quan tâm sâu sắc đến lý thuyết hấp dẫn lượng tử vòng và nhiều cống hiến quan trọng trong vấn đề bản chất vật lý của không gian và thời gian. Ông có công diễn giải cho độc giả đại chúng rất nhiều lý thuyết hiện tại rất phức tạp và phản trực giác về bản chất của thực tại, là tác giả của "Bảy bài học hay nhất về vật lý" - cuốn sách bán chạy hàng đầu thế giới và được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Những trang viết của ông luôn nhẹ nhàng và hóm hỉnh, đặc biệt là giàu chất thơ.