Đến tháng 10/2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra danh sách 42 trường đại học được lựa chọn cho chương trình xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới và 108 lĩnh vực nghiên cứu tại 137 trường đại học được lựa chọn để được ưu tiên hỗ trợ.
Các ngành KHXH&NV gặp khó khăn
Hiện nay, hầu hết hiệu trưởng các trường đại học Trung Quốc có nền tảng học thuật về khoa học hoặc kỹ thuật, dẫn tới chủ trương [của các trường này] luôn mang lại lợi ích cho các ngành đào tạo khoa học và kỹ thuật, trong khi các ngành nhân văn bị bỏ qua. Không những thế sự vận hành của các trường đại học hiện nay được định hướng bởi chính sách hỗ trợ “ngành trọng điểm”, trong đó hỗ trợ chủ yếu cho các ngành khoa học và kỹ thuật bởi nhìn chung, các ngành nhân văn được coi là ít có đóng góp [trực tiếp] cho sự phát triển về công nghệ và kinh tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh rằng, dựa trên lý luận Mác-xít, các học giả có trách nhiệm nỗ lực xây dựng các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Trung Quốc, tạo ra ảnh hưởng rõ rệt hơn trong giới học thuật toàn cầu.
Tham gia vào cuộc đua xếp hạng đại học
Để được đánh giá đạt đẳng cấp thế giới, hầu hết các trường đại học chú ý đến bảng xếp hạng quốc tế. Trong hầu hết các bảng xếp hạng đại học, tỷ lệ nhân viên và sinh viên nước ngoài là một chỉ số quan trọng thể hiện mức độ quốc tế hóa của một trường đại học và đây vẫn chưa phải thế mạnh của các trường đại học Trung Quốc. Để khắc phục điểm này, một số trường đại học hàng đầu dần dần hạ thấp yêu cầu đầu vào khi tuyển sinh sinh viên quốc tế, áp dụng ít tiêu chuẩn hơn so với hệ thống các trường tuyển sinh dựa vào “gao kao” - kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc.
Sách lược này của các trường ngay lập tức bị phản đối vì sẽ làm hủy hoại danh tiếng của giáo dục đại học Trung Quốc và tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp nhận sinh viên trong và ngoài nước. Mặt khác, trong vài năm qua, có xu hướng các gia đình giàu có lựa chọn di cư đến đất nước mà con cái họ sẽ dễ dàng vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học cho sinh viên quốc tế và tránh sự cạnh tranh khốc liệt hiện có tại nước nhà. Đây cũng là mục tiêu chỉ trích của công chúng, vì các tầng lớp thượng lưu có nhiều cơ hội hơn để thao túng các chính sách, và ở một mức độ nào đó, điều đó sẽ cản trở các cơ hội dịch chuyển xã hội (social mobility) cho các tầng lớp thấp hơn.
Nguồn ảnh minh họa: South China Morning Post
Không chỉ nhập học, quá trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên nước ngoài vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Sinh viên quốc tế được học tập và sinh hoạt tách riêng với các sinh viên địa phương mặc dù cùng trong khuôn viên trường. Do thiếu cán bộ giảng dạy và quản lý có đủ vốn tiếng Anh nên hầu hết các khóa học bằng tiếng Anh đã bị hủy bỏ. Đây là lý do tại sao các trường đại học Trung Quốc đang phấn đấu tuyển dụng nhiều người đã từng học tập và làm việc tại nước ngoài hơn và yêu cầu họ đủ điều kiện để dạy bằng tiếng Anh.
Không chỉ việc điều chỉnh các điều kiện tuyển sinh mà việc nới lỏng các tiêu chuẩn tốt nghiệp, đặc biệt đối với các sinh viên ngoài nước bị lên án mạnh mẽ. Đối với các trường đại học Trung Quốc, cạnh tranh để tuyển sinh được quốc tế và được công nhận từ cả môi trường học thuật và thị trường giáo dục quốc tế là một thách thức đáng kể mà nay sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn tài nguyên giáo dục đại học ở nước này còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh hạn chế nguồn lực như vậy, dư luận xã hội Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc tiền thuế được sử dụng như thế nào và liệu nó có góp phần nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục hay không hơn là việc hướng tới tuyển sinh sinh viên quốc tế, hay rộng ra hơn là quốc tế hóa giáo dục đại học.
Các nhà khoa học “nội địa” mất chỗ đứng trong nước
Nỗi ám ảnh quốc tế hóa dẫn đến [các trường đại học] dành sự ưu tiên cho các nhà khoa học và sinh viên nước ngoài. Hầu hết tiến sĩ trong nước phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong “thị trường lao động học thuật” trong vài năm qua - chất lượng của những tiến sĩ này không được công nhận, thậm chí bởi chính các trường đại học đào tạo họ. Thị trường lao động học thuật đang cho thấy một thông điệp rõ ràng rằng các trường đại học trong nước không có khả năng đào tạo học giả giỏi, có trình độ, vì vậy nhiều sinh viên đang lựa chọn học tập ở các nước phát triển.
Kết quả này cũng đem lại thêm thách thức cho các trường đại học trong nước là nhiều sinh viên giỏi nhất ra nước ngoài để nghiên cứu sau đại học. Các trường đại học trong nước đang gửi sinh viên sang các chương trình sau đại học tại các trường đại học nghiên cứu hàng đầu nước ngoài. Mối lo ngại chính là các trường đại học Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng mà cử nhân được đào tạo hoàn toàn ở trong nước bị xem là những sinh viên “thừa”.
Các trường đại học Trung Quốc chỉ có thể đứng trong các top “hàng đầu thế giới” khi có sự đầu tư đáng kể cho giáo dục đại học trong nước và sự quan tâm chính sách. Hiện nay, thực trạng các trường đại học ưu tú đang gửi những sinh viên tốt nghiệp được đào tạo tốt nhất sang các trường đại học Mỹ và Anh và đẩy những người có bằng tiến sĩ trong nước đến các trường đại học kém uy tín hơn tiếp nối thông điệp “Các trường đại học trong nước không phải là sự lựa chọn đầu tiên hoặc tốt nhất”.
Việc phân cấp quản lý trong giáo dục đại học được thực hiện gần đây chưa đem lại quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học. Trong khi đó, các viện nghiên cứu và học giả Trung Quốc có ít cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng chính sách giáo dục nhằm giúp cho các trường đại học Trung Quốc thành công hơn trong cạnh tranh toàn cầu.