Thật khó để nói chính xác về nguồn cội của một định kiến, nhưng nếu có thể chọn cho “misogyny” một ngày sinh nhật, thì theo Jack Holland, có lẽ nó rơi vào khoảng thế kỉ thứ tám TCN. Và nếu nó có một cái nôi, thì cái nôi ấy nằm ở đâu đó phía đông Địa Trung Hải.

[Xem kỳ trước tại đây.]

Những cội rễ từ phương Tây

Vào khoảng thời gian đó, ở cả Hi Lạp và Giudaea, những thần thoại về sáng tạo bắt đầu nảy sinh, đi cùng với nó là những câu chuyện về sự sa ngã của loài người. Và một tự sự phổ biến bắt đầu xuất hiện, trong đó nữ giới, vì thói xấu và sự yếu nhược của mình, phải chịu trách nhiệm trước tất cả mọi nỗi thống khổ đổ xuống đầu nhân loại. Hai huyền thoại đã định hình nên hai dòng mạch chính của nền văn minh phương Tây, với những nhánh phát triển hùng mạnh nhất là thần thoại Hi Lạp và Sáng thế kí. Và hai kẻ tội đồ ghê gớm nhất trong hai đại tự sự ấy, không ai khác, là Pandora và Eve.


Pandora – tranh: John William Waterhouse (1849-1917). Nguồn: Wikipedia

Hi Lạp là cái nôi của nền văn minh cổ đại. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể được nhìn như là nơi tiên phong cho những quan niệm kì thị giới vẫn tồn tại đến thời hiện đại, gây cản trở bất cứ một nỗ lực tri thức mới mẻ nào mong muốn xóa bỏ thành kiến và hận thù.

Trong thần thoại Hi Lạp, phụ nữ được xây dựng như là kẻ độc hại số một. Sau khi Zeus, cha của các vị thần, trừng phạt loài người bằng cách không cho họ biết bí mật về lửa, buộc họ phải “ăn thịt sống như loài thú vật” [các trích dẫn do người viết dịch từ sách của Holland]; Prometheus, một vị á thần và cũng là người tạo sinh ra những người đàn ông đầu tiên, đã đánh cắp lửa từ thiên đường và mang nó xuống trái đất. Tức giận vì bị lừa dối, Zeus nghĩ ra một “món quà” hiểm độc cho đám đàn ông, “một thứ xấu xa thỏa mãn họ”, “một thứ cho họ tất cả”, “thứ ác quỷ xinh đẹp”. Đó là Pandora, với vẻ đẹp sánh ngang vẻ đẹp của các nữ thần. Và bắt đầu từ nàng, trên thế gian dần xuất hiện những người nữ khác, những “cô con gái của Pandora”, những kẻ “sống cùng đám đàn ông hữu tử và đem tới hiểm nguy cho họ”. Các vị thần ban cho nàng “lối cư xử ranh mãnh, và đạo đức của một con chó cái”. Pandora được giới thiệu cho Epimetheus, em trai của Prometheus. Chàng bị mê hoặc trước “cái bẫy chết người dành cho đàn ông” này và cưới nàng làm vợ. Các vị thần buộc Pandora phải mang theo bên mình một chiếc bình đậy kín với lời dặn không bao giờ được mở nó ra. Đó là một chiếc bình bằng đất nung có hình dạng giống như tử cung. Cuối cùng, nàng không thể cưỡng lại sự hiếu kì muốn mở xem bên trong đó có gì: “Nhưng con đàn bà ấy đã mở chiếc hộp/ Và gieo rắc đớn đau tội lỗi cho con người”. Kể từ đó, theo thần thoại Hi Lạp, loài người bị kết án phải lao động, phải già đi, bệnh tật, và chết trong đau đớn.

Với Jack Holland, thần thoại đóng vai trò cố định những định kiến và cảm thức theo một cách đáng kể hơn hẳn chúng ta tưởng. Bởi, một trong những chức năng của thần thoại là giải đáp những câu hỏi nảy sinh và đi theo chúng ta từ thuở ấu thơ. Thần thoại, hơn thế, còn biện minh cho trật tự hiện có của vạn vật – cả trật tự tự nhiên lẫn trật tự xã hội – đồng thời giải thích cho các đức tin, lễ nghi, và các “bảng phân vai” truyền thống mà một phần trong đó, đương nhiên, là các vai giới tính (gender roles). Chẳng hạn, thần thoại Hi Lạp vạch một đường ranh giới mang tính thứ bậc giữa con người và động vật. Việc sở hữu lửa là bằng chứng cho việc con người khác với động vật, trao cho họ một vị thế gần với các vị thần. Và người nữ chính là hiện thân của một hình phạt nhằm nhắc nhở đàn ông về sự thấp hèn của mình, rằng bất chấp anh ta ngạo mạn đến đâu, xuất phát điểm cũng chỉ là một con thú.

Với người Hi Lạp xưa, tự nhiên từng hiện lên như một mối đe dọa và thách thức, và nữ giới chính là hiện thân mạnh mẽ nhất (đồng thời quyến rũ nhất) của nó. Hệ quả tất yếu là một cái nhìn ác cảm với nữ giới: Họ phải nhận lấy sự coi thường bởi họ kích thích ham muốn, kéo nhân loại vào vòng sinh tử. Nói cách khác, việc nhìn phái nữ vừa như là đối tượng của ham muốn, vừa như là mối nguy hại sắc dục mà người đàn ông liên tục phải đề phòng là một nhãn quan có cội rễ từ rất lâu đời.

Thêm một nhân vật nữ lừng danh trong thần thoại Hi Lạp được Holland nhắc tới là Helen thành Troy – một mĩ nhân mà sắc đẹp của nàng đã trở thành nguồn cơn cho cuộc chiến thành Troy. Mẹ nàng là Leda, một trong những nữ nạn nhân bị Zeus hãm hiếp; nhưng Helen thực sự là một “cô con gái của Pandora” ở việc nàng khơi gợi cả ham muốn và nỗi ghê tởm ở những người đàn ông. Trong thiên sử thi Iliad, Homer để cho Helen tự bộc lộ sự ghê tởm bản thân như là “một con chó cái tệ hại, một con điếm mưu mô xảo quyệt” – gần như lặp lại chính những miêu tả về Pandora. Trong những tự sự ấy, nàng là kẻ sát nhân, là lời nguyền cho đám đàn ông, là chén thuốc độc, là kẻ ăn thịt người – những bình luận “misogyny” nhất đều có thể được ném vào nàng. Giống như câu chuyện về Pandora, truyện kể về Helen là một ngụ ngôn gắn chặt ham muốn với cái chết. Trong câu chuyện về Pandora, sự mất trinh (qua việc mở nắp bình) đem tới cái chết cho toàn thể nhân loại. Cũng thế, ham muốn của Paris dành cho Helen đã khơi ngòi cuộc chiến tranh cùng tất cả những sự khủng khiếp của nó. Nói khác đi, trong văn hóa của sự khinh miệt, nữ giới là người phải cảm thấy tội lỗi vì sắc đẹp của mình đã gây ra ham muốn – một động lực khởi sinh của vòng quay sống chết.

“Cái nôi” thứ hai làm nảy sinh và dung dưỡng cảm thức “misogyny”, theo Holland, là truyền thống Do Thái-Cơ Đốc giáo. Các huyền thoại về sự sáng tạo được kể trong Sáng thế kí là trung tâm cho niềm tin Do Thái-Cơ Đốc giáo. Ở đây, một lần nữa, chúng ta bắt gặp sự đổ lỗi cho nữ giới như là nguồn cơn đưa đến những đau khổ và bệnh tật của giống người.

Trong Sáng thế kí, con người đầu tiên là Adam, một người đàn ông, sống cuộc đời hạnh phúc mãn nguyện ở vườn Địa đàng. Giống như Pandora, Eve là một sáng tạo phái sinh của Chúa Trời. Nàng được tạo ra từ xương sườn của Adam vì Chúa nghĩ rằng Adam cần một “sự trợ giúp”. Và giống như Pandora, Eve vi phạm luật lệ của Chúa trời, ăn trái cấm trên Cây Tri thức. Cũng hệt như thần Zeus, Chúa Trời tìm cách trừng phạt nàng: “Ta sẽ nhân lên gấp bội nỗi đau buồn và sự thụ thai của ngươi; và trong nỗi đau ngươi sẽ hạ sinh ra những đứa con, mọi ham muốn của ngươi đều để phục vụ chồng ngươi và anh ta sẽ cai trị ngươi” (Sáng thế kí, 3: 16). Và thông điệp dành cho Adam rất rõ ràng: “Ta sẽ đặt sự thù hằn giữa ngươi và những người phụ nữ”. “Misogyny” lúc này bị chi chối bởi cảm giác tội lỗi – một khái niệm mà Hi Lạp cổ đại chưa từng biết đến.

Cùng với cảm giác tội lỗi là nỗi xấu hổ về thân thể con người – một cảm giác cũng rất xa lạ với văn minh Hi-La trước đó. Nỗi xấu hổ như một hậu quả đầu tiên mà con người phải mang lấy sau sự phạm tội của Eve: “Và đôi mắt họ cùng được mở ra, và họ biết rằng họ đang khỏa thân; và họ đan những chiếc lá vả lại với nhau để làm tấm che”. Từ đó, nỗi xấu hổ cứ thế bám chặt lấy cảm thức của con người khi nói về tính dục. Nó trao cho “misogyny” thêm một chiều kích mới. Tình dục, trong giáo lý của đạo Thiên Chúa, là để sinh sản, không phải để tiêu khiển. Ngoại tình bị trừng phạt nghiêm khắc, cả nam giới ngoại tình lẫn phụ nữ ngoại tình đều bị ném đá đến chết. Cũng thế, như được ghi lại trong Sách đệ nhị luật (Book of Deuteronomy), những cô gái chưa lấy chồng để mất trinh sẽ phải chịu án tử hình bằng cách chịu ném đá tới chết. Khác hoàn toàn với những vị thần trên đỉnh Olympus, Đức Chúa trời trong Cựu Ước không có ham muốn.

Sự xuất hiện của Cơ Đốc (Kitô) giáo đánh dấu một bước chuyển đáng kể khỏi hệ thống tín điều, tư tưởng cũng như điều luật giáo lý của Do Thái-Thiên Chúa giáo trước đó. Jehovah (hay Đức Chúa Trời) trong Tân Ước đã được làm cho hòa ái hơn so với trong Cựu Ước. Nhiều tín đồ Cơ Đốc buổi ban sơ đã sớm nhận ra sự đối lập ấy, tới mức họ chủ trương loại bỏ đa phần các ngữ liệu tự sự trong Cựu Ước, thậm chí khước từ sử dụng nó như là thánh kinh chính thức. Điều nổi bật nhất trong các câu chuyện ngụ ngôn và và những câu cách ngôn được cho là của Jesus, như được kể lại trong sách Phúc Âm, là sự xóa bỏ cả những chi tiết gợi cảm giác “misogyny” và sự báo thù. Theo lời kể của Mathieu, có rất nhiều phụ nữ đi theo Jesus. Nếu như luật Do Thái coi phụ nữ có kinh nguyệt là “ô uế”, nghiêm khắc cấm kị những ai đang có kinh bước chân vào đền thờ, cấm họ tiếp xúc với nam giới thì ở đây, khi một phụ nữ “có bệnh liên quan đến máu” đã chạm tay vào gấu áo của Chúa Jesus, ngài không hề quở trách mà còn trò chuyện với cô bằng một thái độ trìu mến. Phúc âm cũng ghi lại sự ngạc nhiên của các tông đồ khi chứng kiến việc Jesus trò chuyện với một phụ nữ. Thêm một minh họa cho thấy đạo đức cao trọng của Chúa Jesus là câu chuyện về người đàn bà ngoại tình. Có lẽ cũng vì thế mà nữ giới đổ xô đến với đức tin mới ngay từ buổi sơ khai.

Ở thời điểm mới xuất hiện, Cơ Đốc giáo có nhiều điểm khả thủ: lệnh cấm phá thai được áp dụng (trước đó nam giới có quyền buộc nữ giới phải phá thai); đặt ra luật hôn ước suốt đời, và đàn ông bị buộc tội nặng hơn phụ nữ nếu không chung thủy; phụ nữ theo đạo cũng không bắt buộc phải kết hôn, vì Cơ đốc giáo coi trọng trinh tiết. Nói như Jack Holland, Cơ Đốc giáo đã san bằng sân chơi đạo đức dành cho nữ giới. Họ được quyền từ chối đàn ông, được lựa chọn có kết hôn hay không. Sự xuất hiện của đạo Cơ Đốc có cả những điểm tương đồng lẫn tương phản thú vị với những gì sẽ diễn ra ở phương Tây trong cuộc Cách mạng tình dục những năm 1960, khi lần đầu tiên nữ giới giành quyền kiểm soát việc sinh sản của mình, với sự ra đời của thuốc tránh thai và các biện pháp tránh thai.

Bằng chứng rõ nhất cho sự tôn trọng phụ nữ là lời tuyên bố của thánh Phao-lô trong bức thư gửi các tín hữu Ga-la-ti (được chép lại nguyên văn trong Tân Ước): “Không có người Do Thái hay người Hi Lạp, không có ràng buộc hay tự do, không có nam giới hay nữ giới: bởi tất cả an hem đều là một trong mắt Chúa Jesus”. Đó gần như là lời hứa hẹn về một sự tan biến mọi khác biệt nơi “nước Thiên Đàng”. Khá dễ dàng khẳng định nam giới và nữ giới đều bình đẳng trong mắt Chúa. Những điểm khả thủ, như vừa kể ra, là không thể phủ nhận, nhưng sau tất cả những thay đổi ấy, nhãn quan Cơ Đốc giáo vẫn nối dài một sự tuyên chiến với thân thể: “Tâm trí phụng sự luật của Chúa. Thân thể phụng sự luật của tội lỗi”. Và khi một người đàn ông tuyên chiến với chính thân thể mình, nạn nhân đầu tiên là nữ giới. Cuộc chiến ấy, Holland nhận ra, vẫn kéo dài cho tới hôm nay. Và biểu hiện đặc biệt của nó chính là nỗi ám ảnh về trinh tiết (virginity). Với Cơ đốc giáo, thân thể là thứ luôn tiềm tàng nguy cơ nổi loạn, là nơi Chúa và quỷ Satan đang giao tranh, là nơi mà các ham muốn dục tình bị coi là xung lực tăm tối ngăn trở con người ta đến với Chúa. Như thế, Cơ Đốc giáo, cùng với sự lớn mạnh của nó, đã đưa “misogyny” vào vỉa tầng sâu nhất của nỗi ám ảnh bên trong một cá nhân: giữa ham muốn và chế ngự ham muốn, giữa mê đắm và ghê sợ, linh hồn và thể xác.

Những cộng hưởng từ phương Đông

“Misogyny”, như Jack Holland không quên chỉ ra, không phải là “đặc sản” của riêng các nền văn minh phương Tây. Trong cái nhìn về một “kẻ Khác xa lạ” khi bước đầu tiếp xúc với phương Đông, những người phương Tây dễ tưởng họ đã gặp gỡ một nền văn minh hoàn toàn khác biệt. Thần thoại Trung Hoa về vị nữ thần đã tạo ra loài người từ đất sét (Nữ Oa), các bức tượng ngợi ca dục tình đầy vẻ phồn thực ở Ấn Độ, bộ Kamasutra với những chỉ dẫn chi tiết đạt được khoái cảm dục tình… - tất cả những ấn tượng ấy dễ làm nên một ngộ nhận lí tưởng hóa theo hướng “hương vị ngoại lai” (exotic) về một phương Đông biết coi trọng nữ giới hơn. Nhưng sau tất cả những sự bỡ ngỡ ban đầu, người châu Âu dễ dàng tìm thấy bằng chứng về địa vị thấp kém của phụ nữ cũng được chia sẻ trong các học thuyết phương Đông - một sự cộng hưởng củng cố những định kiến sẵn có của họ. Nói cách khác, dù rất khác nhau, nhưng những gì khiến Đạo giáo, Khổng giáo, Ấn Độ giáo, và Phật giáo có điểm chung với Thiên Chúa giáo và Hồi giáo là tư duy nhị nguyên ăn sâu gây nên trạng thái xung khắc thường trực giữa cơ thể và tinh thần, bản ngã và tự nhiên, duy nhất và số đông, sống và chết, nam và nữ, hiện hữu và phi hiện hữu. Ngoại trừ Nho giáo (với ít tính chất tôn giáo, và nhiều hơn là một bộ luật các nghi thức đạo đức), những tôn giáo phương Đông này đều có chung một niềm tin với đạo Thiên chúa và học thuyết Platon ở chỗ cùng cho rằng cái thế giới mà chúng ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan thực chất chỉ là ảo ảnh ngăn cản chúng ta đạt tới một trạng thái tồn tại cao hơn. Và dù cơ thể không bị hạ thấp như trong quan niệm của Cơ đốc giáo (không một tôn giáo phương Đông nào có một khái niệm tương đương về “nguyên tội” hay “tội tổ tông” như trong Kinh thánh), nó cũng luôn được nhìn như một “trở ngại” ngăn con người ta đến với “chính đạo”. Quan hệ tình dục cũng không bị chi phối bởi cảm giác tội lỗi hay xấu hổ, nhưng cũng đòi hỏi “bậc quân tử” phải kiểm soát ham muốn của chính mình, tránh xa sự mê đắm. “Nam nữ thụ thụ bất thân” là một quy định như thế. Khổng Tử không dạy rằng thân thể là xấu xa, nhưng ông cảnh báo nó tiềm ẩn nhiều nguy hại. Một lần nữa, “misogyny” đi tới địa hạt sâu nhất và riêng tư nhất: địa hạt thân xác và đòi hỏi kiểm soát thân xác.

Nghĩa là, đúng như Holland nhận ra, việc thừa nhận dục tính ở nữ giới trong nhãn quan phương Đông không hoàn toàn đảm bảo rằng họ sẽ không bị đối xử khinh thường theo những cách khác. Qua lời dạy của Khổng Tử, một “vạn thế sư biểu” thống trị tư tưởng Trung Quốc ít nhất là 2.000 năm, một hệ thống đạo đức phức tạp đã được xây dựng, với các quy định về phép tắc để điều hành các mối quan hệ xã hội. Đó là một trật tự gia trưởng, trong đó, các mối quan hệ gia đình phản ánh cả trật tự vũ trụ lẫn cấu trúc của nhà nước. Trật tự này chấp nhận chế độ đa thê và loại bỏ tuyệt đối nữ giới khỏi việc tham gia chính sự. Rất ít phụ nữ được học chữ; số phận được định sẵn cho họ là trở thành những người vợ ngoan, mẹ của những đứa con trai. Tương tự, ở Ấn Độ, việc tôn vinh vẻ đẹp gợi tình của nữ giới cũng tồn tại song song với một loạt các thực hành phân biệt đối xử hạ thấp vị thế của họ. Trong Mahabharata, sử thi Ấn Độ ra đời vào thế kỉ 5 TCN, sinh con gái bị coi là điều bất hạnh (một tư tưởng thâm căn cố đế cho đến hôm nay vẫn ảnh hưởng rất nhiều tới tỉ lệ lựa chọn giới tính thai nhi ở phương Đông). Nữ giới cũng bị coi là “gốc rễ của tai họa, bởi họ là những kẻ nhẹ dạ cả tin”. Rất nhiều truyền thuyết Hindu giáo ngợi ca những người phụ nữ đức hạnh lao mình vào giàn hỏa thiêu chết theo chồng…


Thời trung cổ, ở phương Đông có sự công nhận bản năng giới của phụ nữ hơn nhiều so với phương Tây, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ được xã hội dành cho một sự tôn trọng tương đương nam giới. Việc để cao khoái cảm nữ trong các thực hành tính dục như của phái Tantra thực chất cũng là một phương cách giúp cho nam giới đạt tới sự hòa hợp tương thông, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Hình minh họa: Một bức tranh cuối thế kỷ 13 mô tả thực hành tính dục của phái Tantra. Nguồn: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Nguồn: Wikipedia

Jack Holland đặt tên cho chương viết về phương Đông trong cuốn sách của mình là “Vicrorians’ Secret”, như ngụ ý một so sánh ngầm giữa hai chiều hướng tưởng chừng đối lập trong lịch sử phương Đông và phương Tây về “misogyny”. Nếu ở phương Tây, sự cải thiện dần về địa vị của nữ giới trong đời sống chính trị xã hội càng lúc càng đi kèm với sự phủ nhận ham muốn tính dục của người nữ (điều này đạt tới cực đoan vào thời Victoria, khi các chuyên gia y tế khẳng định ở nữ giới không tồn tại bản năng tình dục); thì ở phương Đông, sự thừa nhận (thậm chí tôn vinh) năng lực tình dục ở người nữ lại tồn tại song song với việc hạ thấp địa vị xã hội của họ. Nói cách khác, như Jack Holland đã chứng minh, dù vào thời trung cổ, ở phương Đông có sự công nhận bản năng giới của phụ nữ hơn nhiều so với phương Tây, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ được xã hội dành cho một sự tôn trọng tương đương nam giới. Việc đề cao khoái cảm nữ trong các thực hành tính dục như của phái Tantra thực chất cũng là một phương cách giúp cho nam giới đạt tới sự hòa hợp tương thông, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi; và dù Kinh Lễ khuyên răn người đàn ông phải duy trì làm tình với tì thiếp của mình ít nhất năm ngày một lần nếu cô ấy chưa tới năm mươi tuổi, thì mẫu hình gia đình chuẩn mực được Nho giáo ủng hộ vẫn là chế độ đa thê, gói gọn nữ giới trong không gian gia đình và ngăn cản mọi can dự xã hội của họ. Và dù trong những bối cảnh khác nhau, dù hiện diện như những động thái đối trọng nhau vào lúc này hay lúc khác, luôn luôn có thể nhận ra một động thái “tước đoạt” mà các xã hội trọng nam áp chế lên phụ nữ: nếu không phải là tước đoạt giá trị xã hội của họ, thì cũng là cắt gọt đời sống bản năng của họ, sao cho vừa khít với những khuôn khổ bá quyền.

“Misogyny”, như thế, có cội rễ sâu xa từ những nền văn minh đầu tiên của nhân loại, và bằng cách này cách khác, vẫn dai dẳng âm thầm chi phối cách chúng ta nghĩ, điều chúng ta làm. Nói như Holland, nó đã trở thành nghiễm nhiên tới mức gần như không được thừa nhận là một định kiến mà chỉ được nhìn đơn thuần như một cảm thức cố hữu gần như không thể tránh khỏi. Trong phần lớn lịch sử loài người, “misogyny” đã trở thành một phần của cái mà sử gia Daniel Goldhagen gọi là “cảm thức thông thường của xã hội” (the common sense of society). Nó là một định kiến rõ ràng tới mức chẳng ai buồn chú ý, được bình thường hóa và trở thành tất yếu. Nó hiện diện trong từng lời bình phẩm, tụng ca, lên án hay coi thường, ghê tởm. Nó là một định kiến đã tồn tại rất lâu từ trước khi được người ta trao cho một tên gọi.

Jack Holland thừa nhận rằng, việc nhận diện và truy vết “misogyny” không phải là một công việc dễ dàng. Bởi nó nằm ở chính quan hệ phức tạp giữa phụ nữ và nam giới. Nó liên quan tới mọi khía cạnh, từ sinh lí học, tình dục, tâm lí, xã hội, kinh tế, chính trị. Với đàn ông, nữ giới bao giờ cũng là một là “kẻ Khác” từ nguyên ủy. Phân biệt giới là sự phân biệt đầu tiên của toàn bộ xã hội loài người bởi từ trước khi có tất cả các tôn giáo, chủng tộc và giai cấp, đã có đàn ông và đàn bà. Hơn thế nữa, nếu như ở các sự phân biệt khác (như phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp), người ta có thể tuyệt đối né tránh sự tương tác giữa hai nhóm, thì ở đây, quan hệ giữa đàn ông và đàn bà là không thể tránh khỏi, không những thế, còn là điều kiện tất yếu để duy trì sự sống cũng như sự vận hành của xã hội. Với A Brief History of Misogyny, Jack Holland đã truy vết lịch sử của sự phân biệt giới này từ những nền văn minh đầu tiên của nhân loại - nơi khởi nguồn của các hệ thống niềm tin phức tạp đã và vẫn quyết định sâu sắc cái nhìn của chúng ta về nữ giới và địa vị của nữ giới. Lịch sử, với Jack Holland, từng (và vẫn phần nhiều) là “lịch sử của những người đàn ông” (his-story); cụ thể hơn, là những câu chuyện được đàn ông viết lại, kể về việc đàn ông đã định hình và làm thay đổi như thế nào thế giới xung quanh họ. Trong suốt quá trình đó, “misogyny” không ngừng hiện diện theo những cách khác nhau, tùy vào từng thời điểm và nơi chốn khác nhau. Việc nhận diện nó, bởi vậy, là một bước quan trọng để giải bỏ những mặc định đã hợp thức hóa sự thống trị của nam giới đối với nữ giới./.