Mặc dù các chính phủ “đua nhau” cam kết về cắt giảm các-bon, tạo nên bầu không khí “náo nhiệt” tại hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên Hợp Quốc, cả thế giới vẫn tiếp tục xoay sở đối phó với thảm họa nóng lên toàn cầu – hiện đã vượt xa những giới hạn trong Hiệp định khí hậu Paris.
Tình cảnh hạn hán ở châu Phi khiến những giọt nước ở đây vô cùng quý giá. Nguồn: Oxfarm
Theo nghiên cứu được công bố tại Glasgow mới đây, nếu như dựa theo các mục tiêu ngắn hạn mà các nước đề ra, nhiệt độ sẽ tăng đạt đỉnh 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này, vượt xa giới hạn 2 độ C trong hiệp định Paris – khuyến cáo toàn thế giới phải duy trì ở dưới mức này, và ngưỡng an toàn hơn nhiều là 1,5 độ C, ngưỡng này vốn là mục tiêu của các cuộc đàm phán COP26.
Với kịch bản tăng đỉnh nhiệt độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và những cơn bão dữ dội hơn sẽ xảy ra trên diện rộng và tàn phá toàn cầu. Ước tính về mức tăng 2,4 độ C dựa trên các mục tiêu ngắn hạn của các quốc gia trong thập kỷ tới là đánh giá nghiêm túc của liên minh Theo dõi Hành động Khí hậu (Climate Action Tracker – CAT), một tổ chức chuyên phân tích khí hậu được tín nhiệm trên thế giới. Con số trên hoàn toàn trái ngược với những dự báo lạc quan công bố vào đầu tháng 11 rằng giữ được mức tăng 1,9 độ C hoặc 1,8 độ C, nhờ các cam kết tại COP26. Những ước tính “khiêm tốn” này dựa trên các mục tiêu dài hạn của các nước, bao gồm cả Ấn Độ, quốc gia phát thải lớn thứ ba trên thế giới và đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.
Chia sẻ với báo Guardian, ông Bill Hare, CEO của Climate Analytics, một trong những tổ chức đứng đằng sau CAT lo ngại, một số quốc gia đang cố hình dung [Cop26] gần như bỏ túi được ngay cái gọi là giới hạn 1,5 độ C, nhưng không phải vậy, nó còn rất xa vời và mọi người đang xem nhẹ mức cần thiết phải đạt được các mục tiêu ngắn hạn cho năm 2030 phù hợp với 1,5 độ C. CAT phát hiện ra rằng, dựa theo những lời hứa của các nước ở Glasgow, lượng phát thải sẽ cao gấp đôi vào năm 2030 thay vì phải duy trì trong khoảng 1,5 độ C. Các nhà khoa học đã cảnh báo, vượt quá 1,5 độ C, khí hậu Trái đất sẽ gặp những thiệt hại không thể phục hồi được.
Các nhà phân tích cũng tìm ra một hố sâu ngăn cách giữa những gì các quốc gia nói rằng sẽ hành động về phát thải khí nhà kính và kế hoạch họ sẽ làm trong thực tế. CAT phân tích, nếu tính đến các chính sách và biện pháp hiện tại, thay vì chỉ trông chờ vào các mục tiêu, thì mức tăng là 2,7 độ C. Ông Niklas Höhne, một trong các tác giả, cho biết, đây sẽ được coi như một “sự kiểm chứng thực tế” cho các cuộc đàm phán. Ông nói với Guardian: “Ý định dài hạn của các quốc gia là tốt, nhưng triển khai trong ngắn hạn là không đủ”.
Tổng cộng có 197 các bên tham gia Hiệp định Paris 2015 đến Glasgow với 2 mục tiêu: mục tiêu dài hạn là đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào khoảng giữa thế kỷ này; và các kế hoạch ngắn hạn của quốc gia, được gọi là đóng góp do quốc gia quyết định (nationally determined contributions – NDCs), chốt mức giảm phát thải đến năm 2030. Các nhà khoa học cho biết, trong thập kỷ này, lượng khí thải nhà kính phải giảm đi ~ 45% để nhiệt độ toàn cầu duy trì mức tăng trong khoảng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Các quốc gia chịu trách nhiệm về ~ 90% lượng khí thải toàn cầu đều đã đăng ký mục tiêu không phát thải, chủ yếu là vào năm 2050 đối với các nước phát triển, tăng lên đến năm 2060 đối với Trung Quốc và năm 2070 đối với Ấn Độ, nhưng NDCs trong thập kỷ tới không ăn khớp với nhau. Khí hậu sẽ nóng lên tương ứng với lượng các-bon tích lũy trong khí quyển, vì vậy nếu lượng khí thải tích tụ đủ cao trong hai thập kỷ tới, nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng vượt quá ngưỡng 1,5 độ C ngay cả khi các-bon sau đó về 0.
Ông Hare chia sẻ, mục tiêu dài hạn đạt mức khí thải ròng bằng 0 là tuyệt vời, nhưng các nước cần thu hẹp khoảng cách đến mục tiêu dài hạn bằng các biện pháp ngắn hạn.
Tuần đầu tiên của COP26 đã chất chồng nhiều các thông báo, cam kết về bảo tồn rừng, tài chính của khu vực tư nhân dành cho năng lượng sạch và vấn đề loại bỏ dần than đá. Một số cuộc đàm phán đã nhanh chóng hé lộ về tình hình các quốc gia phải gia hạn để hiện thực hóa những hứa hẹn trước đây hoặc phải làm sáng tỏ các cam kết đưa ra.
Đầu tuần thứ hai của COP26 bắt đầu nổi lên những bất đồng giữa các quốc gia, một bên muốn có hành động cứng rắn hơn, cụ thể là buộc các nước phải sửa đổi NDCs hàng năm nếu không phù hợp với ngưỡng 1.5 độ C và một bên khác muốn tuân theo lộ trình của Hiệp định Paris về các sửa đổi 5 năm 1 lần. Ngoài ra, còn có tranh luận về việc nên giám sát khí thải ra sao và vấn đề tài chính khí hậu cho các nước nghèo.
Ông Hare lưu ý, không có mâu thuẫn giữa các đánh giá khác nhau vừa được công bố bởi Đại học Melbourne và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó đưa ra các kết luận tương tự dựa trên các mục tiêu dài hạn. Trong “kịch bản lạc quan” của CAT cũng vậy, nếu các quốc gia đạt được tất cả mục tiêu như đã hứa, mức tăng sẽ ở 1,8 độ C.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã cập nhật phân tích về “khoảng cách khí thải” (emission gap) giữa lộ trình cắt giảm khí thải cần thiết đạt ngưỡng 1,5 độ C và lộ trình cắt giảm mà các chính phủ đề xuất. UNEP phát hiện ra rằng, với các cam kết gần đây được công bố bởi Trung Quốc, Ả Rập Xê út và những nước khác, nhiệt độ có thể sẽ tăng từ 1.9 đến 2.1 độ C, nhưng giống như ước tính của IEA và Đại học Melbourne, mức tăng còn phụ thuộc vào các cam kết lâu dài được thực hiện đầy đủ hay không.
Theo ông Hare, nhiều mục tiêu dài hạn mà các quốc gia đề ra thiếu độ tin cậy, cụ thể là Brazil, Australia và Nga. Ông bày tỏ lo ngại rằng họ không có mục đích nghiêm túc tại COP26, do đó, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 chỉ là giả thuyết.
Ông Höhne bảo vệ quan điểm rằng các quốc gia phải đồng ý sửa đổi NDCs của họ hàng năm thì mới có cơ hội thu hẹp “khoảng cách khí thải”. 5 năm mới xem xét lại NDCs một lần sẽ là không đủ.
Bà Jennifer Morgan, giám đốc điều hành của Greenpeace International, hình dung con số ước tính của CAT như chiếc kính viễn vọng đặt trên một tiểu hành tinh hướng về Trái đất, cho thấy sự tàn khốc nếu không xoay chuyển được tình thế trong tuần diễn ra COP26. Nói cách khác, các quốc gia cần nhất trí sẽ rà soát NDCs hàng năm cho đến khi mức tăng nhiệt độ được duy trì trong ngưỡng 1,5 độ C.
Người phát ngôn của COP26 cho biết, cánh cửa để giữ được ngưỡng 1.5 độ C đang dần khép lại, nhưng Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu chắc chắn chúng ta vẫn có thể làm được. Tuần đầu của COP26 đã cho thấy những tiến triển thiết thực, nhưng còn cả “núi” việc phải làm.
Ông Edward Miliband, Bộ trưởng Phe đối lập về Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh, cho biết, COP26 luôn là những cam kết cụ thể sẽ thực hiện vào năm 2030. Một thập kỷ tới sẽ mang tính quyết định đối với ranh giới 1.5 độ C. Báo cáo này kiểm tra một thực tế quan trọng: với nỗ lực của chính phủ, liệu rằng Hội nghị Glasgow có “xanh” như mọi người vẫn nghĩ.
Cùng quan điểm về sự sống còn trong 10 năm tới, đồng lãnh đạo đảng Xanh Adrian Ramsay nói thêm, lớp phủ “mật ngọt” đang dần rơi khỏi các cuộc đàm phán COP26, để lộ ra “viên thuốc đắng” buộc chúng ta phải nuốt nếu các nhà lãnh đạo thế giới không có hành động quyết liệt hơn. Các mục tiêu dài hạn, những hứa hẹn, nhưng không giải pháp công nghệ, không chính sách thiết thực để đưa chúng ta đến gần mục tiêu thì rốt cuộc chẳng có giá trị gì, chỉ càng cho thấy hầu hết các nhà lãnh đạo toàn cầu đã ngủ quên trên ‘chiếc ghế” của mình. Báo cáo của CAT là lời cảnh tỉnh cho họ.