Năm 2019, Coolmate -thương hiệu thời trang dành riêng cho nam ra đời và lựa chọn mô hình bán hàng trực tiếp D2C, qua website và các sàn thương mại điện tử. Khi ấy, người Việt đang làm quen dần với cách mua hàng qua Tiki, Shopee. Lazada...

Nhưng Phạm Chí Nhu - với tư cách là nhà sáng lập của Coolmate lại xác định “số lượng hàng tiêu thụ phải qua website. Các kênh trung gian khác chỉ là phụ, bởi không thể xây dựng nhà trên một mảnh đất đi thuê.

Dây chuyền sản xuất nội địa hóa 100% của Coolmate.

Chọn cách đi ngược chiều

Còn nhớ năm 2020, khi xuất hiện tại SharkTank, Coolmate gây ấn tượng với những chỉ số kinh doanh ấn tượng. Sau một năm ra đời, doanh thu đạt 39 tỷ USD, với tỷ suất lợi nhuận lên tới 14,35%, nhất là trong năm 2020 đầy biến động. Đây được xem là con số tiềm năng đáng để nhà đầu tư xuống tiền. Sau khi tìm hiểu về các chỉ số kinh doanh khác, Shark Nguyễn Hòa Bình đã, chốt thỏa thuận với con số 500.000 USD cho 12,5% cổ phần, trong đó có 2,5% cổ phần tư vấn có cam kết.

CEO Coolmate Phạm Chí Nhu.

Ba ngày sau khi Shark Tank phát sóng, doanh thu của Coolmate bằng cả năm 2019. Sau Shark Tank, Coolmate được đà xông tới, tiếp tục tăng trưởng để gọi vốn. Startup liên tục công bố về sự tham gia của quỹ đầu tư mới vào mô hình kinh doanh khác biệt. Gần đây nhất, quỹ đầu tư ngoại GSR Ventures và quỹ đầu tư nội Do Ventures đã cùng đầu tư 2,3 triệu USD vào vòng series A của Coolmate.

Ông Allen Zhu, Giám đốc điều hành GSR Ventures nói về lý do đầu tư: “Chúng tôi thấy rất ấn tượng trước cách CEO Phạm Chí Nhu và đội ngũ Coolmate tận dụng công nghệ để chuyển đổi ngành bán lẻ truyền thống và phục vụ người tiêu dùng với các sản phẩm chất lượng cao mà giá cả lại hợp lý”.

Kể từ năm 2019, dù thất bại với thương hiệu quần áo Basic Wear 4Men, Phạm Chí Nhu vẫn nhìn thấy nhiều tiềm năng với thị trường thời trang dành cho nam giới. Khi ấy anh cho rằng nguyên nhân thất bại đến từ việc xây dựng công ty chưa bài bản. Vì thế, anh quyết định tìm hiểu lại mô hình, tìm kiếm thêm nguồn lực, mà chủ yếu là người đồng hành để sửa sai. Đó là lý do Coolmate ra đời, với một ý nghĩa đầy hứng khởi “một người bạn (mate) “cool” ngầu, mới mẻ, năng động và trở thành trợ thủ đắc lực cho nam giới”.

Với ý tưởng đó, Coolmate được Phạm Chí Nhu và các cộng sự xây dựng thương hiệu thời trang dành riêng cho nam giới, với những món đồ được thiết kế cơ bản, chủ yếu tập trung vào công nghệ sản xuất, mang lại sự thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng.

Đặc biệt hơn, ở thời điểm năm 2019 khi ra đời, Coolmate lựa chọn mô hình thương mại điện tử D2C – cung cấp sản phẩm trực tiếp qua kênh trực tuyến. Thay vì lựa chọn các kênh bán hàng trung gian đang nổi lên và được đầu tư nhiều như Tiki, Lazada hay Shopee, Phạm Chí Nhu chọn bán hàng qua website. Nghĩa là với khách hàng tiếp cận họ qua facebook hay các trang mạng xã hội khác, Coolmate không chốt đơn luôn mà đề nghị đặt hàng qua website.
Điều gì khiến Coolmate lựa chọn lối đi riêng biệt này? Có lẽ cần phải nhớ lại, câu trả lời của Phạm Chí Nhu với báo Người đồng hành về việc, tại sao anh lại chọn sản phẩm đồ nam chứ không phải đồ nữ: “Tôi không chuyên về thời trang và không biết nhiều về thiết kế. Thế mạnh của Việt Nam là sản xuất nên tôi chọn lối đi tối giản về thiết kế, tập trung nhiều hơn về sản xuất. Làm online, thời trang nữ sẽ không hiệu quả vì chị em cần cửa hàng để ngắm, thử đồ”.

Câu trả lời này cho thấy, Phạm Chí Nhu đã hiểu rất kỹ về ngành thời trang Việt Nam nói chung và dành cho nam giới nói riêng, để tự tin tập trung vào thế mạnh của mình. Xuất thân là dân tài chính ngân hàng của ĐH Ngoại thương, cũng dễ hiểu khi Phạm Chí Nhu hiểu về con số hơn các thiết kế. Bởi vậy, anh quyết định không làm khó mình.

Thêm vào đó, dù không hiểu về thời trang nữ, Phạm Chí Nhu lại hiểu về tâm lý nam giới. Như là nam sẽ mua những loại đồ mặc được trong nhiều dịp ví dụ như vừa thể thao, ở nhà, đi chơi. Nếu như phụ nữ thích thử đồ thì nam giới lại rất ngại việc đi từ cửa hàng này sang cửa hàng sang để thử đồ. Họ sẽ rất hài lòng nếu món đồ mua online đảm bảo về chất lượng, kích thước, nếu không vừa có thể đổi, trả thoải mái.

Coolmate ra đời, giải quyết trọn vẹn những bài toán đó. Dù chính Phạm Chí Nhu cũng thừa nhận rằng, nó khá chật vật ở giai đoạn đầu. Nhất là khi việc xác định bán hàng qua website với vô số tham vọng, như xây dựng platform để người mua có thể biết lựa chọn món đồ phù hợp với size người dễ dàng, chất liệu, màu sắc.

Tất nhiên, để có một phiên bản hoàn thiện như bây giờ và phục vụ cả chục nghìn đơn mỗi ngày, website Coolmate đã trải qua nhiều phiên bản. Thời điểm đó, nhà sáng lập đứng ở thế khó: website chưa hoàn thiện, chưa mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng, trong khi ngoài kia, nhà nhà bán hàng trên Facebook, livestream, Shopee, Lazada…Thế nhưng họ đi ngược lại. Nghĩa là bỏ tiền ra chạy quảng cáo trên mạng xã hội để có inbox tư vấn mua hàng, nhưng cuối cùng Coolmate lại quay về việc đề nghị người dùng lên website mua hàng. Cách làm này tất nhiên khiến Coolmate ở giai đoạn đầu gặp khó. Nhà sáng lập cho biết, anh tin vào sự thành công của việc bán hàng trên một website riêng, thay vì phải dựa dẫm vào thương mại điện tử.

“Không ai đi xây nhà trên một mảnh đất cho thuê” – Phạm Chí Nhu nói về quan điểm của mình. Anh cũng có nhiều kỳ vọng khi nhìn sang các thị trường mà thương mại điện tử đã phát triển như Mỹ, châu Âu. Nhiều website bán hàng của nhãn hàng vẫn có doanh số rất tốt. Nghĩa là chỉ cần tạo được thói quen, khách hàng sẽ lên website mua hàng.

Coolmate thấy điều cần làm là tối ưu trải nghiệm cho người dùng trên website và cải thiện cách đóng gói sản phẩm để đưa đến tay khách hàng sản phẩm tốt nhất.

Chọn ưu tiên trải nghiệm khách hàng

Kiên trì với chiến lược D2C, Coolmate giải quyết băn khoăn của người tiêu dùng khi mua hàng online như sản phẩm không giống hình ảnh, chuyện đổi trả, giao vận, bảo hành… Bởi vậy, Coolmate triển khai chương trình chưa từng xuất hiện ở thương hiệu thời trang nào tại Việt Nam: Thoải mái đổi trả trong 60 ngày vì bất kể lý do gì.

Nhà sáng lập Coolmate nói: “Chúng tôi tin rằng việc bán một gói hàng đó là bán cả một trải nghiệm mua sắm. Coolmate có kỳ vọng trở thành một thương hiệu điển hình về việc hướng tới khách hàng một cách sâu sắc tại Việt Nam. Với mong muốn góp một phần nhỏ thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp trong việc mang tới những trải nghiêm tốt hơn cho khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử”. Vì thế, họ xây dựng chính sách đổi hàng, lấy hàng trả về tận nhà khách hàng và còn thường xuyên gửi sản phẩm mới cho khách hàng trước khi cần thu hồi sản phẩm cũ.

Phạm Chí Nhu tin rằng, một chính sách đủ mạnh mẽ như vậy mới có thể giải quyết tâm lý ngại mua hàng online của người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực thời trang. 12 tiếng sau khi khách hàng gửi lại đồ sẽ được hoàn tiền lập tức. Sự quyết liệt của Phạm Chí Nhu và các cộng sự tại Coolmate đã giành được niềm tin từ khách hàng.

Bằng chứng là đến tháng 5/2022, Coolmate có hơn 60% doanh thu đến từ đặt hàng qua website và phần còn lại đến từ các kênh thương mại điện tử khác. Tính đến tháng 8/2022, doanh thu của Coolmate đạt gần 29.000 tỷ, với gần 96.000 đơn hàng và gần 38 nghìn khách hàng mới. Riêng ngày 8/8 – ngày săn sale, Coolmate nhận được hơn 18.000 đơn hàng. Người tiêu dùng của Coolmate cũng đã quen dần với việc đặt hàng qua website.

Tất nhiên, Coolmate cũng gặp nhiều trường hợp đổi trả nhiều lần, nhưng nhà sáng lập cho biết, họ nhìn vào số đông những người hưởng lợi từ chính sách này cũng như những người có niềm tin hơn vào mua hàng trực tuyến từ Coolmate.

Cùng với đó, startup thời trang dành riêng cho nam giới này cũng hướng tới hoàn thiện mô hình quản lý chuỗi cung ứng từ gốc, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam với chất lượng về nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cao trong ngành may mặc.

“100% sản phẩm may mặc của Coolmate được sản xuất bởi chính những người thợ may lành nghề của Việt Nam, tự hào gắn nhãn “Proudly Made in Vietnam”, cạnh tranh công bằng với các thương hiệu nước ngoài về cả chất lượng và giá cả” – Coolmate chia sẻ đầy tự hào trên website của mình.

Theo Phạm Chí Nhu, họ không có ý định mở cửa hàng vật lý, cũng như lấn sân sang mảng thời trang nữ. Bởi cả hai địa hạt này đều quá khác biệt và có thể khiến Coolmate phải thay đổi chiến lược đang mang lại kết quả rực rỡ. Họ sẽ mở rộng nhưng là chỉ xoay quanh nhu cầu của nam giới:“Chắc chắn là chúng tôi sẽ không dừng lại ở những thứ đó. Nên một ngày đẹp trời, nếu như mà bạn tìm thấy một đôi giày, bộ dao cạo râu, hay một lọ lăn khử mùi hay thậm chí là những chiếc bao cao su chất lượng ở Website thì cũng đừng ngạc nhiên nhé”

Bắt đầu hành trình của mình tại một nhà kho 20m2, với một website bán hàng sơ khai kinh doanh những sản phẩm rất cơ bản dành cho nam giới nhưng Phạm Chí Nhu cùng các cộng sự nuôi tham vọng lớn lao, có thể tạo nên sự khác biệt trong lĩnh vực của mình. Sau ba năm, Coolmate có gần 2000m2 văn phòng và kho vận hành ở tại Hà Nội và Hồ Chí Minh và vẫn đang hướng tới mục tiêu IPO vào năm 2025 khi đạt doanh thu 100 triệu USD.