Thằn lằn là loài bò sát có thể tái tạo các xương và mô trong cơ thể khi chúng bị phá hủy. Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học New South Wales (Australia) đã phát hiện ra một cách bắt chước khả năng tuyệt vời này của thằn lằn, dựa vào "các tế bào gốc đa năng cảm ứng" (iMS).
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các tế bào iMS bằng cách tái lập trình các tế xương và mỡ. Về mặt lý thuyết, những tế bào này có thể được sử dụng để sửa chữa cũng như khôi phục xương, sụn và cơ.
Giáo sư John Pimanda, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích thêm: "Chúng tôi hiện đang đánh giá xem liệu các tế bào mỡ của người sau khi tái lập trình thành tế bào iMS có thể chắc chắn khôi phục các mô bị tổn thương ở chuột hay không. Các cuộc thử nghiệm trên người dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2017. Kỹ thuật này mang tính đột phá, vì các tế bào iMS tái tạo nhiều loại mô khác nhau. Chúng tôi đã lấy các tế bào xương và mỡ, ngắt quá trình ghi nhớ của chúng và biến đổi chúng thành các tế bào gốc, để chúng có thể sửa chữa các loại tế bào khác nhau, một khi đã được đưa trở lại cơ thể người".
Cho tới hiện tại, các chuyên gia nghiên cứu những phương pháp điều trị tái tạo đã thử nghiệm với các tế bào gốc phôi thai (ES) và các tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS). Cả 2 loại tế bào này hành xử theo cách tương tự nhau, nhân lên gấp bội vô hạn định và có khả năng biến đổi thành bất kỳ loại mô cơ thể nào. Trong khi các tế bào ES là tự nhiên, được trích lấy từ các phôi thai giai đoạn đầu, thì các tế bào iPS là sản phẩm nhân tạo thông qua việc tái lập trình các tế bào trưởng thành.
Cả hai loại tế bào trên đều chứa đựng nguy cơ tạo ra các khối u ung thư. Đặc biệt, các tế bào iPS ra đời nhờ sử dụng các gen do virus tiêm vào, một điều không chấp nhận được về mặt lâm sàng.
Tuy nhiên, các tế bào iMS trong nghiên cứu mới có khả năng hạn chế hơn nhưng được cho là an toàn hơn so với các tế bào ES hoặc iPS. Các nhà nghiên cứu Australia đã sản sinh ra chúng bằng cách ức chế "tính mềm dẻo" ở các tế bào xương và mỡ từ chuột và những người hiến tặng. Kỹ thuật này bao gồm cả việc cho các tế bào tiếp xúc với một hợp chất có tên gọi là AZA cũng như một "yếu tố tăng trưởng" chiết xuất từ tiểu cầu (chất kích thích tăng trưởng).
Hợp chất AZA thiết lập nới lỏng các kết nối của tế bào, vốn đã giãn nở do tác động của yếu tố tăng trưởng. Việc này làm biến đổi các tế bào xương và mỡ thành các tế bào iMS. Khi các tế bào gốc này được tiêm vào khu vực mô bị tổn thương, chúng tăng lên gấp bội, thức đẩy sự phát triển và hàn gắn. Quá trình này rất giống quá trình thằn lằn tận dụng tính mềm dẻo của tế bào để tái tạo các chi hoặc đuôi bị đứt.
Tiến sĩ Vashe Chandrakanthan, người phát triển công nghệ trên, tuyên bố, phương pháp này tiên tiến hơn mọi liệu pháp tế bào gốc đang được nghiên cứu khác. Ông và các cộng sự nhận định, liệu pháp này pháp này có tiềm năng rất lớn trong việc chữa trị chứng đau lưng và đau cổ, tổn thương cột sống, sự thoái hóa cơ và khớp cũng như có thể thúc đẩy sự hồi phục sau các phẫu thuật nối xương và khớp phức tạp.
Các chuyên gia thậm chí kỳ vọng, trong tương lai, phương pháp này có thể được hoàn thiện để giúp con người có thể tái mọc tay, chân và bộ phận cơ thể bị mất, đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của các ca phẫu thuật cấy ghép bộ phận cơ thể.