Từ một startup sáng giá nhưng luôn bị bắt nạt trong các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), LinkedIn đã nhận ra giá trị của bằng sáng chế. Họ lập hẳn một chiến lược về bằng sáng chế, mua thêm 900 bằng và trở thành một mạng xã hội có giá trị rất lớn.

Dưới đây là bản lược dịch bài viết của Sara Harrington - Phó Chủ tịch về SHTT, sản phẩm, quyền riêng tư, Pierre Keeley - Giám đốc về bằng sáng chế cùng 2 luật sư Kent Richardson và Erik Oliver của LinkedIn.

To xác vẫn bị đè

Năm 2012, tốc độ phát triển của LinkedIn lên tới 86%, doanh thu gần 1 tỷ USD; nhưng vì chỉ sở hữu 22 bằng sáng chế nên nó thường xuyên là mục tiêu béo bở của nhiều công ty nắm giữ bằng sáng chế có liên quan. Mối nguy chủ yếu đến từ những người/công ty chuyên đi kiện tụng, sở hữu số bằng sáng chế khủng.

“Mục đích của họ là nhận được phí bản quyền từ LinkedIn vì sử dụng công nghệ đã đăng ký bảo hộ của họ, hoặc để lấy được quyền sử dụng bằng sáng chế cho những công nghệ được đăng ký trong hiện tại hoặc tương lai của LinkedIn và ngăn LinkedIn đưa ra các sản phẩm/dịch vụ sử dụng công nghệ của họ (buộc LinkedIn phải hợp tác, trì hoãn ngày ra mắt sản phẩm, thiết kế lại sản phẩm, đền bù thiệt hại mà theo họ là LinkedIn đã tạo ra do sử dụng trái phép công nghệ của họ)” - luật sư của LinkedIn cho biết.

Năm 2015, LinkedIn và vài công ty công nghệ khác như Snapchat, Instagram, Twitter... bị Fo2go - một công ty không hoạt động có trụ sở tại Delaware, Mỹ - kiện vì vi phạm quyền SHTT liên quan đến công nghệ xử lý ảnh kỹ thuật số, yêu cầu đền bù. Những vụ kiện như vậy không chỉ gây phiền toái về tiền bạc, công sức mà còn làm các công ty khởi nghiệp như LinkedIn không còn nhiều thời gian để tập trung phát triển sản phẩm, tiếp tục đà tăng trưởng.

Trụ sở chính của LinkedIn tại Sunnyvale, California, Mỹ. Ảnh: Youth Incorporated Magazine

Thường để đáp trả những cáo buộc này, các startup dùng chiêu tấn công để tự vệ - kiện lại công ty nọ vi phạm bằng sáng chế của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện khi startup có kho bằng sáng chế đủ lớn. Đây chính là điểm yếu của LinkedIn tại thời điểm năm 2012.


Chiến lược cứu nguy

Nhận thấy nguy cơ ảnh hưởng tới sự sống còn của công ty, các giám đốc điều hành của LinkedIn đã vạch ra chiến lược: Tăng số đơn xin cấp bằng bảo hộ của mình và mua thêm bằng sáng chế. LinkedIn còn lập hẳn một nhóm chuyên về bằng sáng chế và làm việc với công ty luật về chiến lược SHTT Richardson Oliver.

Để đưa ra mục tiêu cho tốc độ nộp đơn bảo hộ, LinkedIn đã tham khảo mục tiêu và khả năng thực hiện của nhiều công ty công nghệ cao khác trên thế giới, phân tích số vốn được dùng cho việc nghiên cứu và phát triển của họ. Cuối cùng, LinkedIn đặt ra mục tiêu có số bằng sáng chế đảm bảo để công ty không phải lo về các vụ kiện, tự do hoạt động, có thể tiếp tục đưa sản phẩm và dịch vụ ra phục vụ số khách hàng đang tăng nhanh, dựa vào những công nghệ lõi của công ty.

Họ dành 41% trong 1 triệu USD doanh thu cho nghiên cứu và phát triển, thường xuyên tổ chức những cuộc họp thu thập sáng chế. Trong cuộc họp đó, công ty tập trung các nhóm kỹ sư nhỏ lại, xem xét, đánh giá công việc của họ và chọn những ý tưởng có thể nộp đơn xin bảo hộ. Sau đó, họ chuẩn hóa những ý tưởng này để phù hợp với các công ty chuyên về mạng xã hội.

Ngoài ra, LinkedIn cũng giáo dục, tuyên truyền để nhân viên ở mọi bộ phận nhận thức tốt hơn về giá trị của bằng sáng chế, về vấn đề thiếu bằng sáng chế mà công ty đang đối mặt, hướng dẫn các nhà sáng chế quy trình nộp đơn. Để chuẩn bị cho các vụ kiện và tạo điều kiện cho việc đăng ký sáng chế, công ty thuê rất nhiều luật sư chuyên về SHTT, thường xuyên cập nhật tình hình mua bán bằng sáng chế, việc cấp bằng sáng chế...

Với những hành động có tính toán như thế, từ năm 2012 tới năm 2016, số bằng sáng chế của công ty tăng đều và đạt tổng số 1.050 bằng. Không chỉ tự mình sáng chế, LinkedIn còn chú trọng việc mua lại các bằng sáng chế. Họ phải xác định được đâu là những nguy cơ đối với công ty để từ đó định hướng việc mua sáng chế cho phù hợp, chủ yếu là ở những mảng công ty không phát triển.

Nhờ chiến lược tốt về sáng chế, LinkedIn đã trở thành mạng xã hội được nhiều người yêu thích. Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Roi Research năm 2013 cho thấy, 59% số người được hỏi chọn LinkedIn là tài khoản mạng xã hội quan trọng nhất. Năm 2016, LinkedIn đã có tới 200 triệu người dùng. Cái giá 26,5 tỷ USD mà Microsoft trả để mua lại công ty vào cuối năm 2016 cho thấy nó được đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển.

Về cơ bản, nền tảng của LinkedIn cũng tương tự Facebook và các mạng xã hội khác. Tuy nhiên, LinkedIn chủ yếu được các doanh nghiệp và cá nhân chuyên nghiệp sử dụng để tuyển dụng, tìm kiếm việc làm và mở rộng cơ hội kinh doanh.