Hơn 1.000 cổ vật như súng thần công, mộ chum bằng gốm, đàn đá... gắn liền với lịch sử và văn hóa vùng đất Bình Thuận lần đầu tiên được giới thiệu đến người dân.

Bảo tàng Bình Thuận hôm 30/1 đã khánh thành Nhà trưng bày cổ vật tại số 4 Bà Triệu, Phan Thiết. Với diện tích 400 m2, nơi đây trưng bày hơn 1.000 cổ vật quý hiếm trong số hơn 5.000 cổ vật được Bảo tàng Bình Thuận khai quật khảo cổ và sưu tầm ròng rã hơn 40 năm qua.

Khu trưng bày gồm các chuyên đề: Văn hóa khảo cổ học Đa Kai, Văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh, Văn hóa Chăm, Văn hóa các dân tộc thiểu số, Văn hóa dân tộc Kinh và Cổ vật tàu đắm trên vùng biển Bình Thuận. Trong ảnh là bộ súng thần công đúc thời vua Minh Mạng triều Nguyễn.

Mộ chum bằng gốm,công cụ lao động bằng đá, bằng đồng... chứng minh lịch sử các nhóm người bản địa từng có mặt tại vùng ven biển Bình Thuận cũng như miền núi giáp với Tây Nguyên và Bắc Đồng Nai từ2.000 - 3.000 năm trước.

Đồ trang sức dành cho phụ nữ thuộc văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh.

Chì lưới và công cụ đánh bắt cá của ngư dân cổ ven biển Bình Thuận.

Cuốc đá được phát hiện tại Đa Kai (Đức Linh) niên đại 3.000 năm.

Trong bộ sưu tập này, đáng chú ý với bộ đàn đá khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh và đàn đá khảo cổ Đa Kai. Đây là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người có niên đại từ 3.000 năm trước.

"Đáng lý ra số cổ vật này đã được giới từ lâu. Nhưng đến nay, địa phương mới xây được nhà trưng bày. Số cổ vật này rất quý, nhất là gắn liền với hai nền văn hóa Đa Kai và Sa Huỳnh được khai quật từ lòng đất", thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận nói.