Theo một cuộc khảo sát mới của Đại học McGill (Canada), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và nhiều tổ chức quốc tế khác, chỉ còn 37% trong số 246 con sông dài nhất thế giới hiện nay vẫn chảy tự do.

Ảnh: PNPC
Ảnh: PNPC

Các con sông còn lại đều có dòng chảy ngắt quãng do đập và hồ chứa thủy điện. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 5/2019.

“Các dòng sông trên thế giới tạo thành một mạng lưới phức tạp với những liên kết quan trọng với đất, nước ngầm và khí quyển. Do đó, sông là nguồn sống cho nhiều loài sinh vật khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động phát triển kinh tế của con người đang làm gián đoạn dòng chảy của chúng”, Günther Grill, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học McGill, cho biết.

Hiện nay, thế giới có khoảng 60.000 đập lớn, và hơn 3.700 đập thủy điện khác đang được quy hoạch hoặc xây dựng. Trong khi những cấu trúc này có thể cung cấp những lợi ích như kiểm soát lũ và tạo ra điện, chúng cũng gây ra vô số vấn đề cho hệ sinh thái, đặc biệt là vùng hạ lưu, đất ngập nước và cửa sông.

Ngoài ra, các phân tích về chi phí – lợi ích của đập và hồ chứa thường chỉ được phân tích trên quy mô địa phương, nên tác động gián tiếp của chúng thường bị bỏ qua.