Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia vừa công bố một báo cáo nhằm kiến giải một số hiểu lầm về tạp chí Sustainability của nhà xuất bản khoa học MDPI – tạp chí từng nhận nhiều ý kiến nghi ngờ và chỉ trích ở Việt Nam trong thời gian qua.

Sustainability, thuộc nhà xuất bản truy cập mở MDPI, ra đời năm 2009, là một tạp chí học thuật quốc tế đa ngành với các công bố khoa học trong chủ đề phát triển bền vững về môi trường, văn hóa, kinh tế, giáo dục và xã hội. Tạp chí được chỉ mục trong danh sách SCIE (Science Citation Index Expanded) và SSCI (Social Sciences Citation Index) của danh mục ISI (Web of Science); trong danh mục Scopus và thuộc nhóm Q2 theo phân loại của SCImago dựa trên dữ liệu của Scopus.

Theo đại diện của EdLab Asia, khoảng hai năm trở lại đây, các tranh luận về Sustainability cũng như về nhà xuất bản MDPI và tạp chí xuất bản truy cập mở nói chung rất nóng trong học giới. Là một trong những tạp chí lớn nhất và có Impact Factor cao nhất của nhà xuất bản MDPI, Sustainability cũng chính là tạp chí bị giới học thuật Việt Nam “soi” nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Lý do là, tạp chí này thu phí xử lý đăng bài (Article Processing Charge - APC) cao, tốc độ phản biện và xuất bản nhanh, xuất bản nhiều bài báo trong một năm, dẫn đến những nghi vấn về chất lượng. Có ý kiến cho rằng, những đặc điểm trong mô hình hoạt động của Sustainability chính là chỉ dấu của những tạp chí rởm, tạp chí ăn thịt người, đánh vào điểm cốt tử phải có công bố bằng mọi giá của những người làm nghiên cứu, đặc biệt là những người làm nghiên cứu ở những nước đang phát triển, mới làm quen với các thông lệ quốc tế trong nghiên cứu. Thậm chí, đã xuất hiện những ý kiến kiến nghị loại bỏ những tạp chí thuộc nhà xuất bản MDPI khỏi danh mục nghiệm thu những đề tài do nhà nước tài trợ kinh phí nghiên cứu để tránh ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tài trợ và tránh lãng phí tiền thuế của người dân.

“Các luồng ý kiến tuy nhiều nhưng lại tản mát trên các báo và mạng xã hội. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu của EdLab Asia quyết định xây dựng báo cáo như một nỗ lực chia sẻ với cộng đồng về vấn đề này theo một cách có hệ thống và bài bản,” đại diện của EdLab Asia nói.

“Chúng tôi cũng đã cân nhắc về việc có thể bị hiểu nhầm là thanh minh, biện hộ cho Sustainability vì những lợi ích riêng,” người đại diện bày tỏ. “Nhưng với trách nhiệm của những người chuyên làm nghiên cứu về xuất bản khoa học và đo lường khoa học thì chúng tôi nghĩ việc phải đưa ra những nhận định mang tính học thuật - không phải dưới dạng một bài báo phổ thông hay bài trả lời phỏng vấn mà là một báo cáo chuyên nghiệp - thể hiện sự nghiêm túc của chúng tôi.”


EdLab Asia cho biết đã hoàn thành báo cáo từ cuối 2020 nhưng giờ mới quyết định công bố vì muốn các tranh cãi lắng xuống và những người, dù ủng hộ hay phản đối, đều có thời gian suy nghĩ kỹ hơn. Ảnh: Chụp màn hình Báo cáo.

Cho rằng, vì là mô hình mới (phản biện và xuất bản nhanh, xuất bản nhiều, thu phí xử lý đăng bài) nên Sustainability không tránh khỏi những hiểu lầm trong và ngoài giới học thuật, báo cáo muốn kiến giải các hiểu lầm chính về Sustainability nói riêng cũng như các tạp chí theo mô hình tương tự nói chung. Cụ thể, dựa trên việc tổng hợp các tài liệu chính thống, các nghiên cứu thống kê, cũng như dựa trên chính kinh nghiệm của nhóm nghiên cứu trong việc xuất bản - bao gồm cả xuất bản trên những tạp chí thuộc MDPI và không thuộc MDPI, báo cáo kiến giải 5 vấn đề: (1) Sustainability không phải là tạp chí uy tín vì không có quy trình phản biện và xuất bản nhanh; (2) Sustainability không phải là tạp chí uy tín vì xuất bản quá nhiều bài báo trong một năm; (3) Sustainability không phải là tạp chí uy tín vì là tạp chí thu tiền phí xuất bản; (4) Sustainability không phải là tạp chí uy tín vì là tạp chí truy cập mở; (5) Sustainability không phải là tạp chí uy tín vì các tác giả hàng đầu thế giới không xuất bản ở tạp chí này.

Theo người đại diện, nguy hại lớn nhất của những hiểu lầm này là ở chỗ, nó có thể dẫn đến những nhầm lẫn về tạp chí xuất bản truy cập mở (theo đó, người sử dụng được quyền truy cập tự do đến bài báo do tác giả chấp nhận đóng phí đăng bài cho tạp chí). “Phong trào tạp chí mở thực ra có lợi rất nhiều cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo một thống kê không đầy đủ, cho đến năm 2019, chỉ có khoảng 10% các trường đại học Việt Nam có thư viện điện tử mà nhờ đó giảng viên và sinh viên có thể truy cập vào các tài liệu được mua theo kiểu subsciption. Phong trào khoa học mở phát triển mạnh trên thế giới trong 10 năm gần đây chính là một giải pháp giúp cho giảng viên và sinh viên ở 90% số trường còn lại có được khả năng đó.”

Người đại diện nói thêm, “Chúng tôi hiểu các tạp chí của MDPI không phải là tốt nhất trong từng ngành. Và nhìn chung, các tạp chí của MDPI ở mức độ khá - bên cạnh một số là trung bình, một số tốt, và rất ít thuộc nhóm xuất sắc. Lý do đơn giản, vì hầu hết đó là những tạp chí mới thành lập nên chưa có những tạp chí vươn lên hạng top. Chúng tôi cũng ý thức được rằng, trong tạp chí Sustainability có bài tốt bài không. Thực ra đây là điều bình thường. Trên tạp chí của những nhà xuất bản truyền thống như Springer hay Elsvier thì cũng vậy. Chúng tôi ý thức được tất cả những vấn đề đó, nhưng từ tạp chí khá đến tạp chí có vấn đề hay tạp chí rởm là một khoảng cách rất xa và chúng ta không nên kết luận hồ đồ hay lẫn lộn hai chuyện đó với nhau. Bản chất của khoa học là vươn tới tìm kiếm sự thật, nỗ lực giảm thiểu các định kiến, bởi vậy nhà khoa học cũng nên tránh định kiến về bất cứ vấn đề gì.”

Xem toàn văn báo cáo "Kiến giải một số hiểu nhầm về Tạp chí Sustainability, Nhà xuất bản MDPI" tại đây.