Theo một báo cáo công bố ngày 15/9 trên tạp chí Nature, những đám cháy rừng cực độ bùng phát khắp vùng đông nam nước Úc vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã giải phóng 715 triệu tấn carbon dioxide vào không khí - cao gấp 2,6 lần so với ước tính trước đây từ dữ liệu vệ tinh.

“Đó là một con số đáng kinh ngạc," David Bowman, nhà sinh thái học về hỏa hoạn tại Đại học Tasmania ở Hobart, cho biết, lưu ý thêm rằng các nhà khoa học có thể phải suy nghĩ lại về tác động của những trận hỏa hoạn cực đoan đối với khí hậu toàn cầu, chẳng hạn như ở miền tây Hoa Kỳ và Siberia. "Cháy rừng là một vấn đề thực sự lớn ngày nay," Bowman nói.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, phần lớn lượng carbon này có thể đã bị hút một cách gián tiếp bởi một loài thực vật phù du ở Nam Đại Dương, theo một báo cáo khác cùng ngày 15/9, cũng đăng trên tạp chí Nature.

Vụ cháy nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận

Hỏa hoạn lớn chưa từng có ở Úc xảy ra vào đầu năm 2020 đã thiêu rụi 74.000 km2- một diện tích rộng hơn Sri Lanka - chủ yếu là rừng bạch đàn hoặc cao su ở đông nam nước này. Các ước tính trước đây từ cơ sở dữ liệu toàn cầu về lượng khí thải cháy rừng, dựa trên dữ liệu vệ tinh, cho rằng đợt hỏa hoạn đã giải phóng khoảng 275 triệu tấn carbon dioxide từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 1 năm 2020.

Sydney bị bao vây bởi những đám cháy bụi lớn, chìm trong khói vào ngày 21 tháng 12 năm 2019.

Nhưng phân tích mới chỉ ra con số này còn quá thấp, Ivar van der Velde, nhà khoa học môi trường tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ SRON Hà Lan và tại Đại học Free University Amsterdam, tác giả chính của báo cáo tính toán lại lượng khí thải, cho biết.

Nhóm Van der Velde đặt mục tiêu ước tính chính xác hơn, dựa trên dữ liệu chi tiết từ công cụ giám sát tầng đối lưu TROPOMI trên vệ tinh Sentinel-5 Precursor của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. TROPOMI chụp ảnh hằng ngày về mức carbon monoxide xuyên suốt vùng khí quyển bên dưới nó. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu này để tính toán lượng khí thải carbon monoxide từ các đám cháy rừng, từ đó suy ra lượng khí thải carbon dioxide.

Con số cuối cùng của họ là 715 triệu tấn - gần gấp 80 lần lượng carbon dioxide thông thường thải ra từ các đám cháy ở đông nam nước Úc trong ba tháng cao điểm của mùa cháy rừng vào mùa hè.

Cristina Santín, nhà nghiên cứu cháy rừng tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, Asturias, cho biết câu hỏi quan trọng là những khu rừng này sẽ phục hồi như thế nào. Cháy rừng từ lâu đã được coi là sự kiện không có carbon thuần, bởi vì lượng khí thải mà chúng thải ra sẽ được thu lại khi thảm thực vật mọc lại - nhưng tần suất và cường độ của các đám cháy ở Úc ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc các hệ sinh thái không bao giờ phục hồi hoàn toàn. Nếu những đám cháy này "đe dọa sự phục hồi của hệ sinh thái, thì thật đáng lo ngại", Santín nói.

Lý do để hy vọng

Tuy nhiên, báo cáo thứ haicho thấy lượng khí thải do cuộc khủng hoảng cháy rừng gần như được bù đắp bởi các đợt bùng nổ thực vật phù du ở Nam Đại Dương, được ghi nhận trong năm 2019-2020.

Phát hiện này chứng minh rằng cháy rừng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình đại dương như thế nào, theo Richard Matear, nhà khoa học khí hậu tại Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của chính phủ Úc, đồng tác giả nghiên cứu. "Các hệ thống được kết nối với nhau," Matear nói.

Nhóm Matear phát hiện, trong vụ hỏa hoạn, những đám khói đen mênh mông, giàu chất dinh dưỡng, đã bị cuốn đi hàng nghìn km trên đại dương. Trong vòng vài ngày, khói đã truyền vào nước lượng sắt cần thiết để nuôi dưỡng thực vật phù du, khiến lượng sinh vật phù du phát triển bùng nổ và hút lượng carbon tương đương với 95% lượng khí thải từ đám cháy.

Đại dương làm lượng khí thải này biến mất "giống như một nhà ảo thuật”, Bowman nói. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần nghiên cứu kỹ hơn để hiểu carbon mà sinh vật phù du hấp thụ cuối cùng sẽ đi về đâu, và liệu có quay trở lại bầu khí quyển hay không.

Cả hai nghiên cứu đều tiết lộ những phát hiện đáng ngạc nhiên cho thấy rằng “chúng ta không hiểu đủ về các đám cháy”, Santín nói, điều này cần phải cải thiện, bởi vì “các đám cháy sẽ ngày càng quan trọng đối với chu kỳ carbon".

Nguồn: