Các chuyên gia y tế công cộng đề xuất châu Phi dự trữ các vaccine thử nghiệm để tăng tốc việc ứng phó với các đợt bùng phát Ebola trong tương lai.


Khi đợt bùng phát dịch Ebola gần đây ở Uganda suy yếu, các trung tâm điều trị như thế này ở Mubende dần trống rỗng và kế hoạch thử nghiệm vaccine không còn khả thi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày cuối tháng 11, Uganda ghi nhận 141 ca bệnh Ebola, 55 trong số đó đã tử vong. Khi đó, virus đã lây lan đến thủ đô Kampala đông đúc. Nhưng trường hợp Ebola cuối cùng được chẩn đoán vào ngày 13/11. Đến nay, sau hơn 1 tháng trôi qua mà không có ca bệnh nào, dịch được ghi nhận là đã kết thúc. Đầu tháng 12, Uganda cũng công bố tin mừng, rằng bệnh nhân cuối cùng được ghi nhận trong đợt dịch Ebola, bùng phát vào giữa tháng 9 đã hồi phục và xuất viện.

Khi dịch bùng phát, các nhà nghiên cứu đã hy vọng có cơ hội thử nghiệm các loại vaccine Ebola. Trong đó có một loại mới được phê duyệt từ năm 2019 và có khả năng chống lại chủng Zaire (một trong 6 chủng virus Ebola), gây ra nhiều đợt dịch ở một số quốc gia, bao gồm cả đợt dịch lan rộng ở Tây Phi kéo dài từ năm 2013 đến 2016, và cũng gây ra đợt bùng phát gần đây ở Uganda.

Vào ngày 2/12, Uganda đã phê duyệt thử nghiệm 3 vaccine, nhưng khi đó không có nhà sản xuất nào có sẵn đủ vaccine để bắt đầu thử nghiệm. Trong số đó, tiềm năng nhất là vaccine do Cơ quan Y tế Công cộng Canada phát triển rồi được Merck tiếp quản và hiện do tổ chức phi lợi nhuận IAVI nắm bản quyền.

Và bây giờ gần như đã quá muộn. Để đủ điều kiện, người tham gia phải tiếp xúc với người bị nhiễm Ebola trong vòng 21 ngày. Trong tuần đầu tháng 12, chỉ có vài trăm người ở Uganda đáp ứng điều kiện này. Không có ca nhiễm mới được ghi nhận, con số này giảm nhanh chóng.

Ngay cả khi các thử nghiệm không bắt đầu, các chuyên gia cho rằng Uganda vẫn nên tiến hành nghiên cứu giai đoạn 1 về tính an toàn của vaccine IAVI. Nếu có dữ liệu cho thấy vaccine này an toàn và kích hoạt các phản ứng miễn dịch ở người, kết hợp với các nghiên cứu trên khỉ trước đây, có thể thuyết phục các cơ quan quản lý phê duyệt sử dụng vaccine trong trường hợp dịch bùng phát trong tương lai.

Các chuyên gia chỉ ra, đợt bùng phát bất ngờ ở Uganda cho thấy cần một hệ thống ứng phó dịch bệnh hợp lý hơn, theo đó, cần dự trữ vaccine Ebola cũng như các bệnh mới nổi khác ở châu Phi, và thống nhất sẵn các phác đồ, quy trình thử nghiệm chứ không chờ đến khi dịch bùng phát.

Việc dự trữ vaccine sẽ tốn kém vì phải định kỳ vứt bỏ và thay thế vaccine hết hạn sử dụng, nhưng sẽ là lý tưởng nếu có sẵn 100.000 liều ngay khi một đợt bùng phát bắt đầu - các chuyên gia đề xuất

Nguồn: