Tại Việt Nam, trong nỗ lực bảo tồn sao la - một trong những loài động vật quý hiếm và bí hiểm nhất thế giới, được mệnh danh “kỳ lân châu Á”, các chuyên gia đã sử dụng từ các phương pháp thủ công truyền thống đến công nghệ tiên tiến nhất.

Tuần rừng phá bẫy, bảo vệ sao la

Sao la là loài thú lớn cổ đại được phát hiện gần đây nhất. Từ lần đầu tiên được nhìn thấy tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Nghệ An) vào tháng 5/1992 đến nay, loài vật này chỉ xuất hiện thêm vài lần. Năm 2006, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xác định tình trạng loài sao la ở mức “cực kỳ nguy cấp”.

“Số lượng cá thể sao la còn lại hiện vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng chắc chắn là rất ít” - thạc sỹ (ThS) Lương Việt Hùng - quản lý hợp phần các khu bảo tồn sao la ở Trung Trường Sơn, dự án CarBi của Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam - cho biết.

Một cá thể sao la được phát hiện năm 1998 tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Ảnh: WWF - David Hulse
Một cá thể sao la được phát hiện năm 1998 tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An.
Ảnh: WWF - David Hulse

Với dải phân bố hẹp như dãy Trường Sơn, môi trường gần quốc lộ, đông dân cư khiến sao la bị nạn săn trộm đe dọa. “Tuy không phải mục tiêu chính của bọn săn trộm nhưng sao la vô tình trở thành nạn nhân khi mắc bẫy dùng để bắt các loài động vật khác ở vùng Trung Trường Sơn” - TS Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc WWF Việt Nam - khẳng định.

TS Thịnh và ThS Hùng là những người may mắn được tận mắt trông thấy sao la, nhưng kỷ niệm đó đều là nốt buồn của người làm bảo tồn. “Sao la mẹ mắc bẫy chết, chúng tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc sao la non. Không biết sao la ăn lá gì nên chúng tôi hái rất nhiều loại lá rừng. Khi đó, sao la non chỉ ăn lá môn thục. Tuy nhiên, nó bị chết sau đó một thời gian” - TS Thịnh nhớ lại.

Sau khi loài sao la được IUCN đánh giá ở tình trạng “cực kỳ nguy cấp”, các chuyên gia bảo tồn xác định việc cấp bách nhất là trả lại hệ sinh thái tự nhiên và loại bỏ nguy cơ săn trộm. Năm 2006-2007, dự án “Hành lang xanh” ra đời nhằm đánh giá tài nguyên rừng, xây dựng cảnh quan ưu tiên bảo tồn sao la.

Năm 2011, mô hình đồng quản lý giữa WWF và Ban quản lý các khu bảo tồn sao la ra đời với các đội bảo vệ rừng có nòng cốt là dân bản địa. Tiếp đó, 4 trạm kiểm lâm, 2 trại bảo vệ rừng được thiết lập. “Hằng ngày chúng tôi tuần rừng, phá bẫy thú, đặt bẫy ảnh; mỗi đợt băng 50km đường rừng, không quản nắng, mưa” - ThS Hùng cho biết. Tháng 7/2013, bẫy ảnh đặt tại vùng núi Quảng Nam đã phát hiện một cá thể sao la.

“Mục tiêu của chúng tôi là rừng lõi khu bảo tồn sao la không còn một dây bẫy, một bóng thợ săn, không còn nạn phá rừng trái phép, khi đó mới trả lại hệ sinh thái tự nhiên cho sao la” - TS Thịnh cho biết.Trong 5 năm tuần tra bảo vệ rừng, 84.000 bẫy thú và hơn 1.000 trại bất hợp pháp đã được các đội bảo vệ rừng thu giữ và phá huỷ. Hiện tại, Khu bảo tồn quốc gia Xê sáp (Lào), Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế, Khu bảo tồn sao la Quảng Nam và Vườn quốc gia Bạch Mã mở rộng đã tạo nên một khu vực phức hợp rừng, xác lập được “ngôi nhà chung” của sao la ở Trung Trường Sơn và Nam Lào.

Phân tích DNA ở vắt để tìm sao la

Các chuyên gia dự án WWF - CarBi đang triển khai giám sát đa dạng sinh học bằng cách dùng bẫy ảnh và phân tích DNA mẫu vắt (mẫu máu mà vắt hút từ động vật khác) thu thập tại rừng lõi 2 khu bảo tồn Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. “Đây là 2 phương pháp được chúng tôi thực hiện song song, hỗ trợ nhau để xác định quần thể sao la có đủ khả năng sinh sản trong tự nhiên không” - TS Thịnh nói.

Phương pháp phân tích DNA qua mẫu vắt được triển khai từ năm 2013. Mẫu được các đội bảo vệ rừng thu thập và lưu trữ trong ống nghiệm với hóa chất cố định DNA kèm thông tin hiện trường. WWF đã gửi mẫu sang Trung Quốc và phát hiện dấu hiệu nghi ngờ của 2 cá thể sao la ở 2 mẫu vắt. Hai mẫu này tiếp tục được gửi đi phân tích DNA tại Đại học Gottingen (Đức), Đại học Copenhagen (Đan Mạch), cho cùng kết quả.

Tuy nhiên theo TS Thịnh, vẫn chưa thể kết luận đó chính là DNA của sao la vì các loài thú có những đoạn gene tương đồng. “Sao la là loài mới phát hiện, chưa có nghiên cứu đầy đủ nên ngân hàng gene chưa có bộ gene mẫu. WWF đang tiếp tục cho thu thêm mẫu vắt. Chúng tôi đã thu được thêm 600 mẫu và đang làm thủ tục chuyển đi, dự kiến sẽ xét nghiệm ở Đại học Berlin, hy vọng sẽ khớp được đoạn gene còn lại” - TS Thịnh bày tỏ.

Trong trường hợp quần thể sao la ngoài tự nhiên không đủ khả năng tái tạo (dưới 4-6 cá thể cái, 1 cá thể đực trong một quần thể), phương pháp bảo tồn gây nuôi sinh sản sẽ được áp dụng. Theo TS Thịnh, các chuyên gia về bảo tồn sao la và về gây nuôi sinh sản, chăm sóc động vật hoang dã hàng đầu thế giới sẽ được tuyển chọn nhằm đảm bảo các cá thể sao la trong môi trường gây nuôi có cơ hội tốt nhất để tồn tại, sinh sản.

“Gây nuôi sinh sản là phương pháp bảo tồn sao la triệt để nhất. Khi triển khai, dự án sẽ được hỗ trợ bởi các vườn thú Frankfurt (Đức), San Francisco (Mỹ)” - TS Thịnh tiết lộ.

WWF vừa chọn ngày 9/7 là Ngày Quốc tế sao la, chính thức công bố dự án “Cứu sao la - đứa em cùng Đất Mẹ” - một chiến dịch cộng đồng giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia sâu rộng của xã hội nhằm bảo tồn sao la.