Quỹ dành cho khoa học của Indonesia không tìm được đủ kinh phí cho các dự án nghiên cứu mà họ đánh giá là xứng đáng nhận tài trợ.

Các nhà khoa học Indonesia mong đợi nhận được hàng trăm nghìn USD cho nghiên cứu của mình, trong khi cơ quan tài trợ khoa học đầu tiên của quốc gia này đang phải vật lộn để tìm kiếm các nguồn tài trợ, theo Nature.

Ngân sách quốc gia Indonesia chỉ đầu tư 0,08% GDP cho nghiên cứu khoa học mỗi năm. Ảnh: Reuters.
Ngân sách quốc gia Indonesia chỉ đầu tư 0,08% GDP cho nghiên cứu khoa học mỗi năm. Ảnh: Reuters.

Sau nhiều năm không đủ kinh phí nghiên cứu, các nhà khoa học đã rất vui mừng khi Quỹ Khoa học Indonesia (ISF) được thành lập vào tháng 3/2016. Cơ quan này do Viện Hàn lâm Khoa học Indonesia tại Jakarta quản lý.

Mục đích của ISF là thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đến tháng 5/2016, ISF bắt đầu nhận hồ sơ, theo đó các nhà khoa học có thể nhận khoản tài trợ trị giá đến 110.000 USD/năm trong vòng ba năm. Các nhà khoa học đã gửi 467 đề xuất trong các lĩnh vực như sức khoẻ và dinh dưỡng tới ISF.

Gần 18 tháng sau, ISF cho biết họ đã lựa chọn các dự án xứng đáng được tài trợ nhưng không có tiền để cung cấp cho các nhà nghiên cứu.

"Sự chậm trễ của ISF là rất đáng thất vọng. Tôi đang cố gắng tìm nguồn tài trợ nghiên cứu quốc tế. Nhưng chừng nào chúng tôi không nhận được sự từ chối chính thức từ ISF, chúng tôi sẽ không thể gửi đề xuất nghiên cứu đến các cơ quan tài trợ khác. Trong tình huống này, các nhà khoa học là những nạn nhân", một nhà nghiên cứu tại Jakarta yêu cầu được giấu tên cho biết.

Mặc dù ISF tìm kiếm tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các nhà hảo tâm và các nhà tài trợ nước ngoài, chính phủ Indonesia vẫn chuyển 3 triệu USD cho ISF trong năm đầu tiên thông qua Quỹ Hiến tặng cho Giáo dục Indonesia của Bộ tài chính. Quỹ Hiến tặng cũng đã ký một bản ghi nhớ với ISF, đồng ý cung cấp tiền cho cơ quan này trong 5 năm.

Teguh Rahardjo – giám đốc điều hành của ISF – cho biết, ISF đã nhận được lượng tiền mặt nói trên nhưng nó không đủ để hỗ trợ tất cả các chương trình tài trợ của ISF.

Trước đây, các nhà nghiên cứu Indonesia thường phải dựa vào nguồn kinh phí từ ngân sách quốc gia, vốn chỉ đầu tư 0,08% GDP vào nghiên cứu khoa học mỗi năm. Nhưng một số nhà khoa học cho rằng, quá trình mà các Bộ khác nhau trao tặng số tiền này cho các trường đại học hoặc trung tâm nghiên cứu không công khai và minh bạch.

ISF được thành lập để giải quyết những vấn đề này và hỗ trợ nghiên cứu dài hạn. Nó được lấy cảm hứng từ các cơ quan tài trợ cho khoa học ở những quốc gia khác, chẳng hạn như Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), và dựa vào đánh giá độc lập của hội đồng bình duyệt để cấp kinh phí nghiên cứu.