Tỷ lệ các bài báo khoa học có tác giả là người da đen, da màu hoặc gốc Ấn Độ trong giới học thuật Nam Phi đã tăng gần gấp 10 lần kể từ khi kết thúc chế độ apartheid, lên khoảng một phần ba, theo một báo cáo về xuất bản học thuật ở nước này.
Các nhà khoa học ở Đại học Cape Town ở Nam Phi. Ảnh: Nic Bothma/EPA/Shutterstock
Năm 2014, các học giả da đen là tác giả của 18% tài liệu nghiên cứu, học giả Ấn Độ chiếm 10% và học giả da màu chiếm 4%. Trong khi đó vào năm 1990, tất cả học giả của các nhóm trên chỉ đóng góp 3.5% tổng nghiên cứu của Nam Phi.
Nhưng lượng xuất bản học thuật của các học giả gia trắng vẫn áp đảo, vì Nam Phi vẫn đang vật lộn với những di sản của chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid đã tước quyền của hầu hết công dân nước này mà chỉ vừa kết thúc vào năm 1994. Mặc dù người da trắng chỉ chiếm 8% trong số 54 triệu dân trong nước, nhưng họ chiếm khoảng một nửa số bài đăng của các trường đại học.
Hệ thống này đang có sự thay đổi như kì vọng khi số lượng học giả trung bình khoảng hơn 1%/năm trong thập kỷ qua, theo Johann Mouton, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đánh giá, Khoa học và Công nghệ tại Đại học Stellenbosch, Nam Phi và cũng là người tham gia báo cáo được xuất bản bởi Viện Hàn lâm Khoa học Nam Phi.
John Mugabe, một chuyên gia về chính sách khoa học ở châu Phi và đang làm tại Đại học Pretoria tỏ ra tương đối lạc quan về sự gia tăng này. Ông cho rằng một phần là do sau năm 1994, các nhà khoa học Nam Phi da đen trở về sau một thời gian dài lưu vong ở nước ngoài, cũng như các trường đại học và hội đồng khoa học thu hút các nhà nghiên cứu da đen từ các quốc gia châu Phi khác. Số người Nam Phi da đen nhận bằng tiến sĩ và ở lại làm việc trong môi trường học thuật cũng đang tăng lên.
Nhưng Mugabe cũng lưu ý một xu hướng đáng lo ngại được tiết lộ trong báo cáo: tỉ lệ số công bố của các học giả trên 50 tuổi có xu hướng tăng lên - từ mức 18% năm 1990 lên 45% vào năm 2014. Số lượng các bài báo của những học giả dưới 40 tuổi chiếm ít hơn 1/3 số bài báo, và tỉ lệ này đã không tăng nhiều kể từ năm 2005. Nhìn chung, “nhiều tiến sĩ trẻ không làm công việc nghiên cứu mà đi đến khu vực doanh nghiệp và các cơ quan công”, ông Mugabe nói.
Tổng số công trình xuất bản có tác giả là các nhà khoa học Nam Phi đã tăng gấp đôi từ 7,230 năm 2005 lên 15,542 vào năm 2014; phần lớn là do một hệ thống khuyến khích được chính phủ đưa ra năm 2005, báo cáo này cho biết. Hệ thống này trao thưởng khoảng 7.000 usd cho các học giả hoặc các cơ sở nghiên cứu cho mỗi công trình đăng trên một tạp chí uy tín. Vài trường đại học trong số đó còn trả trực tiếp tới 50% số tiền đó cho tác giả.
Báo cáo cho thấy hệ thống trợ cấp này có thể trở thành một kiểu “khuyến khích ngược”, bởi nó thúc đẩy các học giả xuất bản càng nhiều báo cáo càng tốt, và thúc đẩy các hoạt động xuất bản “đáng nghi vấn” ở Nam Phi, chẳng hạn như xuất bản trên các tạp chí ngụy tạo - chỉ cần tác giả trả phí để được đăng bài mà không thực hành các thể lệ xuất bản thông thường như chế độ bình duyệt và ngày càng nhiều các biên tập viên và thành viên hội đồng biên tập tự xuất bản một loạt các công trình trên chính các tạp chí của mình, đặt ra vấn đề về xung đột lợi ích.
Trong một ví dụ của báo cáo, một học giả (giấu tên vì lý do pháp lý) đã xuất bản 113 bài báo trong một tạp chí từ năm 2005 đến 2014 mà chính học giả này là thành viên hội đồng biên tập và các công trình của ông còn được nhận tài trợ của chính phủ. Thậm chí chỉ trong một ấn phẩm, học giả này xuất bản tới 11 trên tổng số 15 bài báo.
Mouton nói rằng có thể hạn chế những cách làm này thông qua việc kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, các tổ chức học thuật ở Nam Phi từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt vốn kinh niên và càng ngày càng trầm trọng hơn do tăng trưởng kinh tế trì trệ. Mouton nhận xét rằng cho dù hệ thống trợ cấp chịu chỉ trích, nhưng vào thời điểm ngân sách nghiên cứu eo hẹp như vậy thì các trường đại học vẫn rất cần khoản tiền trợ cấp xuất bản lên tới 1,5 tỷ rand (100 triệu USD) này.