Một nỗ lực gắn thẻ vệ tinh để theo dõi cá voi sát thủ (cá kình) quý hiếm của các nhà khoa học thuộc Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) vừa dẫn tới cái chết cho một con cá kình quý hiếm dài gần 7m.
Vào hồi tháng 2 vừa qua, NOAA đã lên kế hoạch gắn thẻ vệ tinh cho một con cá voi sát thủ đực khoảng 20 tuổi, dài 6,71m có tên là L95 trong một quần thể có 83 cá thể. Điều này giúp Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ có thể giám sát những địa điểm mà bầy cá kình quý hiếm di cư đến vào mùa đông và tìm hiểu lý do khiến số lượng của loài cá quý hiếm này ngày càng sụt giảm.
Theo tờ National Geographic, các nhà khoa học đã dùng súng trường, đạn phi tiêu gắn thiết bị vệ tinh và chỉ cần một phát bắn là đã thành công trong việc gắn vệ tinh vào vây lưng của L95. Thế nhưng, sau đó không lâu, con cá voi sát thủ kể trên đã chết, xác của nó trôi dạt vào bờ biển gần biên giới giữa Mỹ - Canada.
Một con cá voi sát thủ quý hiếm có tên là L95 đã chết vì bị nhiễm trùng sau khi được gắn thẻ vệ tinh.
Cho đến hôm thứ Tư vừa qua, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của L95 là do nó bị nhiễm trùng quá nặng và nơi gây ra tình trạng này cho con cá voi sát thủ chính là chỗ được gắn thiết bị vệ tinh theo dõi. Điều này đã gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ đến từ các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã, cũng như những người yêu quý cá kình.
Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây với giới truyền thông, các nhà khoa học của NOAA đã lên tiếng thừa nhận về sai lầm của họ trong việc gắn thẻ vệ tinh dẫn đến cái chết của L95. Đồng thời, họ cũng tuyên bố đình chỉ công việc dùng súng trường để gắn thẻ cho cá voi quý hiếm và sẽ tìm ra cách thức gắn thẻ khác ít rủi ro hơn.
“Chúng tôi rất buồn khi sai lầm trong việc gắn thẻ vệ tinh đã dẫn tới cái chết của chú cá voi này.” - Brad Hanson, Giám đốc của Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ chia sẻ.
Trong khi đó, nhà khoa học và cũng là chuyên gia trong việc gắn thẻ vệ tinh theo dõi cá voi của NOAA - Alex Zerbini lại khẳng định: “Gắn thẻ vệ tinh đang là một biện pháp phổ biến và dễ dàng nhất giúp các nhà khoa học có thể theo dõi được số lượng, cũng như các hành vi sống thường ngày của cá voi. Thế nhưng, biện pháp này vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro, bởi không phải ai cũng có đầy đủ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật khi gắn thẻ.”
Quốc Bảo (theo NG)