Trung Quốc sắp ra mắt máy bay có thể chở 20 hành khách tới rìa vũ trụ, lớn nhất trong số các máy bay thương mại có chức năng tương tự tới nay.

trung-quoc-thiet-ke-may-bay-dua-hanh-khach-tham-quan-vu-tru

Thiết kế máy bay vũ trụ của Trung Quốc. Ảnh: HanPengxin.

Theo New Scientist, Viện Kỹ thuật Hàng không Trung Quốc số 1 tại Bắc Kinh đã thành công trong việc mở rộng thiết kế máy bay vũ trụ nguyên khối để mang được nhiều hành khách hơn lên tới rìa vũ trụ, nhà khoa học tên lửa Lui Haiguang tuyên bố tại Hội nghị du hành vũ trụ quốc tế IAC diễn ra từ ngày 26 đến 30/9 tại Guadalajara, Mexico.

Sản phẩm này của Trung Quốc phải cạnh tranh với nhiều đối thủ như SpaceShipTwo có thể chở 6 người của công tyhàng khôngvũ trụ Anh Virgin Galactic, hay thiết bị bay Lynx có thể chở hai người của công ty chế tạo động cơ tên lửa hàng không Mỹ XCOR, hoặc tàu vũ trụ dạng viên nang có thể mang theo 6 hành khách của công ty Mỹ Blue Origin.

Han Pengxin,trưởng nhóm nghiên cứu của Trung Quốc cùng cộng sự tin rằng sản phẩm này có tính cạnh tranh cao vì nó có sức chứa lớn, đáp ứng nhu cầu bay vào vũ trụ đang gia tăng của người dân.

Máy bay này là một tên lửa có cánh có khả năng tự bay lên bằng động cơ của chính nó, khác với Space Ship Two cần được đưa lên cao trước khi sử dụng tên lửa của mình.

"Máy bay sẽ cất cánh thẳng đứng như một tên lửa và tự động hạ cánh xuống đường băng mà không cần có sự can thiệp từ trên máy bay hay dưới mặt đất", Han cho biết. "Nó sẽ sử dụng nhiên liệu methane và oxy lỏng".

Nhóm của Han có hai phiên bản máy bay. Chiếc thứ nhất nặng 10 tấn, có sải cánh 6m, có thể mang 5 người, tăng tốc tối đa lên Mach 6 (7408 km/h) khi đạtđộ cao 100km, chạm tới rìa vũ trụ. Khi lên độ cao này, nó sẽ tắt động cơ và duy trì trạng thái không trọng lượng trong hai phút, sau đó hạ cánh xuống Trái Đất.

Phiên bản mở rộng có khối lượng lên tới 100 tấn, sải cánh 12m, có thể đem theo 20 người lên độ cao 130km, đạt vận tốc tối đa Mach 8 (9878 km/h) và duy trì 4 phút ở trạng thái không trọng lượng. Phiên bản này có có thể giúp đưa vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo, với sự trợ giúp của một tên lửa nhỏ gắn trên đầu máy bay. Họ cũng có ý định chế tạo các máy bay có thể sử dụng nhiều lần, khoảng 50 lần bay.

trung-quoc-thiet-ke-may-bay-dua-hanh-khach-tham-quan-vu-tru-1

Sơ đồ hành trình chuyến bay ra vũ trụ của máy bay Trung Quốc.Ảnh: Pengxin Han.

"Các chuyến bay thử nghiệm sẽ được tiến hành trong hai năm tiếp theo, do hầu hết các bài kiểm tra dưới mặt đất đã xong, và mọi hệ thống của máy bay đều hoạt động rất tốt", Han cho biết.

Ông dự đoán máy bay sẽ có thể dùng để chở hàng từ năm 2020 và chở người sau khi được đánh giá đủ an toàn, với chi phí mỗi chuyến từ 200.000 đến 250.000 USD.

Tuy nhiên, một số người hoài nghi về tính khả thi của dự án."Điều đáng ngờ nhất là họ cho rằng có thể đưa 20 người lên độ cao hơn 100km chỉ bằng một tên lửa mà không cần tàu mẹ và tách tầng lên lửa, lại tái sử dụng tới 50 lần",Roger Launius, chuyên gia Cơ quan hàng không và Bảo tàng không gian quốc gia Mỹ có trụ sở tại Smithsonian, Washington,nói. "Họ cũng không giải thích được chi tiết quá trình thiết kế và lắp ráp".

"Vẽ trên giấy và tưởng tượng luôn dễ dàng hơn chế tạo và vận hành tàu vũ trụ", ông nhận xét.