Nỗi sợ ám ảnh về những thứ đáng sợ do con người tạo ra, một ngày nào đó sẽ quay trở lại đối phó chính con người đã không còn mới mẻ. Nhưng khi một nhà khoa học vũ trụ hàng đầu, một doanh nhân tại thung lũng Silicon và nhà sáng lập Microsoft – những người chắc chắn không phải kẻ bài trừ công nghệ, giờ đây lại cùng chung tiếng nói phản đối các chính sách đầu tư vào AI mà các công ty lớn như Google hay Microsoft đang theo đuổi, thì có lẽ vấn đề đang trở nên nghiêm trọng. Câu hỏi lúc này là làm như thế nào để lo lắng một cách khôn ngoan nhất.
Ngài dạy ta ngôn ngữ và …
Đầu tiên chúng ta cần hiểu những gì máy tính có thể làm hiện tại và những gì nó có khả năng làm trong tương lai. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của sức mạnh xử lý và hệ thống dữ liệu sẵn có khổng lồ, AI đang thực sự bùng nổ hết công suất. Hệ thống “Deep learning” – bằng việc bắt chước cấu trúc các nơ-tron thần kinh trong não bộ và “nghiền” lượng dữ liệu lớn; đã có thể tự dạy chính nó thực hiện các công việc, từ nhận diện khuôn mặt đến dịch thuật – hầu hết những gì con người có thể làm. Và kết quả là, một thứ tương tự với trí thông minh – có thể phiên dịch hình ảnh đến chơi game – tồn tại ngay trong phạm vi một chương trình máy tính. DeepFace, một thuật toán của Facebook được lập trình năm 2014 có thể nhận diện chính xác gương mặt ngay lập tức với độ chính xác lên đến 97%.
Ngày nay, AI đã đủ mạnh để tạo ra những khác biệt đáng kể trong cuộc sống nhân loại. Máy tính hiện nay có thể chơi cờ giỏi hơn con người. Kỳ thủ giỏi nhất thế giới được Garry Kasparov1 gọi là “Nhân mã” – một dạng tổ hợp “lai” giữa con người và các thuật toán. Và những tổ hợp như vậy sẽ có mặt trong tất cả các lĩnh vực, ví dụ các bác sĩ với sự trợ giúp của AI có thể chẩn đoán chính xác hơn bệnh ung thư qua hình ảnh y học; thuật toán nhận diện giọng nói tích hợp trong điện thoại thông minh sẽ mang internet tới cho hàng triệu người mù chữ ở các quốc gia đang phát triển; trợ lý kỹ thuật số sẽ là giả thuyết đầy hứa hẹn cho nghiên cứu khoa học;…
Nhìn vào thực tế thì dẫu là trong ngắn hạn, không phải mọi thứ AI đem tới đều tích cực. Hãy thử hình dung về sức mạnh mà AI mang lại cho hệ thống máy móc an ninh quốc gia: năng lực kiểm soát hàng tỷ cuộc hội thoại, khả năng nhận diện một cá nhân trong đám đông chỉ bằng giọng nói hoặc ảnh chụp chân dung họ. Đây thực sự là mối đe dọa đối với sự tự do.
Robot Sophia với quyền công dân Arab Saudi trong ngày hội Đổi mới Sáng tạo ở Nepal, 2018. Nguồn: Reuters
Và kể cả khi mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, thì nhiều người khác cũng trở thành nạn nhân của AI. Từ “máy tính” ban đầu để là chỉ những nô bộc, thường là phụ nữ, thực hiện các công việc tính toán thay cho chủ của họ. Ngày nay, AI đang thay thế công việc của những người công nhân cổ trắng2. Giáo dục và đào tạo với sự trợ giúp của AI sẽ kiến tạo một trường phái giáo dục mới.
Tuy nhiên, sự giám sát hay xáo trộn lại không phải những gì mà Hawking, Musk hay Gates lo ngại, nó cũng không phải điều truyền cảm hứng cho các bộ phim về AI tương lai mà Hollywood vẫn trình chiếu. Những quan ngại của họ thực sự xa vời bởi những sinh vật với trí thông minh nhân tạo hãy còn cách chúng ta rất xa, và gần như là chúng ta vẫn chưa có khả năng tạo ra những sinh vật đầy quyền năng như vậy.
Trên thực tế, cho dù đang sống ở thế kỷ có nhiều công cụ để “xâm nhập” và tìm hiểu não bộ thì các nhà tâm lý học, thần kinh học, xã hội học và cả triết học vẫn cần đi cả chặng đường dài để hiểu được cách thức một trí tuệ được hình thành như thế nào. Và trong lĩnh vực kinh doanh thì cũng không có kỳ vọng mua bán những phiên bản AI có khả năng tự chủ và sở thích riêng biệt bởi mọi người có thể thích một chiếc xe tự lái tốt nhưng không chắc đã muốn sở hữu một chiếc xe tự quyết định nó muốn đi đâu.
… và ta biết cách nguyền rủa ngài 3
Dù viễn cảnh về dạng AI “trọn vẹn” theo cách gọi của Hawking vẫn còn cách chúng ta rất xa nhưng con người cũng cần chuẩn bị “đối phó” một cách khôn ngoan. Có thể là điều này sẽ diễn ra dễ dàng hơn chúng ta vẫn tưởng tượng, bởi ít nhất là chúng ta đã đủ khả năng tạo ra những thực thể biết tư duy một cách độc lập và quyền năng siêu hạng thì chúng ta cũng có thể có cách đối phó chúng. Điều đó xuất phát từ thực tế: các cơ quan chính phủ, lực lượng quân đội hay thậm chí cả thị trường đều có khả năng thực hiện rất nhiều việc mà các cá nhân đơn lẻ không thể làm được.
Những ưu việt về khả năng tổ chức, thiết lập mạng lưới cộng tác, đề ra những quy tắc vận hành bộ máy tổ chức có thể làm xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng ta, qua đó hé lộ cách làm để chúng ta có thể phát triển AI một cách an toàn. Cũng giống như sự giám sát dân sự với quân đội, cần điều chỉnh bằng quy tắc với thị trường và đem lại sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý các tổ chức xã hội, chúng ta cần mở các hệ thống AI để có thể giám sát chúng.
Do người tạo ra AI không thể tiên đoán được mọi khả năng có thể xảy ra nên cần một quy tắc mang tính nền tảng để quản lý mà không kìm hãm sự sáng tạo của con người khi tạo ra chúng. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm tương tự trong lịch sử, từ chế tạo bom hạt nhân đến các quy tắc giao thông, và chúng ta đã khéo léo áp dụng các biện pháp pháp lý để hạn chế những đổi mới có thể mang đến rủi ro.
Bóng ma về một trí tuệ phi nhân tính là có thật, nhưng không ai có thể phủ nhận những lợi ích to lớn đến từ bình minh của AI.
Chú thích
1 Garry Kimovich Kasparov là siêu đại kiện tướng cờ vua người Nga và là nhà vô địch thế giới giai đoạn 1985-2000 (Wikipedia).
2 “Công nhân cổ trắng” chủ yếu chỉ các nhân viên lao bằng bằng trí óc như nhân viên kỹ thuật, nhân viên y tế, nhân viên quản lý và những người nắm được kỹ thuật phức tạp thao tác trên nút bấm, bảng điều khiển,… (Wikipedia).
3 “You taught me language, and my profit on’t is Iknow how to curse”: Lời thoại của nhân vật Caliban nói với Prospero trong vở kịch The Tempest của Shakespeare. Caliban được Prospero dạy ngôn ngữ nhưng hắn lại mang ý đồ xấu xa muốn hại lại Prospero.