Các nhà khoa học tại ĐH Harvard đã thực hiện một dự án nghiên cứu kéo dài 80 năm nhằm tìm kiếm chìa khóa để có được một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Dự án rồi đây sẽ tiết lộ nhiều điều hơn nữa nhờ sự tham gia của những nhà khoa học trẻ và con cháu của những đối tượng nghiên cứu đầu tiên.

Năm 1938, giữa thời kỳ Đại Suy thoái, dự án Nghiên cứu Grant - một dự án đầy tham vọng đã bắt đầu. Các nhà khoa học tại trường ĐH Harvard quyết định theo dõi sức khỏe của 268 sinh viên năm thứ hai của trường nhằm tìm hiểu bí quyết để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Nghiên cứu đã đi xa hơn họ tưởng

Gần 80 năm sau đó, các nhà khoa học thế hệ sau đã gặp lại 268 sinh viên này để tiếp nối nghiên cứu, thu thập một lượng lớn dữ liệu về sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Là một phần của chương trình Nghiên cứu Harvard về Sự phát triển của Người trưởng thành, đây được xem là một trong những nghiên cứu dài nhất thế giới trong lĩnh vực này.

Giờ đây, chỉ 19 người còn sống, tất cả đều đã xấp xỉ 95. Trong số những người tham gia có Tổng thống John F. Kennedy và biên tập viên thâm niên của Washington Post Ben Bradlee (Dự án không có sinh viên nữ vì lúc bấy giờ trường chỉ tuyển nam giới).

Về sau, các nhà khoa học cuối cùng đã mở rộng nghiên cứu để khảo sát con cái của các sinh viên - hiện có 1.300 người và đang ở độ tuổi 50 và 60, nhằm tìm hiểu xem những năm tháng đầu đời ảnh hưởng đến sức khỏe và sự lão hóa theo thời gian như thế nào. Một số người nay đã trở thành doanh nhân thành đạt, bác sĩ, luật sư, nhưng cũng có những người lâm vào cảnh nghiện ngập hoặc bị tâm thần phân liệt.

Trong suốt hàng chục năm qua, các nhà khoa học đã liên tục mở rộng đối tượng nghiên cứu. Vào thập niên 1970, 456 cư dân nội thành Boston đã tham gia dự án Nghiên cứu Glueck. Hiện tại, 40 người trong số họ vẫn còn sống. Hơn một thập kỷ trước, các nhà khoa học đã bắt đầu tính toán đưa thêm các bà vợ vào hai dự án Nghiên cứu Grant và Nghiên cứu Glueck.

Suốt nhiều năm, nhóm nghiên cứu đã theo dõi tình hình sức khỏe của những người tham gia và cuộc sống của họ, bao gồm cả những thành công và thất bại trong sự nghiệp lẫn hôn nhân, từ đó có được những phát hiện đáng ngạc nhiên.

Các nhà nghiên cứu cho biết vì quá trình lão hóa bắt đầu từ khi sinh ra, nên mọi người nên quan tâm chăm sóc bản thân ở mọi giai đoạn của cuộc đời.

“Một phát hiện gây sửng sốt, đó là các mối quan hệ của chúng ta và mức độ hạnh phúc của chúng ta trong các mối quan hệ đó đã tác động mạnh mẽ lên sức khỏe của chúng ta”, GS Robert Waldinger, giám đốc nghiên cứu, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và cũng là chuyên gia tâm thần học tại Trường Y Harvard, cho biết. “Không chỉ chăm sóc cơ thể, mà chăm sóc cả các mối quan hệ đang có cũng là một hình thức chăm sóc bản thân”.

Nghiên cứu tiết lộ rằng các mối quan hệ gắn bó là yếu tố giúp con người được hạnh phúc trong suốt cuộc đời - hơn cả tiền bạc hay danh vọng. Những mối quan hệ bền chặt ấy bảo vệ con người khỏi những khổ đau trong cuộc sống, giúp trì hoãn tình trạng suy giảm về sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, đồng thời là những yếu tố dự đoán chính xác hơn về tuổi thọ và mức độ hạnh phúc. Những yếu tố khác như địa vị xã hội, chỉ số IQ hay thậm chí là gene đều không thể sánh bằng. Nhóm nghiên cứu đã chứng thực phát hiện trên với cả những người đàn ông ở Đại học Harvard và những tình nguyện viên sống tại Boston.

Lão hóa là quá trình không ngừng nghỉ


Nhờ nguồn tài trợ từ các tổ chức tư nhân, Viện Y tế Quốc gia (NIH) thông qua Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia và gần đây là thông qua Viện Lão hóa Quốc gia, nhóm nghiên cứu đã có thể duy trì được một dự án dài hạn, tiêu tốn nhiều tiền bạc và công sức.

Các nhà khoa học đã thu thập và phân tích dữ liệu từ một bộ hồ sơ y tế khổng lồ và hàng trăm cuộc phỏng vấn trực tiếp, bảng câu hỏi. Nhờ đó, họ đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa cuộc sống viên mãn của người đàn ông và mối quan hệ của họ với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Một số nghiên cứu cho thấy mức độ hài lòng của một người đối với các mối quan hệ của họ ở tuổi 50 là một yếu tố dự báo về sức khỏe thể chất của họ - hiệu quả hơn so với mức cholesterol.

GS. Robert Waldinger, giám đốc nghiên cứu, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và cũng là chuyên gia tâm thần học tại Trường Y Harvard, cùng với vợ ông, Jennifer Stone. Ảnh: Rose Lincoln/Harvard
GS. Robert Waldinger, giám đốc nghiên cứu, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và cũng là chuyên gia tâm thần học tại Trường Y Harvard, cùng với vợ ông, Jennifer Stone. Ảnh: Rose Lincoln/Harvard

“Khi chúng tôi tập hợp mọi thứ chúng tôi biết về họ ở độ tuổi 50, mức cholesterol không dự đoán được quá trình lão hóa của họ,” Waldinger chia sẻ trong một bài nói chuyện tại TED Talk vào năm 2015. “Mức độ hài lòng của họ trong các mối quan hệ mới là yếu tố cốt lõi. Những người có mức độ hài lòng cao nhất trong các mối quan hệ của họ ở tuổi 50 là những người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80”.

Bài nói chuyện có tiêu đề “Điều này giúp tạo nên một cuộc sống tốt đẹp? Những bài học từ Nghiên cứu dài nhất về Hạnh phúc” tại TED Talk của ông ghi nhận 13 triệu lượt xem.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự hài lòng trong hôn nhân cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe tinh thần của con người. Một phần của nghiên cứu cho thấy những người có cuộc hôn nhân viên mãn, bền lâu ở độ tuổi 80 chia sẻ rằng tâm trạng của họ không bị ảnh hưởng ngay cả vào những ngày họ phải chịu nhiều nỗi đau về thể xác. Ngược lại, những người có một cuộc hôn nhân bất hạnh cảm thấy đau đớn hơn cả về thể xác và tinh thần.

Waldinger cho rằng những người duy trì được các mối quan hệ thân thiết sẽ sống lâu hơn và hạnh phúc hơn, còn những người cô đơn thường ra đi sớm hơn. “Hệt như hút thuốc hoặc nghiện rượu, nỗi cô đơn đẩy ta về phía tử thần”, ông nhận định.

Theo nghiên cứu, những người sống lâu hơn và có sức khỏe tốt thường tránh lạm dụng thuốc lá và rượu bia. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng những người nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng thường ít bị suy giảm tinh thần hơn khi họ già đi.

Trong một phần của nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy những phụ nữ cảm thấy an tâm về bạn đời của họ sẽ ít bị trầm cảm và hạnh phúc hơn trong mối quan hệ sau hai năm rưỡi, đồng thời cũng có khả năng ghi nhớ tốt hơn so với những người thường xuyên xung đột, cãi vả trong hôn nhân.

“Những mối quan hệ tốt đẹp không chỉ bảo vệ cơ thể, mà còn bảo vệ bộ não của chúng ta,” Waldinger tiết lộ. “Tất nhiên không phải lúc nào một cuộc hôn nhân suôn sẻ cũng toàn màu hồng. Một số cặp vợ chồng trên 80 tuổi có thể cãi nhau từ ngày này qua ngày khác, nhưng miễn là họ cảm thấy rằng mình thực sự có thể tin tưởng vào đối phương khi gặp khó khăn, thì những cuộc tranh cãi đó không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của họ”.

Các nhà nghiên cứu cho biết vì quá trình lão hóa bắt đầu từ khi sinh ra, nên mọi người nên quan tâm chăm sóc bản thân ở mọi giai đoạn của cuộc đời.

“Lão hóa là một quá trình liên tục không ngừng nghỉ”, Waldinger giải thích. “Bạn có thể nhận ra sức khỏe của mình bắt đầu thay đổi như thế nào ở độ tuổi 30, do đó, bằng cách chăm sóc tốt cho bản thân ngay từ giai đoạn đầu đời, bạn có thể đặt mình vào một lộ trình lão hóa tích cực hơn. Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể đưa ra là ‘Hãy chăm sóc cơ thể của bạn như thể bạn sẽ cần nó trong 100 năm’, bởi vì bạn có thể sẽ sống đến độ tuổi đó thật”.

Phát triển theo dòng lịch sử


Cũng giống như những đối tượng được nghiên cứu, bản thân dự án cũng đã trải qua một quãng thời gian dài với bốn đời giám đốc. Do đó, dự án sẽ có cách thức làm việc khác nhau trong mỗi nhiệm kỳ, tùy theo sở thích và quan điểm y tế của người đứng đầu trong nhiệm kỳ đó.

Dưới sự chỉ đạo của giám đốc đầu tiên, Clark Heath, người giữ chức từ năm 1938 đến năm 1954, nghiên cứu phản ánh quan điểm chủ đạo của thời đại về di truyền học và thuyết định mệnh sinh học. Các nhà nghiên cứu tin rằng thể chất, trí tuệ và đặc điểm tính cách quyết định sự phát triển của người trưởng thành. Họ đã thực hiện các phép đo nhân trắc học chi tiết về hộp sọ, cung mày và nốt ruồi, ghi chép chi tiết về hoạt động của các cơ quan chính, kiểm tra hoạt động của não thông qua điện não đồ và thậm chí phân tích chữ viết tay của người tham gia.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu lấy máu của người tham gia để xét nghiệm DNA và đưa chúng vào máy quét MRI để kiểm tra các cơ quan và mô trong cơ thể họ - nếu các nhà khoa học năm 1938 nghe được quy trình này, họ sẽ nghĩ nó chỉ có trong một bộ phim khoa học viễn tưởng. Nói cách khác, bản thân nghiên cứu này là minh chứng sống động về những thay đổi khoa học trong suốt tiến trình lịch sử.

Bác sĩ tâm thần George Vaillant giữ chức giám đốc nghiên cứu từ năm 1972 đến năm 2004. Với chuyên môn về phân tâm học, Vaillant chú trọng đến vai trò của các mối quan hệ. Ông dần nhận ra tầm quan trọng của chúng để có được một cuộc sống bình an.

Trong một cuốn sách, Vaillant đã viết rằng sáu yếu tố quyết định sức khỏe tinh thần và thể chất khi về già của những người sinh viên ĐH Harvard: hoạt động thể chất, không lạm dụng rượu bia và thuốc lá, có phương thức hiệu quả nhằm đối phó với những thăng trầm của cuộc sống, có cơ thể khỏe mạnh và cuộc hôn nhân ổn định. Đối với cư dân Boston, giáo dục là một yếu tố bổ sung.

Nghiên cứu của Vaillant nhấn mạnh vai trò của các yếu tố này trong quá trình lão hóa tích cực. Càng đáp ứng được những yếu tố trên thì người tham gia càng có khả năng sống thọ và hạnh phúc. “Khi nghiên cứu bắt đầu, không ai quan tâm đến sự đồng cảm hay sự gắn bó”, Vaillant cho biết. “Nhưng chìa khóa để lão hóa tích cực nằm ở các mối quan hệ, các mối quan hệ và các mối quan hệ”.

Nghiên cứu cho thấy di truyền học không tác động nhiều đến tuổi thọ bằng mức độ hài lòng với các mối quan hệ ở tuổi trung niên. Nghiên cứu cũng bác bỏ ý kiến ​​cho rằng tính cách của con người đã được định hình vững vàng ở tuổi 30 và không thể thay đổi.

“Những người trông có vẻ khá nhàm chán khi họ 20 hoặc 25 tuổi hóa ra về sau lại là những cụ lão 80 tuổi tuyệt vời”, ông mô tả. “Mặt khác, chứng nghiện rượu và chứng trầm cảm nặng có thể khiến những người bắt đầu cuộc đời như những ngôi sao sẽ kết thúc cuộc đời như một xác tàu đắm”.

Giám đốc thứ tư của nghiên cứu, Waldinger đã mở rộng nghiên cứu sang vợ và con của những người tham gia ban đầu. Đây mới chỉ là nghiên cứu thế hệ thứ hai, và Waldinger hy vọng sẽ nối dài nó sang thế hệ thứ ba và thứ tư. Ông cho biết thêm rằng vẫn còn rất nhiều điều cần tìm hiểu.
“Chúng tôi đang cố gắng xem mọi người kiểm soát các cơn căng thẳng như thế nào, liệu cơ thể của họ có bật sẵn chế độ ‘chiến-hay-chạy’ (phản ứng căng thẳng cấp tính) hay không”, Waldinger phân tích. “Chúng tôi muốn tìm hiểu làm thế nào mà một tuổi thơ nhọc nhằn có thể để lại dư âm đến mức tàn phá cơ thể ở tuổi trung niên và cả về sau”.

Lara Tang, một chuyên gia về sinh học tiến hóa và con người, người mới tham gia nhóm với vai trò là trợ lý nghiên cứu, tỏ ra phấn khích khi có cơ hội tham gia hành trình tìm kiếm câu trả lời. Cô ấy đã tham gia dự án sau khi xem bài nói chuyện TED Talk của Waldinger trong một lớp học.

“Điều này đã khơi gợi trong tôi niềm ham mê nghiên cứu thêm về sự phát triển của người trưởng thành,” Tang giải thích. “Tôi muốn xem những trải nghiệm thời thơ ấu ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và hạnh phúc sau này trong cuộc sống”.

Khi được hỏi đã rút ra được những bài học gì từ quá trình nghiên cứu, Waldinger tiết lộ rằng ông duy trì thói quen thực hành thiền định mỗi ngày và đầu tư thời gian cũng như năng lượng vào các mối quan hệ của mình nhiều hơn trước.

“Tôi đã từng cô lập bản thân, bị cuốn vào vòng xoáy công việc mà không nhận ra “Ồ, lâu rồi mình không gặp những người bạn này,” Waldinger chia sẻ. “Do đó tôi đã quan tâm đến những mối quan hệ của mình nhiều hơn so với trước đây”.

Bài viết Good genes are nice, but joy is better - The Harvard Gazette