Các bác sĩ phẫu thuật đã gắn thận lợn vào một người đã chết và theo dõi nó bắt đầu hoạt động, một bước nhỏ trong hướng nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ: sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép cứu sống con người.

Lợn là trọng tâm của hướng nghiên cứu nhằm giải quyết tình trạng thiếu nội tạng này, nhưng một loại đường trong tế bào của chúng, vốn lạ với cơ thể con người, gây ra sự đào thải nội tạng ngay lập tức. Quả thận sử dụng trong thí nghiệm này đến từ một loài con lợn đã được chỉnh sửa gen, để loại bỏ lượng đường đó và tránh sự tấn công của hệ thống miễn dịch và đào thải nội tạng.

Các bác sĩ phẫu thuật đã gắn quả thận lợn vào một người đã chết và quan sát nó trong hai ngày. Thận đã làm những gì nó phải làm - lọc chất thải và sản xuất nước tiểu - và không xuất hiện sự đào thải nội tạng. Tiến sĩ Robert Montgomery, người dẫn đầu nhóm phẫu thuật tại NYU Langone Health ở thành phố New York cho biết: “Nó có chức năng hoàn toàn bình thường, không bị đào thải.”

Hình minh họa. Nguồn:Joe Carrotta/AP

Nghiên cứu này là “một bước tiến quan trọng”, Tiến sĩ Andrew Adams, thuộc trường Y - Đại học Minnesota, người không tham gia nghiên cứu này, cho biết.

Giấc mơ cấy ghép từ động vật sang người có từ thế kỷ 17, với những nỗ lực đầu tiên sử dụng máu động vật, nhưng không thành công. Vào thế kỷ 20, các bác sĩ phẫu thuật đã cố gắng cấy ghép nội tạng từ khỉ đầu chó vào người, một trẻ sơ sinh sắp chết đã từng sống được 21 ngày với trái tim khỉ đầu chó.

Nhưng hướng nghiên cứu này chưa có thành công lâu dài và gây nhiều ồn ào dư luận. Các nhà khoa học đã chuyển hướng từ động vật linh trưởng sang lợn, nghiên cứu chỉnh sửa gen của lợn để thu hẹp khoảng cách giữa các loài.

Lợn có lợi thế hơn khỉ và vượn. Chúng được sản xuất để làm thực phẩm, vì vậy việc sử dụng chúng để lấy các cơ quan nội tạng ít gây ra các lo ngại về đạo đức hơn. Lợn có lứa đẻ lớn, thời gian mang thai ngắn và nội tạng tương đương với người. Van tim lợn cũng đã được sử dụng thành công trong nhiều thập kỷ ở người. Heparin làm loãng máu có nguồn gốc từ ruột lợn. Ghép da lợn được sử dụng trên vết bỏng và các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc đã sử dụng giác mạc lợn để phục hồi thị lực ở người.

Trong nghiên cứu mới của NYU, các nhà nghiên cứu đã giữ thi thể của một người phụ nữ đã qua đời sau khi gia đình cô ấy đồng ý với cuộc thử nghiệm. Người phụ nữ qua đời đã mong muốn được hiến nội tạng của mình, nhưng chúng không phù hợp với hình thức hiến tặng truyền thống.

Một số công ty công nghệ sinh học đang nỗ lực phát triển các cơ quan nội tạng lợn phù hợp để cấy ghép nhằm giúp giảm bớt tình trạng thiếu nội tạng ở người. Hơn 90.000 người ở Mỹ đang xếp hàng để được ghép thận. Mỗi ngày, 12 người chết trong khi chờ đợi.

Revivicor, một công ty con của United Therapeutics, là công ty đã tạo ra con lợn có thận sử dụng trong thử nghiệm mới. Những người anh em họ của con lợn này, một đàn lợn 100 con được nuôi trong điều kiện được kiểm soát chặt chẽ tại một cơ sở ở Iowa, Mỹ. Những con lợn này được chỉnh sửa để không có gen sản xuất alpha-gal, loại đường gây ra sự đào thải ngay lập tức từ hệ thống miễn dịch của con người.

Vào tháng 12, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt việc chỉnh sửa gen ở lợn của Revivicor là an toàn để làm thực phẩm và thuốc cho con người. Nhưng FDA cho biết các nhà phát triển sẽ cần phải thực hiện thêm nhiều thủ tục trước khi nội tạng lợn có thể được cấy ghép vào người sống.

Giám đốc điều hành của United Therapeutics, Martine Rothblatt cho biết: “Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa lời hứa về việc cấy ghép khác loài, sẽ cứu sống hàng nghìn người mỗi năm trong tương lai không xa”.

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2021/oct/20/pig-kidney-animal-human-transplant-us-trial