Belarus - quốc gia nằm ở giao điểm châu Âu và châu Á với khoảng 10 triệu dân, đã ưu tiên phát triển nền kinh tế số với mục tiêu đưa đất nước này trở thành quốc gia công nghệ cao.

Phát triển kinh tế dựa vào khoa học

Khoa học Belarus được hưởng nhiều thành quả từ thời kỳ Xô viết. Sau khi tách ra và tuyên bố độc lập vào năm 1991, Belarus tập trung vào phát triển các lĩnh vực thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử nano, quang tử…, tuy nhiên chiến lược phát triển vẫn còn chưa rõ ràng và hiệu quả đạt được ở các lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa như mong muốn, ví dụ công nghệ sinh học vẫn còn thua xa nhiều quốc gia trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo Belarus hiểu rằng, muốn phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế số, cần dựa vào nền tảng cơ bản là KH&CN và việc đầu tư cho nó cần phải được hoạch định dài hơi. Vì thế, vào tháng 12/2017, tại hội nghị Các nhà khoa học lần thứ 2 ở Minsk, chiến lược KH&CN 2018-2040 đã được soạn thảo với mục tiêu: định hình tương lai của nền khoa học và kinh tế Belarus. Trả lời BelTA - hãng thông tấn hàng đầu Belarus, bên lề hội nghị, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Belarus Vladimir Gusakov cho rằng, việc thực thi hiệu quả chiến lược này sẽ “đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế tri thức và một Belarus tri thức” cũng như khả năng hội nhập với những trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới.

Thủ tướng Belarus Andrei Kobyakov (ngoài cùng bên trái) đến thăm Khu công nghệ cao. Nguồn: Belarusian news

Chiến lược đã được soạn thảo trên cơ sở phân tích các xu hướng phát triển công nghệ mới, đánh giá các chiến lược phát triển dài hạn của các nền khoa học tiên tiến và các đề xuất từ nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học trên khắp đất nước. Bản dự thảo chiến lược đã được đưa lên internet để mong có được những ý kiến đóng góp thông qua các cuộc thảo luận công khai. Bản thân hội nghị các nhà khoa học Belarus cũng được tổ chức theo lối mở: cùng với 2.000 nhà khoa học Belarus là 500 nhà khoa học và nhà quản lý khoa học từ nhiều trung tâm nghiên cứu quốc tế.

Dựa trên những đề xuất, đặc biệt tham khảo từ những chiến lược của một số quốc gia như “Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) của Đức hay “Xã hội 5.0” (Society 5.0) của Nhật Bản, “Belarus tri thức” đã được định hình với sự tập trung vào các công nghệ số trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng và xây dựng, đủ khả năng tạo ra một phức hợp “công nghiệp mới” và một “xã hội tri thức cao”. Vì sao lại chọn những ngành này? Ông Vladimir Gusakov lưu ý, Belarus cần “thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực và các hoạt động được dự báo sẽ không chỉ tạo ra chất lượng mới trong các quy trình sản xuất mà còn là những nơi có các liên kết đa ngành và liên ngành trong sản xuất, và có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về KH&CN tiến bộ bậc nhất của thế giới”.

Chiến lược này có ba giai đoạn quan trọng: đến 2020, 2030 và 2040. Ông Vladimir Gusakov giải thích: “Tại giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ cố gắng đạt được những vấn đề mang tính nền tảng; giai đoạn 2 sẽ là hoàn thành số hóa các lĩnh vực công nghiệp truyền thống, phác thảo lợi thế của những lĩnh vực kinh tế quan trọng; giai đoạn 3 tập trung vào xây dựng năng lực trong các phân khúc mục tiêu của nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức”.

Mục tiêu lớn nhất của chiến lược là có được các ngành mới vào năm 2040, tương ứng với ý tưởng “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, điều đó có nghĩa là nông nghiệp phải dựa trên khái niệm “nông nghiệp chính xác”, y tế phải dựa trên y học cá thể hóa hay xây dựng là tạo ra được các tòa nhà thông minh. Đi kèm với những ngành kinh tế này, các nhà khoa học muốn Belarus có được những đột phá công nghệ trong robot và cơ điện tử, năng lượng tương lai, công nghiệp sinh học và nano, công nghệ vũ trụ, công nghệ phụ trợ, vật liệu composit thông minh và công nghệ môi trường.

Vậy yếu tố khoa học trong chiến lược này là gì? Trong giai đoạn đầu (2018-2020), việc hiện đại hóa các lĩnh vực công nghiệp truyền thống sẽ dựa trên những nền tảng của phát triển công nghệ cao. Khi đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thực hiện các dự án trong những lĩnh vực ưu tiên được chính phủ chấp thuận đầu tư. Song song với đó là việc cập nhật những tiêu chuẩn mới, những quy định mới trong ngành giáo dục để kịp thời có được nguồn nhân lực, chuẩn bị cho hai giai đoạn tiếp theo.

Vào giai đoạn 2 (2021-2030), một nền tảng kinh tế và tổ chức cho một nền kinh tế phát triển cân bằng hơn được thành lập. Nền kinh tế này cần được hiện đại hóa về mặt cấu trúc và công nghệ nhằm loại bỏ sự hỗ trợ của chính phủ với những tổ chức và công ty nhà nước không có lợi nhuận – điều này đặc biệt quan trọng với Belarus, nơi vẫn còn có sự bao cấp của chính phủ với một số tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ cao và nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn này, các nhà khoa học và các tổ chức khoa học cần gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tăng cường sự đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm công nghệ đã được định hình ở giai đoạn đầu.

Ở giai đoạn 3 (2031 – 2040), cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao đã sẵn sàn cho sự phát triển của các phân khúc trong nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức, qua đó đưa Belarus bước vào top đầu toàn cầu. Các nhà khoa học hy vọng, những lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên chiếm 10% trong cấu trúc nền kinh tế, chiếm 25% sản lượng các sản phẩm đổi mới sáng tạo các lĩnh vực như công nghệ nano, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ không gian (năm 2016 tỷ lệ đã là 16,3%), 30% các nghiên cứu mang tính đột phá của đất nước.

Những thách thức cần vượt qua

Khi đưa ra chiến lược này, Belarus cũng nhìn thấy những vấn đề tồn tại trong KH&CN đất nước, một trong số đó là hệ thống các tổ chức KH&CN theo kiểu Xô viết cũ kỹ, ví dụ phần lớn các hoạt động nghiên cứu vẫn diễn ra tại các viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Belarus, các trường đại học chỉ tập trung vào giảng dạy, chất lượng đào tạo do đó chưa cao. Mặt khác môi trường nghiên cứu theo kiểu cũ không còn thu hút được giới trẻ, số lượng người làm việc trong lĩnh vực KH&CN ở mức thấp, ít hơn 1,4 lần so với Nga và bằng một nửa so với các quốc gia phát triển. 60% số lượng tiến sỹ Belarus trên 60 tuổi, 15% trong số họ hơn 80 tuổi. Chi phí đầu tư cho khoa học còn thấp, chỉ ở mức 0,5% GDP trong khi ở những quốc gia phát triển, con số này ở mức 2,5 đến 3 % GDP.

Các nhà khoa học Belarus giới thiệu một số sản phẩm nghiên cứu với
Bộ trưởng Bộ Khoa học Iran. Nguồn: nasb.gov.by

Mối liên kết giữa các nhà khoa học và giới công nghiệp chưa được bền chặt, phần vì các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tin tưởng vào “tay nghề” của các nhà khoa học, phần vì Belarus vẫn phát triển kinh tế dựa vào các doanh nghiệp nhà nước – những nơi ít động lực đầu tư cho khoa học để tăng tính cạnh tranh. Do đó, chất lượng sản phẩm của các ngành công nghiệp Belarus còn ở mức thấp so với nhiều quốc gia châu Âu, tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ trọng nhập khẩu cao, ngành giáo dục chậm đáp ứng những yêu cầu mới của ngành công nghiệp.

Để vượt qua những khó khăn này, Belarus cần tăng cường kết nối các lĩnh vực sản xuất và khoa học bằng các chương trình hợp tác phát triển công nghệ và sản phẩm. Với cách tiếp cận này, vào năm 2018, tỷ lệ đóng góp của khoa học trong GDP sẽ tăng lên 0,66 % năm 2018, 1,5% năm 2020, 2,5% vào năm 2030 và vào năm 2040 là 3%.

Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục cũng là yêu cầu bức thiết nhằm tạo ra nguồn nhân lực thực hiện nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Theo giải pháp của các nhà khoa học, chính phủ cần thực thi một số biện pháp: quá trình tuyển lựa giáo viên vào các cấp học từ phổ thông đến đại học phải được thực hiện một cách khắt khe; chương trình giảng dạy cần được định hướng theo hướng hiện đại hóa; ấn định những mức lương cao hơn cho giáo viên.

Chuẩn bị thành lập Bộ kinh tế số

Trong quá trình bàn bạc lấy ý kiến về chiến lược phát triển nền kinh tế số, các nhà khoa học vẫn lo ngại sự quyết tâm của chính phủ do nhiều năm qua, các chính trị gia vẫn thường lo ngại về việc phá vỡ những cấu trúc đang tồn tại với tốc độ quá nhanh. Thông thường họ vẫn ưu tiên việc áp dụng các giải pháp thận trọng vì còn quá e ngại những thay đổi thực sự.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, quan điểm của các nhà lãnh đạo bắt đầu cũng có xu hướng thay đổi và bắt đầu bước ra khỏi “đường ray” an toàn, đó là việc Chính phủ Belarus đề ra kế hoạch thành lập Bộ Kinh tế số - cơ quan chính phủ đóng vai trò quản lý chương trình kinh tế số của đất nước. Với một ít thận trọng còn sót lại, họ không vội vã thành lập bộ ngay mà triển khai một bước đệm: thành lập Hội đồng Phát triển kinh tế số.

Chính thức thành lập vào ngày 28/2/2018, Hội đồng Phát triển kinh tế số được đặt dưới sự chỉ đạo của Andrei Kobyakov – Thủ tướng Belarus với có hai nhiệm vụ chính: chuẩn bị cơ sở vật chất và tạo ra các nền tảng kỹ thuật số để có thể áp dụng các công nghệ số quan trọng vào các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng như lĩnh vực xã hội liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông; tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế số quốc gia. Để làm được những điều này, Hội đồng sẽ kết hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện các dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông...

Trước khi ra mắt Hội đồng, Chính phủ Belarus đã ký Pháp lệnh phát triển kinh tế số vào cuối năm 2017 trong đó nêu những điều kiện pháp lý chưa từng có đối với hoạt động của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, đồng thời thành lập Khu công nghệ cao ở ngay thủ đô Minsk nhằm “chuyển giao kinh nghiệm về phát triển công nghệ cao trong những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế số cho toàn bộ nền kinh tế trong tương lai ”, ông Andrei Kobyakov cho biết.

Trong phiên họp đầu tiên của hội đồng, ông Andrei Kobyakov nhấn mạnh đến vấn đề cần phải làm “các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đặc biệt là giáo dục, các cơ quan quản lý ở các lĩnh vực khác nhau sẽ phải cấu trúc lại hệ thống điều hành của mình một cách triệt để để theo kịp những yêu cầu mới” – những yêu cầu mà theo ông là để các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, hệ thống giao thông phải bắt đầu có những hoạt động đổi mới sáng tạo thực sự”.