Giới khoa học Brazil kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa khi ứng cử viên tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, người đã từng đảm nhiệm vai trò Tổng thống và có mối quan tâm đặc biệt đến khoa học, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trước bầu cử.

Vào tháng sáu, Viện Hàn lâm Khoa học Brazil đã đưa ra một báo cáo gửi tới các ứng cử viên đang cạnh tranh vào chiếc ghế tổng thống tới đây của Brazil để kêu gọi đầu tư vào khoa học, giáo dục và phát triển bền vững. Nhưng chỉ có một người trả lời là Luiz Inácio Lula da Silva. Vị nguyên tổng thống từ 12 năm trước nay mới ra tái tranh cử cũng đã đến thăm các nhà khoa học của Viện ở Rio de Janeiro vài tuần sau đó.

Biểu tình của hội sinh viên vào năm 2019 khi chính phủ Tổng thống Bolsonaro cắt giảm kinh phí của các trường đại học. Nguồn ảnh: aljazeera

Đối với Luiz Davidovich, một nhà vật lý tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, người chủ trì cuộc họp, đó là một khoảnh khắc mà nhiều nhà khoa học đặc biệt hy vọng ở Lula. “Nhóm (tranh cử) của Lula đã nói về những điều họ đang nghĩ đến, nhưng họ cũng lắng nghe chúng tôi,” Davidovich nói.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Lula, từ năm 2003 đến năm 2010, chính quyền của ông đã đầu tư rất nhiều vào khoa học và đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy các chính sách xã hội và môi trường nhằm giảm mạnh nạn phá rừng ở Amazon cũng như đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Còn hiện nay, nguồn tài trợ cho khoa học của Brazil thấp hơn so với 15 năm trước và quốc gia này đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng kinh tế khiến 33 triệu người không có lương thực. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân đến từ các chính sách của Tổng thống hiện tại, Jair Bolsonaro, một cựu sĩ quan quân đội và là người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Ở nhiệm kỳ của Bolsonaro, người được gọi là “Trump vùng nhiệt đới”, các nhà nghiên cứu Brazil đã phải đối diện với khó khăn vì tình trạng cắt giảm kinh phí đầu tư cho khoa học. Thậm chí công chúng và các nhà khoa học cũng thấy rõ sự mong manh của nền dân chủ trước tình trạng kiểm duyệt thông tin nghiên cứu của chính phủ. Nhiều lần Bolsonaro cáo buộc các nhóm khoa học về bảo tồn rừng và môi trường dối trá số liệu và yêu cầu chính quyền phải phê chuẩn dữ liệu nghiên cứu trước khi công bố.

Lula không phải là nhân vật không gây tranh cãi. Lula là một nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực lao động lâu năm và là lãnh đạo của Đảng Công nhân, nhưng cũng từng bị bắt và phải vào tù vì tội tham nhũng vào tháng 4/2018. Hơn 19 tháng sau, tòa án tối cao Brazil đã thả ông sau khi xác định là ông và hàng trăm người khác đã bị bẫy trong một cuộc điều tra tham nhũng tràn lan đã bị bỏ tù không đúng trước khi đưa ra hết các lựa chọn kháng cáo. Tuy nhiên, ông vẫn là một nhân vật chính trị nổi tiếng, đã có những hoạch định chính sách quan trọng với khoa học Brazil và hứa hẹn mang lại bức tranh sáng sủa cho khoa học Brazil sau một giai đoạn khó khăn.

Khôi phục các khoản tài trợ cho khoa học

Trong sáu năm qua, nguồn tài trợ cho khoa học cơ bản ở Brazil đã giảm mạnh khoảng 2/3 và nguồn ngân sách hỗ trợ của liên bang cho cơ sở hạ tầng cơ bản tại các trường đại học đã giảm đến mức khiến cho các trường đại học lớn cấp liên bang cũng lâm vào tình trạng bi đát tới mức phải chật vật thu vén để trả tiền nước và điện.

Tình hình khó khăn tới mức “không có tiền để vận hành các phòng thí nghiệm, duy trì cơ sở hạ tầng và thay thế thiết bị”, Mercedes Bustamante, nhà sinh thái học tại Đại học Brasilia cho biết.

Các nhà khoa học cho biết, tình trạng này đã khiến nhiều sinh viên từ bỏ khoa học và các nhà nghiên cứu trẻ tìm kiếm các vị trí công việc ở nước ngoài.

Sau nhiều năm thiếu đầu tư, giờ đây các nhà khoa học xác định “chúng ta phải tái kiến thiết toàn bộ hệ thống” Helena Nader, nhà sinh học phân tử tại Đại học Liên bang São Paulo và là Chủ tịch hiện tại của Viện Hàn lâm Brazil, cho biết.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng tình hình này sẽ được cải thiện dưới thời Lula. Những gì ông đã làm trong quá khứ cho thấy mối quan tâm đặc biệt tới khoa học. Tài trợ cho khoa học và công nghệ tăng hơn gấp ba lần khi đảng của ông nắm quyền, vào lúc cao nhất đạt gần 14 tỷ reais (2,6 tỷ USD) vào năm 2015. Và, mặc dù chưa bao giờ học đại học, nhưng cựu Tổng thống Lula tỏ rõ sự coi trọng giáo dục đại học - chính quyền cũ của ông đã mở rộng hệ thống đại học trên khắp Brazil.

Tuy nhiên, sau nhiều năm bỏ bê khoa học và kinh tế bết bát, giờ đây các nhà khoa học cũng tỉnh táo và cảnh báo rằng kể cả khi Lula giành chiến thắng thì có thể vẫn phải mất nhiều năm nữa để Brazil tăng ngân sách và xây dựng lại các tổ chức khoa học. Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ, cũng như thiếu nguồn lực trong nhiều năm do đầu tư quá mức của chính phủ.

Khắc phục nạn phá rừng

Ở nhiệm kỳ Tổng thống lần trước, Lula đã gây ấn tượng trên trường quốc tế với một hệ thống thực thi hiệu quả giúp giảm nạn phá rừng ở Brazil khoảng 80% từ năm 2004 đến năm 2012.

Ngược lại, Tổng thống dân túy Bolsonaro khuyến khích khai thác khắp rừng Amazon và còn giảm thiểu việc thực thi luật môi trường. Kết quả là nạn phá rừng Amazon tăng mạnh hơn và gia tăng bạo lực đối với các nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo của các cộng đồng cư dân bản địa trên khắp đất nước.

Một trong những bước đầu tiên mà chính phủ của Lula phải làm là phục hồi lại Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia ở São José dos Campos, nơi chịu trách nhiệm giám sát nạn phá rừng và gửi cảnh báo cho các cơ quan thực thi pháp luật, theo ý kiến của Gilberto Câmara, người đứng đầu cơ quan này từ năm 2005 đến năm 2012. Bolsonaro đã sa thải giám đốc của cơ quan vào năm 2019 và cắt bớt ngân sách, nhưng Câmara cho biết bộ phận giám sát nạn phá rừng vẫn hoạt động, ngay cả khi bị thu hẹp hơn trước nhiều.

Tuy nhiên, việc đảo ngược các xu hướng hiện tại sẽ không dễ dàng, vì nạn phá rừng rải ở khắp hơn so với cách đây một thập kỷ và thường do các nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện. Izabella Teixeira, nguyên Bộ trưởng Môi trường của Brazil từ năm 2010 đến năm 2016 cho biết Lula sẽ không chỉ cần xây dựng lại các cơ quan thực thi môi trường mà còn phải chuẩn bị để giải quyết tội phạm có tổ chức và tham nhũng chính trị.

Teixeira đang tư vấn cho một nhóm do cánh của Lula tổ chức ra để thu thập thông tin về tình trạng và năng lực của các cơ quan Brazil, đồng thời chuẩn bị kế hoạch cho những ngày đầu tiên Lula nắm quyền. Chiến dịch cũng đang chuẩn bị cử đại diện đến hội nghị thượng đỉnh khí hậu quốc tế lớn, ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, vào tháng 11 nếu Lula giành chiến thắng. Teixeira nói rằng mục tiêu của cả hai nhiệm vụ này là xây dựng lại các tổ chức trong nước và khôi phục uy tín trên trường quốc tế bằng cách khơi lại các cam kết lâu dài của Brazil để bảo vệ đa dạng sinh học và hạn chế phát thải carbon do phá rừng.

Các nhà khoa học cho rằng, kể cả khi Lula thắng thế, thì chính phủ của ông có thể mất nhiều thời gian để đạt được các mục tiêu đề ra, trước những thách thức to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường mà Brazil đang phải đối mặt hiện nay. Lula sẽ cần phải sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình để đưa Brazil trở lại như trước đây.

Theo Nature