Một hệ thống IoT (Internet of Things) nhỏ cũng có thể sử dụng tới hàng nghìn sáng chế với vô số tính năng. Chính vì vậy, xu thế phát triển IoT trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Càng kết nối, càng "va đập" về SHTT

Xu thế IoT đã hiện hữu trong rất nhiều ngành sản xuất, trong điều hành lưới điện thông minh, hệ thống giao thông thông minh... Theo dự đoán của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Gartner Inc, tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 20,4 tỷ thiết bị có kết nối Internet, trung bình mỗi người sở hữu 3 thiết bị và toàn thế giới sẽ chi khoảng 3 tỷ USD cho việc phát triển phần cứng của các thiết bị IoT.

Dưới góc độ nghề nghiệp, luật sư Rob Bloom của Morningside IP - công ty tư vấn dịch vụ hỗ trợ đăng ký sáng chế hàng đầu thế giới, có trụ sở ở New York, Mỹ - cho rằng xu hướng này đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ.

“Việc đăng ký bằng sáng chế trong nền công nghiệp dễ sinh lợi nhuận này vô cùng có giá trị. Tuy nhiên, bảo hộ tài sản trí tuệ trong thế giới IoT là việc khó khăn hơn và dễ dẫn tới nhiều vụ kiện xâm hại bằng sáng chế hơn bao giờ hết” - Bloom nhận xét.

Thực vậy, để có thể phối hợp hoạt động các hệ thống máy móc, thiết bị IoT của các nhà sản xuất khác nhau buộc phải có khả năng tương thích với nhau. Điều này nghĩa là sẽ có rất nhiều bằng sáng chế hữu ích chồng chéo nhau. Và khi mỗi thiết bị đơn giản chứa trong nó nhiều thành tố nhỏ hơn thì “thậm chí một hệ thống IoT nhỏ cũng có thể gồm hàng nghìn bằng sáng chế với vô số tính năng”.

Năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 20,4 tỷ thiết bị có kết nối Internet. Ảnh: PureIntegration
Năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 20,4 tỷ thiết bị có kết nối Internet. Ảnh: PureIntegration

“Nhiều người đã quen với các cuộc chiến bằng sáng chế trong ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh suốt 5-10 năm qua. Khi thị trường IoT bùng nổ, số vụ tranh chấp bằng sáng chế tương tự sẽ trở nên nhiều hơn bởi trong thế giới hoàn toàn kết nối, một chiếc điện thoại thông minh là một thiết bị IoT cá nhân tiên phong” - Kenie Ho và Giáo sư Mandy J. Song bày tỏ trong một bài viết có tên “Chiến lược IP trong cơn thức dậy của IoT”.

Không chỉ vậy, việc rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau nhưng lại cạnh tranh để cùng cung cấp hạ tầng truyền thông IoT giống nhau càng khiến chuyện bảo vệ tài sản trí tuệ thêm phức tạp. Lấy ví dụ, các công ty sản xuất ôtô muốn lắp đặt hệ thống nhà thông minh, cho phép cập nhật các phần mềm trong đêm không cần kết nối và vô cùng êm ái.

Hay Công ty Nest - thuộc Công ty mẹ Alphabet của Google - chuyên sản xuất nhà tự động nhưng lại muốn cung cấp các thiết bị nhà thông minh có thể nói
chuyện với nhau...

Như vậy, các công ty trong nền công nghiệp IoT cần nhận thức được rằng, bất cứ một công ty nào (dù thuộc ngành nghề khác) cũng có thể vi phạm bằng sáng chế của mình mà thậm chí mình còn không hề hay biết.


Chiến lược bảo vệ

Đứng trước nguy cơ tài sản trí tuệ có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, bởi bất cứ ai, luật sư Rob Bloom cho rằng: “Nền công nghiệp IoT đang bùng nổ và nếu bạn muốn đón đầu cuộc chơi, bạn cần đăng ký bằng sáng chế cho sự sáng tạo của mình càng sớm càng tốt”.

Theo các chuyên gia, khi viết đơn đăng ký sáng chế, bạn cần chú ý tới 3 vấn đề: Phạm vi bảo hộ ngoài quốc gia (tạo nhiều cơ hội hơn cho công ty bạn khi phải thưa kiện đối thủ vì vi phạm bằng sáng chế), sự đa dạng (một sáng chế được trình bày dưới nhiều định dạng hay biểu đạt bằng nhiều cách, với nhiều thuật ngữ và mô tả chi tiết sẽ hạn chế được tối đa việc tạo ra sơ hở cho đối thủ lợi dụng), hoàn cảnh sử dụng sáng chế (việc đưa ra những cách thức mà sáng chế có thể được sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau có thể giúp bạn chứng minh được sự vi phạm bằng sáng chế của đối phương trong tương lai).

Ngoài ra, cũng cần chú trọng việc nêu ra các giá trị thương mại có thể có của bằng sáng chế khi viết đơn đăng ký bảo hộ, bởi điều này chứng minh được tính mới của sáng chế cũng như khả năng thương mại của nó.

Còn theo luật sư Bloom, từ thực tế những tranh chấp sáng chế giữa Samsung và Apple, các công ty cần chú ý tới cả kiểu dáng công nghiệp (design patent) của sáng chế để bảo vệ hình dáng, màu sắc, cảm quan, cái nhìn trực quan và thiết kế chung của một sản phẩm cụ thể nào đó.