Một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Hành động thay đổi khí hậu” của các nhà khoa học thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã chỉ ra rằng, hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan tới sự sinh trưởng của trẻ em.
Bác sỹ William Checkley và đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu những hệ lụy lâu dài của hiện tượng El Nino với sức khỏe con người bằng cách xem xét tốc độ sinh trưởng của trẻ em Peru trước, trong và sau đợt El Nino kỷ lục năm 1997-1998.
Ông và nhóm của mình đã nghiên cứu 2.095 trẻ em sinh vào giữa năm 1991 và 2001, có độ tuổi khoảng từ 7-18. Đây là những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong những ngôi làng nhỏ ở Tumbles, Peru - nơi bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi các cơn bão.
Kết quả cho thấy, những em bé sinh trong giai đoạn đúng và sau thời kỳ bão El Nino năm 1997-1998 thường có thể hình nhỏ con hơn so với dự tính của các nhà khoa học.
Họ tin rằng nguyên nhân khiến những đứa trẻ sinh ra đúng và sau thời kỳ bão El Nino thường chậm lớn là do thiếu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Các cơn bão - ngoài việc tàn phá mùa màng và gia súc - còn khiến bệnh dịch lây lan. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em thiệt mạng và chậm lớn.
“Các thảm hoạ thiên nhiên, sự thay đổi thời tiết thất thường bởi El Nino đã có những tác động lâu dài lên sức khoẻ con người” - bác sỹ Checkley nói.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng “Hiện tượng El Nino có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến các thế hệ trẻ tương lai”.
Thanh Bình (Theo MD)