Theo Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), số vệ tinh bao gồm 3 cái của Ấn Độ và 101 vệ tinh của 6 nước khác (Mỹ, Kazakhstan, Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất).
“Công nghệ chính của lần phóng này là phóng theo chuỗi để các vệ tinh không cản trở nhau” - ông Ramabhadran Aravamudan, cựu Giám đốc Trung tâm Vệ tinh của ISRO tại Bangalore, cho hay.
Đến nay, Ấn Độ đã phóng 79 vệ tinh của 21 quốc gia, bao gồm vệ tinh của những công ty lớn như Google và Airbus, đem lại cho nước này ít nhất 157 triệu USD. Ông Uday Bhaskar, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu chính sách xã hội, cho CNN biết giá phóng vệ tinh của Ấn Độ “thấp hơn 60%-70% so các nước khác”.
Ấn Độ đã sẵn sàng cho vụ phóng rốc-két mang theo 104 vệ tinh vào không gian Ảnh: ARS TECHNICA.
Trong khi NASA (Mỹ) và Roscosmos (Nga) - các cơ quan không gian được đánh giá là lớn nhất thế giới - đối mặt tình trạng trì trệ hoặc ngân sách bị giảm bớt thì cuộc đua ở châu Á đang rất sôi động. Cả Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vạch ra các kế hoạch khám phá không gian mới trong năm 2017 và xa hơn.
Ấn Độ đang gia tăng chi tiêu cho chương trình không gian trong giai đoạn 2017-2018 lên hơn 20%, từ khoảng 1,1 tỉ USD lên 1,4 tỉ USD, với 2 sứ mệnh đầy tham vọng sẽ được cấp kinh phí ban đầu là thám hiểm sao Hỏa và sao Kim.
Thông qua kế hoạch đáp xuống bề mặt sao Hỏa vào năm 2021 hoặc 2022, theo website Ars Technica, dường như Ấn Độ đang cố cạnh tranh với đối thủ nặng ký Trung Quốc.