Các nhóm tư vấn trên khắp thế giới đang đưa ra hướng dẫn phân bổ vaccine Covid-19, ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người làm các công việc tuyến đầu.
Dù là vài tuần hay vài tháng tới, chỉ là vấn đề thời gian trước khi các quốc gia có vaccine Covid-19. Tuy nhiên sản lượng vaccine không thể ngay lập tức đáp ứng cho toàn bộ dân số, và sẽ không đủ vaccine cho tất cả mọi người cho đến khi các nhà sản xuất mở rộng quy mô. Và đại dịch thì vẫn tiếp tục gây nguy hiểm cho hàng triệu người, bao gồm cả nhân viên y tế, người lớn tuổi và những người có sẵn bệnh nền, vậy ai nên được tiêm phòng trước?
Mới đây, một nhóm cố vấn chiến lược tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra hướng dẫn sơ bộ về phân bổ vaccine toàn cầu, xác định các nhóm cần được ưu tiên. Đầu tháng trước, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NASEM) cũng đã đưa ra dự thảo kế hoạch phân phối vaccine của nước này.
Các chuyên gia đánh giá cao cả hai kế hoạch vì đã tìm ra những cách hợp lý để giải quyết quy mô chưa từng có của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, NASEM đã tính đến các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số - nhóm bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề - trong kế hoạch của mình, bằng cách giải quyết các yếu tố kinh tế xã hội khiến họ gặp rủi ro. Mặt khác, kế hoạch của WHO vẫn đang ở giai đoạn đầu và sẽ cần bổ sung thêm nhiều chi tiết trước khi có thể đưa vào thực tế.
“Cần có các nhóm khác nhau suy nghĩ thấu đáo vấn đề”, Eric Toner, chuyên gia về đại dịch đã tham gia lập các kế hoạch tương tự tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland cho biết. Và mặc dù các kế hoạch có khác nhau đôi chút, Toner nói rằng giữa hai kế hoạch có nhiều điểm tương đồng. “Thật tuyệt khi có sự đồng thuận quan điểm về những vấn đề này”, Toner nói.
Nhân viên tuyến đầu hay lãnh đạo cấp cao?
Hướng dẫn của WHO mới chỉ liệt kê những nhóm người nào nên được ưu tiên tiêm vaccine. Kế hoạch dự thảo của NASEM chi tiết hơn: xếp hạng các nhóm ưu tiên theo thứ tự, ai là người nên được tiêm vaccine trước.
Nhóm ưu tiên đầu tiên trong kế hoạch NASEM là các nhân viên chăm sóc sức khỏe, sau đó mới đến các nhóm dễ bị tổn thương về mặt y tế, theo kế hoạch dự thảo. “Dễ tổn thương” bao gồm những người lớn tuổi sống trong môi trường đông đúc và những người mắc nhiều bệnh nền, chẳng hạn như bệnh tim nghiêm trọng hoặc bệnh tiểu đường, khiến họ có nguy cơ phát bệnh nặng khi nhiễm Covid-19.
Tiếp đến, kế hoạch NASEM ưu tiên người lao động trong các ngành thiết yếu (chẳng hạn như giao thông công cộng, trường học) vì công việc của họ phải tiếp xúc với nhiều người và những người sống trong môi trường đông đúc (chẳng hạn như nơi tạm trú cho người vô gia cư và nhà tù).
Trẻ em là một trong những nhóm cuối cùng nhận vaccine, theo kế hoạch của NASEM. Đây là đối tượng thường được ưu tiên trong kế hoạch tiêm vaccine của nhiều quốc gia, nhưng các kế hoạch này là dành cho đại dịch cúm chứ không phải virus corona mới. Các kế hoạch tiêm vaccine cúm thường ưu tiên trẻ em và phụ nữ mang thai, tuy nhiên các kế hoạch vaccine Covid-19 thì không, bởi vì hầu hết các thử nghiệm vaccine hiện không bao gồm phụ nữ mang thai, và Covid-19 có vẻ như ít gây tử vong ở trẻ em.
Nhóm ưu tiên đầu tiên trong kế hoạch NASEM là các nhân viên chăm sóc sức khỏe, sau đó mới đến các nhóm dễ bị tổn thương về mặt y tế bao gồm những người lớn tuổi sống trong môi trường đông đúc và những người mắc nhiều bệnh nền. Tiếp đến, ưu tiên người lao động trong các ngành thiết yếu (chẳng hạn như giao thông công cộng, trường học) vì công việc của họ phải tiếp xúc với nhiều người và những người sống trong môi trường đông đúc (chẳng hạn như nơi tạm trú cho người vô gia cư và nhà tù).
Không giống như kế hoạch của NASEM, hướng dẫn của WHO cho rằng ưu tiên hàng đầu nên dành cho các nhà lãnh đạo chính phủ, chứ không phải các nhân viên y tế tuyến đầu. Tuy nhiên WHO cảnh báo rằng “lãnh đạo cấp cao” nên được “hiểu theo nghĩa rất hẹp và chỉ bao gồm một số lượng rất nhỏ các cá nhân”.
“Chúng tôi rất lo ngại rằng ưu tiên này có thể tạo ra một kẽ hở, qua đó rất nhiều người được coi là quan trọng có thể tự đẩy mình lên nhóm ưu tiên hàng đầu”, Ruth Faden, nhà đạo đức sinh học của Viện Đạo đức sinh học Johns Hopkins Berman, thành viên của nhóm soạn thảo hướng dẫn của WHO, cho biết.
Các nhóm yếu thế
Quyền tiếp cận vaccine của các nhóm yếu thế được đề cập trong cả hai kế hoạch. Nhìn vào những thất bại trong quá khứ, hướng dẫn của WHO kêu gọi các nước giàu đảm bảo rằng các nước nghèo hơn cũng nhận được vaccine trong những đợt phân bổ sớm nhất. Trong đại dịch cúm H1N1 2009, “vào thời điểm thế giới bắt đầu tìm cách đưa vaccine đến một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thì đại dịch đã kết thúc”, Faden nói.
Nhưng đề xuất của WHO vẫn chưa gợi ý cách giải quyết bài toán phân bổ vaccine giữa các quốc gia, theo Angus Dawson, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Sydney ở Úc. Câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là: có nên ưu tiên dân số ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng so với nhóm ưu tiên ở các quốc gia ít bị ảnh hưởng?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cơ quan thiết lập kế hoạch tiêm chủng Covid-19 của Chính phủ Hoa Kỳ và Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), cơ quan điều phối vaccine là hai cơ quan đã yêu cầu NASEM lập kế hoạch. Các nhà lãnh đạo từ cả hai cơ quan đã yêu cầu kế hoạch NASEM đề cập đến cách để ưu tiên vaccine cho “các nhóm dân số có nguy cơ cao”, bao gồm “các nhóm chủng tộc và dân tộc” có tỉ lệ nhiễm và tử vong do Covid-19 cao hơn so với các nhóm khác ở Hoa Kỳ. Ban hội thẩm xác định rằng những nhóm này dễ bị tổn thương chủ yếu vì các lý do kinh tế xã hội gắn liền với phân biệt chủng tộc có hệ thống - ví dụ, họ có công việc rủi ro cao và sống ở các khu vực có nguy cơ cao - và do đó đã yêu cầu kế hoạch NASEM tiếp cận dựa trên các khía cạnh này, chứ không phải dựa trên chủng tộc hoặc sắc tộc của các nhóm nhất định.
“Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng những người da màu, nhóm bị tác động không cân xứng, cũng sẽ được ưu tiên - nhưng ưu tiên xuất phát từ các yếu tố khiến họ gặp rủi ro (công việc, nhà ở) chứ không phải chỉ nhìn vào chủng tộc và sắc tộc của họ”, Helene Gayle, chủ tịch và giám đốc điều hành của Quỹ Cộng đồng The Chicago Community Trust ở Illinois, và là đồng chủ tịch của ủy ban NASEM đã soạn thảo đề xuất, cho biết.
Do đó, NASEM đề xuất một danh sách dài những người lao động thiết yếu cần được ưu tiên tiếp cận vaccine, bao gồm nhân viên cửa hàng tạp hóa, nhân viên vận chuyển và nhân viên bưu điện. Những người thuộc các nhóm dân tộc và chủng tộc bị ảnh hưởng nặng nề cũng thường chiếm tỉ lệ lớn lao động trong những công việc này.
Các bang của Hoa Kỳ cũng nên sử dụng Chỉ số tính dễ bị tổn thương xã hội của CDC để giúp đưa ra quyết định về phân bổ vaccine, kế hoạch NASEM đề xuất. Đây là một công cụ dựa trên địa lý thường được dùng để hướng dẫn việc phân bổ viện trợ sau thảm họa quốc gia, nó tính đến nơi sinh sống, cũng như các tình trạng sức khỏe đặc biệt - trong đó các nhóm da màu cũng thường chiếm tỉ lệ lớn bệnh nhân.
Tiếp tục cập nhật
Nhóm cố vấn chiến lược của WHO sẽ tiếp tục cập nhật hướng dẫn của mình, trước tiên là xác định thứ hạng cho các nhóm ưu tiên và sau đó đưa vào dữ liệu thực tế từ các thử nghiệm vaccine, chẳng hạn như mức độ hiệu quả ở người lớn tuổi. Mặc dù hướng dẫn này dành cho tất cả các quốc gia thành viên của WHO, nhưng không có quốc gia nào bắt buộc phải thực hiện.
Tại Hoa Kỳ, ủy ban NASEM sẽ ban hành kế hoạch cuối cùng trong tháng 10. Cuối cùng, CDC sẽ xem xét những khuyến nghị này cùng với những khuyến nghị khác trong khi xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine quốc gia, dự kiến sẽ có vào cuối năm nay.
Đó sẽ là hướng dẫn mà các sở y tế công cộng, bác sĩ và nhà thuốc trên khắp Hoa Kỳ tuân theo khi phân phối vaccine.
Sandra Crouse Quinn, nhà khoa học hành vi tại Đại học Maryland, lưu ý rằng nếu một loại vaccine được thông qua quá gấp rút có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng, làm cho các kế hoạch phân bổ vaccine trở nên kém hiệu quả. Khi đưa bất kỳ kế hoạch nào trong số này vào thực tế, Dawson nói, “bạn phải tính đến bối cảnh chính trị”.