Chuỗi núi lửa mới được phát hiện dưới lớp băng của Nam cực có thể phun trào trở lại do hiện tượng băng tan.
Hiện tượng băng tan có thể làm các núi lửa hoạt động mạnh hơn do giải phóng áp suất bề mặt. Đồ họa: Guardian.
Các nhà khoa học của Đại học Edinburgh trong nghiên cứu đăng trên ấn phẩm đặc biệt của Hiệp hội Địa chất Anh, công bố sự tồn tại của 91 núi lửa còn hoạt động với độ cao 100 - 3.850 m ở độ sâu 2 - 4 km dưới lớp băng phía tây Nam cực, Guardian ngày 12/8 đưa tin.
Các nhà khoa học phát hiện hệ thống núi lửa ngầm sau khi so sánh kết quả phân tích các cuộc khảo sát trước với cơ sở dữ liệu vệ tinh, địa chất... Có khả năng còn nhiều núi lửa khác dưới đáy biển. "Tôi nghĩ khu vực này sẽ trở thành nơi có mật độ núi lửa dày đặc nhất hành tinh", Robert Bingham, chuyên gia về sông băng, tác giả của nghiên cứu, nói.
Đây là phát hiện quan trọng bởi hoạt động núi lửa ở khu vực này có thể tác động đến các địa điểm khác do làm dâng nước biển. "Nếu một trong những ngọn núi lửa này phun trào, nó có thể làm băng ở tây Nam cực vốn đang bị ảnh hưởng do nóng lên toàn cầu, thêm bất ổn", Bingham giải thích.
Theo Bingham, địa điểm đang có hoạt động núi lửa phun trào nhiều nhất là những khu vực mới mất sông băng bao phủ, bao gồm Iceland và Alaska. Lớp phủ biến mất có thể đã làm giảm áp suất bề mặt khiến núi lửa hoạt động mạnh hơn. "Vấn đề là chúng tôi không biết mức độ hoạt động trước đây của những ngọn núi lửa vừa được phát hiện", Bingham nói.
Theo VNExpress