Đúng 50 năm trước (30/09/1968), chiếc Boeing 747 đầu tiên đã được xuất xưởng tại nhà máy của hãng tại thành phố Everett, tiểu bang Washington (Hoa Kỳ), mà sau này đã trở thành biểu tượng của ngành hàng không dân dụng thế giới, được mệnh danh là “nữ hoàng của bầu trời.”
Thuộc loại máy bay phản lực khổng lồ (jumbo jet) đầu tiên trên thế giới, Boeing 747 thực sự là một thành quả từ sự nỗ lực của gần 50.000 công nhân lắp ráp, thợ máy, kỹ sư, và những bộ óc đầy táo bạo – có thể biến một bản kế hoạch trên giấy trở thành hiện thực chỉ trong 16 tháng.
Để chế tạo nó, các kỹ sư của Boeing đã xây phải dựng một khu lắp ráp lớn chưa từng thấy, rộng bằng 75 sân bóng bầu dục, hay tất cả các công viên Disneyland trên toàn thế giới cộng lại. Mãi đến trước khi Airbus A380 ra đời (2017), Boeing 747 đã liên tục giữ danh hiệu “máy bay dân dụng lớn nhất thế giới”. Ngoài ra, nhiều phiên bản và biến thể khác nhau của nó cũng được người Mỹ sử dụng cho các mục đích mang ý nghĩa lịch sử lớn lao. Chẳng hạn năm 1990, một cặp 747-200 được cải biến để trở thành Air Force One (Không lực 1) – chuyên cơ chỉ phục vụ tổng thống Hoa Kỳ.
Cũng giống nhiều dòng máy bay dân dụng khác, lúc đầu Boeing 747 được chế tạo là vì mục tiêu quân sự. Năm 1963, Không lực Mỹ lên kế hoạch thay thế những chiếc C-414 (do Lockheed chế tạo) bằng loại máy bay vận tải mới siêu lớn, có khả năng chở nhiều binh sĩ, hàng hóa và trang thiết bị hơn, bên cạnh sự đa dạng về chủng loại, … để đáp ứng nhu cầu phát triển mới.
Mặc dù dự án C5 Galaxy theo đề xuất ban đầu đã không thành công, nhưng các thành quả nghiên cứu và mẫu thiết kế của nó đã để lại rất nhiều ảnh hưởng, đóng góp vào sự ra đời của Boeing 747 sau này. Khi ấy, Juan Trippe – vị chủ tịch khó tính của Pan American World Airways (hãng hàng không quốc tế lớn nhất của Mỹ trước khi sụp đổ năm 1991) – đã đề nghị Boeing cung cấp một loại máy bay chở khách mới có kích thước gấp đôi chiếc 707 đang thịnh hành lúc bấy giờ.
Rất dễ nhận ra Boeing 747 bởi thiết kế đặc biệt ở phần bướu giữa mũi và lưng.
Ảnh: Travel.com
Cú liều vĩ đại
Có thể nói, dự án 747 thực sự là một bước đi liều lĩnh của Boeing. Tại thời điểm 50 năm trước, nhiều tên tuổi lớn trong ngành hàng không, bao gồm cả Boeing, đều tin rằng tốc độ mới là yếu tố quyết định tương lai, chứ không phải kích thước máy bay. Vì thế, họ đã cùng nhau vẽ nên viễn cảnh về những chiếc máy bay chở khách siêu thanh (tốc độ lớn hơn Mach 1), chẳng hạn chiếc Concorde (do Pháp và Anh hợp tác chế tạo, ra mắt năm 1976, có khả năng bay từ London đến New York chỉ trong 3 giờ đồng hồ so với 8 – 10 tiếng bằng máy bay thông thường), sẽ sớm thống lĩnh thị trường.
Mặc dù vậy, Boeing vẫn quyết định đặt cược vào dự án, gấp rút chế tạo, hoàn thiện chiếc 747 và cho cho bay thử lần đầu vào ngày 09/02/1969, trước khi đem đi trình diễn tại Triển lãm Hàng không Paris (trong mùa hè cùng năm). Đến cuối 1969, Boeing 747 đã được Cục Quản lý Hàng không Liên bang (Hoa Kỳ) công nhận đạt chuẩn an toàn và thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên với thương hiệu Pan Am vào ngày 05/01/1970.
Theo tính toán, nếu đạt sức chứa tối đa 400 hành khách, một chiếc 747-100 đảm bảo sẽ sinh lời cho hãng. Nhưng không may, chiếc máy bay được đưa vào vận hành đúng thời điểm của cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng dầu lửa (thập niên 1970), khiến lượng khách lúc mới đầu đã không được như kỳ vọng. Cùng với đó, chi phí sản xuất quá lớn đã khiến Boeing mắc nợ khoảng 2 tỷ USD (tương đương 20 tỷ USD bây giờ), và cả các ngân hàng cho họ vay tiền cũng lâm vào cảnh khốn đốn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. May thay, một số điều chỉnh ở phần đầu và khoang chứa máy bay do các kỹ sư thực hiện đã giúp mở rộng khả năng chuyên chở hàng hóa của 747, và góp phần cải thiện doanh thu. Kể từ đó, tổng cộng hơn 1.500 chiếc 747 đã được chế tạo, trong đó khoảng 500 chiếc vẫn còn đang hoạt động.
Tổng thống Donald Trump vẫy chào Việt Nam trên chiếc Air Force One khi tới Đà Nẵng tham dự Hội nghị APEC (tháng 11/2-17). Ảnh: Soha.vn
Biểu tượng của ngành hàng không
Boeing 747 ra đời đúng vào giai đoạn cuối thời hoàng kim của ngành hàng không, khi việc đi lại bằng máy bay trước đó thường ám chỉ sự hào nhoáng, và phần lớn các hãng cũng chủ trương hướng đến phân khúc cao cấp. Vì thế, lúc đầu khoang trước của 747 đã được tận dụng để làm thành một phòng khách hạng nhất, thay vì chỉ cố nhồi nhét cho đủ sức chứa.
Đến cuối thập niên 1970, American Airlines còn đi xa hơn nữa khi biến khoang hạng nhất trở thành một thính phòng, mời các nghệ sĩ chơi phong cầm Wulitzer nổi tiếng tới biểu diễn, còn hành khách thì đóng vai ca sĩ. Tuy nhiên, những tiện nghi sang chảnh ấy đã sớm bị loại bỏ do khủng hoảng kinh tế, các hãng phải quay sang tập trung cắt giảm chi phí. Theo thời gian, các thế hệ máy bay tầm xa mới, hai động cơ, kích thước nhỏ và hoạt động hiệu quả hơn, như 777 và 787 … đã dần thay thế vai trò của người tiền nhiệm khổng lồ.
Mặc dù vậy, Boeing 747 đã và vẫn sẽ luôn đóng một vai trò đáng kể trong văn hóa đại chúng Mỹ, khi từng nhiều lần xuất hiện trong các bộ phim bom tấn Hollywood như “Airport 1975”, “Airport 77” hay “Air Force One”, … Hay như NASA cũng từng cải tiến một chiếc 747 để thực hiện nhiệm vụ cõng tàu con thoi tại điểm phóng và hạ cánh. Và hiển nhiên, những biến thể sau này của nó vẫn sẽ tiếp tục công việc đưa đón các đời tổng thống Mỹ. Năm 2024, chiếc 747-8 với ba màu xanh-đỏ- trắng sẽ chính thức được đưa vào vận hành (theo yêu cầu của Tổng thống Trump) với một số cải tiến mới như: tầm bay xa hơn, tốc độ cao hơn và tải trọng cất – hạ cánh tối đa lớn hơn.
Boeing cho biết, hãng không còn kế hoạch lắp ráp 747 cho hoạt động chở khách thương mại. Đến cuối 2017, tất cả các hãng hàng không của Mỹ đã ngừng khai thác Boeing 747. Trên thế giới, hiện chỉ còn Korean Airlines là vẫn sử dụng một vài chiếc thuộc phiên bản 747-8. Tuy nhiên, vòng đời của 747 trong vai trò máy bay chở hàng có lẽ sẽ được gia hạn, khi mới đây UPS vừa đặt hàng Boeing thêm 14 chiếc nữa. Cùng với niềm tự hào mang tên Air Force One, có thể thấy Boeing 747 – biểu tượng hàng không một thời – sẽ vẫn tiếp tục bay cao trên bầu trời của thế kỉ 21.