Chỉ sau 30 năm, từ một sinh vật ngoại nhập từ Hoa Kỳ, Artemia – yếu tố “không thể thay thế” trong ngành công nghiệp thủy sản đã trở thành giống bản địa ở Việt Nam, thậm chí được công nhận chỉ dẫn địa lý với tên gọi Artemia Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Đây là kết quả của một hành trình nỗ lực và phối hợp giữa các nhà nghiên cứu ở trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, người dân và nhà quản lý.

Đoàn khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đến khảo sát vùng nuôi artemia ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) năm 2017.

Từ một sinh vật “ngoại lai”

Thoạt nhìn, những ruộng muối của diêm dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng như mọi ruộng muối ở các vùng duyên hải khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh muối, diêm dân nơi đây còn thu hoạch một sản phẩm khác từ những ruộng muối là trứng bào xác Artemia.

Nếu nhìn bằng mắt thường, trứng bào xác Artemia giống hệt cát mịn nhưng với cặp mắt của dân trong nghề, chúng là yếu tố quyết định tới sự sống còn trong giai đoạn đầu của con giống thủy sản bởi phần lớn các loài ấu trùng thủy sản là bắt mồi chủ động, thức ăn chủ yếu là tảo hoặc động vật phù du sống. Tuy nhiên, trong số tất cả các động vật phù du, Artemia là loài duy nhất có thể thương mại hóa để làm thức ăn cho con giống thủy sản do có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng thời “có thể chuyển thành trạng thái bào xác (trứng nghỉ) - các trứng chứa phôi có thể ngủ đông, chỉ thức dậy khi gặp điều kiện thuận lợi”, GS. Patrick Sorgeloos, người sáng lập và cựu giám đốc Trung tâm khảo nghiệm Artemia, ĐH Ghent, Bỉ giải thích trong một bài viết về Artemia trên tạp chí Aquaculture Asia Pacific vào năm 2019. Do vậy, các trứng bào xác này có thể đóng gói, lưu trữ trong thời gian dài và chỉ cần được ấp trong điều kiện thích hợp, ấu trùng sẽ nở ra trở thành thức ăn tươi sống cho tôm cá.

Mặc dù được phát hiện từ nhiều thế kỷ trước, việc sử dụng Artemia làm thức ăn cho ấu trùng thủy sản chỉ bắt đầu từ những năm 1930 với hai nguồn khai thác chính: Hồ Muối Lớn (Utah, Hoa Kỳ) và ruộng muối khu vực Vịnh San Francisco (Hoa Kỳ). Sự phát triển của ngành thủy sản vào những năm 1970 khiến các nguồn này không thể đáp ứng đủ nhu cầu Artemia trên thị trường, đẩy giá Artemia tăng cao. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các dự án nghiên cứu mở rộng nuôi trồng và thương mại hóa Artemia trên toàn cầu, qua đó mở ra cơ hội nghiên cứu Artemia ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vào những năm 1980, nhóm nghiên cứu của GS. Sorgeloos đã đến khảo sát về khả năng nuôi trồng Artemia tại những quốc gia có nhiều vùng nước mặn phù hợp như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Ecuador, Brazil,...

Nhận thấy tiềm năng của Artemia, các nhà khoa học Việt Nam đã nhanh chóng “bắt nhịp” với hướng nghiên cứu này. “Năm 1982, Artemia mới được du nhập vào Việt Nam và bước đầu được nuôi thử nghiệm trên ruộng muối ở Cam Ranh, Nha Trang. Đến năm 1984, trường ĐH Cần Thơ thông qua hợp tác quốc tế đã du nhập Artemia (có nguồn gốc từ vịnh San Francisco) được GS. Sorgeloos cung cấp để tiến hành thí nghiệm nuôi Artemia thu trứng bào xác ở vùng ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Bạc Liêu”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa ở khoa Thủy sản, trường ĐH Cần Thơ cho biết.

Dù có sức sống mãnh liệt, có thể tồn tại trong môi trường nước có độ mặn cao hơn nước biển thông thường, ... nhưng trên thực tế việc nuôi trồng Artemia không hề dễ dàng. “Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy Artemia có thể sống tốt ở nước biển tự nhiên và những nơi có độ mặn cao, song chúng không thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác vì tập tính bơi lội chậm chạp. Do có màu sắc nổi bật (màu vàng cam đến đỏ cam tùy từng loài trong các giai đoạn phát triển khác nhau do ảnh hưởng của dinh dưỡng và môi trường) nên chúng dễ làm mồi cho vật dữ, kẻ thù (tôm, cá…). Vì vậy, Artemia chỉ có thể tìm thấy ở những nơi có độ mặn cao, kẻ thù của chúng không thể xuất hiện (độ mặn cao hơn 70‰). Nhưng nếu độ mặn ở mức 250‰ trở lên, Artemia sẽ khó trao đổi chất, thậm chí chết đồng loạt do môi trường vượt ngưỡng chịu đựng”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa giải thích.

Làm thế nào để một sinh vật “mỏng manh” như Artemia thích ứng với điều kiện sinh trưởng ở Việt Nam là một bài toán khó. Tuy nhiên, ít ai ngờ đến rằng, sau khi vào Việt Nam chưa đầy chục năm, “đến năm 1990, quy trình nuôi Artemia trên ruộng muối được triển khai sản xuất đại trà cho các hộ diêm dân ở Vĩnh Châu và nơi đây trở thành vùng trọng điểm cung cấp trứng bào xác Artemia chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Trước thành công của Việt Nam, một số nước đã tới tham quan, học hỏi và chuyển giao công nghệ như Cuba, Iran, Srilanka, Ấn Độ vào những năm 2000 và gần đây là một số nước châu Phi gồm Kenya, Mozambique (2011-2013).

Trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu. Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

30 năm thuần hóa Artemia

Có lẽ, điểm khác biệt lớn nhất giúp Việt Nam “thuần hóa” Artemia thành loài bản địa là nhờ sự kiên trì của các nhà khoa học, “gõ cửa” các nhà quản lý cấp vốn nghiên cứu và không tiếc công mời nhiều bên phối hợp thực hiện.

Ngay trong những năm 1980, PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa và các cộng sự đã chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế thông qua các đề tài hợp tác với Bỉ, Hà Lan, bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu Artemia. Việc hợp tác nghiên cứu “xuất phát từ nhu cầu cả hai bên”, ông cho biết. “Chúng tôi đã hợp tác với những nơi khởi đầu các nghiên cứu ứng dụng về Artemia như Phòng thí nghiệm nuôi trồng thủy sản và Trung tâm khảo cứu Artemia ở ĐH Ghent. Nhờ đó, chúng tôi có thể gửi cán bộ đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn”.

Ngoài hỗ trợ về mặt chuyên môn, các dự án này còn cung cấp nguồn giống Artemia để nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm nuôi trồng Artemia ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) để lấy trứng và sinh khối. Sau nhiều lần “thử và sai”, họ đã tìm ra quy trình nuôi trồng Artemia phù hợp với điều kiện địa phương: từ chuẩn bị ao nuôi với mức nước thế nào, độ mặn bao nhiêu, cho tới cách cho ăn, thu hoạch và sơ chế sản phẩm,... Chẳng hạn, do Vĩnh Châu có nhiều hộ làm nghề sản xuất muối, nhóm nghiên cứu đề xuất cải tạo ruộng muối để nuôi Artemia để giảm chi phí xây dựng, “thích hợp nhất để xây dựng ao nuôi là khu bốc hơi và sân kết tinh muối, nên chú ý chọn nền đất là đất sét nặng với hàm lượng cát ít để hạn chế tối thiểu rò rỉ hoặc hiện tượng thẩm lậu nhằm duy trì mức nước trong ao nuôi và hạn chế thất thoát Artemia”, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu. “Một điều thuận lợi là bố cục và kết cấu hệ thống làm muối, cũng như điều kiện tự nhiên nơi đây rất thích hợp với Artemia”. Sau khi thả ấu trùng Artemia khoảng 15-23 ngày, có thể thu hoạch được trứng bào xác Artemia. Kết quả phân tích tại trường ĐH Cần Thơ cũng như phòng thí nghiệm nước ngoài cho thấy trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu có hàm lượng dinh dưỡng cao, tỉ lệ nở hơn 90%, tương đương với các sản phẩm nhập khẩu trên thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu biết rằng, những kết quả thử nghiệm này sẽ không thể đi vào thực tế nếu thiếu ủng hộ từ phía nhà nước và sự tham gia của người dân. Rất may là “chính quyền địa phương các cấp quan tâm đến đối tượng này do nhu cầu thị trường cao, đầu tư thấp, là đối tượng tiềm năng cho các chương trình xóa đói giảm nghèo”, nhờ vậy, nhóm nghiên cứu có được những đề tài cấp bộ và địa phương liên tục từ đầu những năm 2000 cho đến nay. Các đề tài này không chỉ giúp nhóm nghiên cứu chuyển giao quy trình nuôi trồng Artemia cho người dân mà còn giúp mạch nghiên cứu về Artemia không bị ngắt quãng.

Sau gần 30 năm, đến nay, nhóm nghiên cứu đã tập huấn chuyển giao quy trình nuôi Artemia cho diêm dân và các HTX muối trong vùng và địa phương lân cận (Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Vũng Tàu, duyên hải TP HCM..). “Đối tượng này đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho diêm dân vùng ven biển Vĩnh Châu - Bạc Liêu, mỗi hecta có thể tạo ra lợi nhuận từ 100-150 triệu/vụ, hiệu quả gấp 3-5 lần so với làm muối truyền thống”, PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa cho biết, quá trình chuyển giao diễn ra cũng “thuận buồm xuôi gió” vì “diêm dân trong vùng thấy hiệu quả kinh tế của Artemia mang lại cao hơn so với làm muối, họ cũng không lo bị mất nghề muối truyền thống vì có thể kết hợp sản xuất song song giúp mang lại lợi nhuận cao hơn so với chuyên canh muối”.

Phát triển chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu

Thành công từ nuôi trồng Artemia đã tạo động lực cho tỉnh Sóc Trăng nghĩ đến một dự án “mạo hiểm” hơn: xây dựng chỉ dẫn địa lý Vĩnh Châu cho sản phẩm Artemia. Khi bắt đầu triển khai dự án này vào năm 2017, tỉnh Sóc Trăng chưa có bất kì chỉ dẫn địa lý nào. Để được công nhận là chỉ dẫn địa lý, sản phẩm phải có chất lượng, đặc tính gắn liền với điều kiện địa lý của khu vực đó, bao gồm yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái,...) và yếu tố con người (kỹ năng của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương,...). Bởi vậy, chỉ dẫn địa lý thường là những sản phẩm bản địa, có truyền thống lâu đời như nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng,... nếu so với các chỉ dẫn địa lý trên, sản phẩm Artemia Vĩnh Châu có “tuổi đời” còn khá trẻ.

Trước thực tế này, không ít người lo ngại về tính khả thi của dự án xây dựng chỉ dẫn Artemia Vĩnh Châu. Tuy nhiên, sau khi đoàn khảo sát của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tiến hành khảo sát tình hình sản xuất Artemia tại trại thực nghiệm Artemia của trường ĐH Cần Thơ và khu sản xuất, chế biến trứng bào xác Artemia của HTX Artemia Vĩnh Châu, bước đầu cho thấy điều kiện tự nhiên của thị xã Vĩnh Châu phù hợp để sản xuất Artemia và tạo ra sản phẩm có đặc trưng riêng, đáp ứng các yêu cầu xây dựng chỉ dẫn địa lý. Nhờ đó, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn tiến hành những công việc tiếp theo: xác định bản đồ khu vực nuôi trồng, xây dựng quy trình sản xuất và chế biến trứng bào xác Artemia và Artemia sinh khối, xác định đơn vị quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý này,... Sau hơn ba năm, đến tháng 12/2020, sản phẩm Artemia đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để nâng cao danh tiếng và chất lượng sản phẩm Artemia Vĩnh Châu. Thực tế cho thấy, phần lớn các loại nông sản đều tăng giá cao sau khi được công nhận là chỉ dẫn địa lý.

Để đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực của địa phương, không thể bỏ qua những đóng góp thầm lặng của các nhà khoa học ở trường ĐH Cần Thơ trong hàng chục năm qua. “Điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi và đặc thù, kết hợp với sự hướng dẫn, chuyển giao trong thời gian dài của các nhà khoa học cùng kinh nghiệm trong sản xuất của các hộ nuôi Artemia đã tạo ra sản phẩm Artemia Vĩnh Châu nổi tiếng”, theo Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ). Giống Artemia được nuôi ở Vĩnh Châu thuộc loài Artemia franciscana (SFB) có nguồn gốc từ Mỹ. Quá trình nghiên cứu, thuần hóa đã biến chúng gần như thành dòng bản địa của Việt Nam với nhiều đặc tính khác biệt so với tổ tiên. Chẳng hạn, Artemia Vĩnh Châu có khả năng chịu nóng cao hơn, có thể cho trứng bào xác cao hơn ở độ mặn thấp hơn, kích thước nhỏ hơn 5-6% so với giống gốc. Với đặc tính kích thước nhỏ, phù hợp với kích cỡ miệng đa số loài ấu trùng thủy sản, cùng với hàm lượng axit béo không no cao (HUFA) đã giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trứng bào xác Artemia Vĩnh Châu trên thị trường thế giới.

Nhiều kỳ vọng đang được đặt vào chỉ dẫn địa lý Artemia Vĩnh Châu, tuy nhiên, với các nhà khoa học cũng như chính quyền tỉnh Sóc Trăng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên hành trình phát triển thương hiệu Artemia Vĩnh Châu. Theo công bố của PGS.TS. Nguyễn Văn Hòa và các cộng sự trên tạp chí Review in Aquaculture năm 2018, sản lượng Artemia Vĩnh Châu hằng năm chỉ đáp ứng được 2-5% nhu cầu của thị trường Việt Nam. Do vậy, “chúng tôi muốn tiếp tục nghiên cứu để tăng năng suất Artemia, gắn liền với bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng mong muốn mở rộng địa bàn nuôi trồng Artemia để nâng cao thu nhập cho người sản xuất vì người làm muối hiện nay thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất vất vả”, PGS.TS Nguyễn Văn Hòa kỳ vọng.