Đó là những nghiên cứu đem lại hiểu biết mới về các phương pháp giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn, học sâu hơn và sáng tạo hơn; hoặc giúp các thầy cô tránh được sự thiên vị trong đánh giá học trò.

1. Muốn dạy từ vựng, hãy để trẻ được làm diễn viên

Nếu học sinh đang học một ngôn ngữ mới, hãy yêu cầu các em dùng hành động để mô tả từ vựng. Đương nhiên, chơi trò đóng vai dễ gây hứng thú; nhưng hơn thế, hoạt động này còn giúp làm tăng gần như gấp đôi khả năng ghi nhớ từ của các em.

Trong một nghiên cứu công bố vào năm ngoái, các nhà khoa học yêu cầu các em học sinh 8 tuổi nghe một số từ bằng tiếng nước ngoài rồi sử dụng bàn tay hoặc cơ thể để mô tả từ đó. Ví dụ, khi các em học từ “flugzeug” nghĩa là “máy bay” trong tiếng Đức, các em sẽ dang hai cánh tay, giả vờ như đang bay. Hai tháng sau, những diễn viên nhỏ tuổi này có khả năng nhớ từ mới cao hơn 73% so với những em chỉ nghe mà không đi kèm với việc diễn tả bằng cử chỉ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện kết quả tương tự nhưng ít “kịch tính” hơn ở những học sinh được nhìn vào tranh khi nghe từ vựng tương ứng.

Đây là một lời nhắc nhẹ nhàng rằng, nếu bạn muốn học sinh ghi nhớ điều gì, hãy khích lệ các em học điều đó theo nhiều cách, chẳng hạn như vẽ nó ra, mô tả nó bằng hành động, hay ghép nó với những hình ảnh thích hợp.

Muốn học sinh ghi nhớ điều gì, hãy khích lệ các em vẽ nó ra, mô tả nó bằng hành động, hay ghép nó với những hình ảnh thích hợp. Nguồn: INT

2. Giá trị của việc dạy viết chữ bằng tay

Đối với hầu hết trẻ em, gõ chữ không tốt như chúng ta nghĩ. Năm 2012, các bản chụp quét não bộ của trẻ em chưa biết đọc biết viết cho thấy những mạch điện quan trọng kết nối với chức năng đọc “nhấp nháy” một cách sống động khi trẻ viết các chữ cái bằng tay và sau đó cố gắng đọc chúng. Hiệu ứng này biến mất phần lớn khi trẻ gõ chữ hay tô chữ theo đường đứt nét.
Gần đây hơn, năm 2020, một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu các trẻ lớp 7 khi các em viết, vẽ bằng tay, gõ các từ và kết luận rằng viết và vẽ bằng tay tạo ra những phản ứng thần kinh cho thấy việc học sâu hơn.

Bất cứ khi nào có những chuyển động tự tạo tham gia vào quá trình học của trẻ thì não bộ được kích thích nhiều hơn - các nhà nghiên cứu giải thích, trước khi nhắc lại kết quả của nghiên cứu năm 2012: “Có vẻ như những chuyển động liên quan đến gõ bàn phím không kích hoạt mạng lưới tế bào thần kinh giống như cách mà vẽ hay viết tay tạo ra”.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cố thay thế việc dùng bàn phím bằng viết tay. Mọi đứa trẻ đều cần được phát triển các kỹ năng kỹ thuật số, và đã có những bằng chứng về việc công nghệ giúp trẻ mắc chứng khó đọc vượt qua các trở ngại như viết những chữ không đọc được (viết sai, viết ngược), và rốt cuộc cho phép các em được tự do “sử dụng thời gian của mình vào những việc các em có năng khiếu” - theo Trung tâm nghiên cứu Chứng khó đọc và Sáng tạo thuộc Đại học Yale.

3. Bài kiểm tra ACT vừa nhận một “điểm âm”

Bài kiểm tra ACT thường được xem như yếu tố quyết định trong tuyển sinh đại học. Thế nhưng một nghiên cứu năm 2020 đã chỉ ra mối liên hệ yếu ớt, hay thậm chí là không có, giữa kết quả bài thi ACT với mức độ thành công trong học tập của sinh viên đại học. “Có rất ít bằng chứng về việc học sinh sẽ thành công hơn ở bậc đại học hơn nếu các em cố gắng cải thiện điểm số ACT của mình,” các nhà nghiên cứu giải thích. Những sinh viên có điểm số ACT rất cao nhưng lại có điểm học tập thuộc mức trung bình ở trường trung học thì thường bị đuối ở bậc đại học.

Chỉ vừa mới năm ngoái thôi (2019), bài kiểm tra sát hạch SAT - người anh em họ với ACT - cũng cho thấy những kết quả nghi ngại tương tự. Trong một nghiên cứu lớn với gần 50.000 sinh viên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện, điểm số ở trường trung học dự đoán sát hơn về kết quả của bốn năm đại học, so với điểm thi SAT.

Lý do là gì vậy? Các nhà khoa học khẳng định, điểm số của bốn năm học trung học là một chỉ báo vững chắc hơn về sự bền bỉ, kỹ năng quản lý thời gian hay khả năng tránh bị sao lãng. Cuối cùng thì chính những kỹ năng này mới giúp bọn trẻ sống sót ở đại học.

4. Một bước đơn giản giúp giảm thiên vị khi chấm điểm

Theo nghiên cứu mới, một bước đơn giản có thể giúp giảm tác động xấu của việc thiên vị khi chấm điểm, đó là làm rõ các tiêu chí trước khi bắt đầu chấm điểm và thường xuyên tham khảo các tiêu chí này trong quá trình chấm điểm.

Năm 2020, hơn 1.500 giáo viên đã được mời chấm điểm một mẫu bài viết của một học sinh cấp 2 giả định. Tất cả các câu chuyện trong mẫu bài viết này giống hệt nhau, chỉ khác một điều: Ở nhóm này, học sinh nhắc tới một thành viên trong gia đình tên là Dashawn; trong khi nhóm còn lại thì nhắc tới một người anh em ruột tên là Connor.

Khả năng các giáo viên chấm điểm đạt cho bài có nhân vật Connor cao hơn 13%, cho thấy những lợi thế vô hình mà nhiều học sinh vô tình được hưởng. Tác giả của nghiên cứu giải thích: khi những tiêu chí đánh giá mơ hồ thì những định kiến ngầm sẽ được “điền vào chỗ trống”. Nhưng khi giáo viên có một bộ các tiêu chí rõ ràng để đánh giá bài viết, chẳng hạn như học sinh đã “thuật lại một cách tỉ mỉ về sự kiện” hay chưa, thì khác biệt về điểm số gần như bị loại bỏ.

Khả năng truy cập học liệu - chứ không phải những vấn đề cụ thể về nội dung – mới là một trong những trở ngại đáng kể nhất đối với học trực tuyến. Ảnh minh họa: INT

5. Nhà máy nhiệt điện than can hệ gì tới việc đi học? Nhiều lắm.

Khi ba nhà máy nhiệt điện than ở vùng Chicago đóng cửa, tỉ lệ học sinh vắng mặt giảm 7%. Sự thay đổi này chủ yếu là bởi số lượt trẻ phải đến phòng cấp cứu do các vấn đề liên quan tới bệnh hen suyễn trở nên ít hơn. Khám phá đầy bất ngờ này trong nghiên cứu năm 2020 của Đại học Duke và Đại học Bang Pennsylvania nhấn mạnh vai trò thường bị bỏ qua của các yếu tố môi trường (như: chất lượng không khí, tội phạm trong vùng, và ô nhiễm tiếng ồn) trong việc giữ cho con cái chúng ta được khỏe mạnh và sẵn sàng học tập.

Ở quy mô lớn, chi phí cơ hội khiến chúng ta sửng sốt: khoảng 2,3 triệu trẻ em Mỹ vẫn đang theo học ở trường tiểu học hoặc trung học cơ sở công lập nằm trong bán kính 10km của một nhà máy nhiệt điện than.

Nghiên cứu này nhắc nhở chúng ta rằng: những vấn đề về sự công bằng trong giáo dục không bắt đầu hay kết thúc ở cổng trường. Thứ mà chúng ta gọi là khoảng cách về thành tích thường chính là khoảng cách về sự công bằng - một khoảng cách “bắt rễ từ những năm đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ”, theo một nghiên cứu năm 2017. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng chúng ta chỉ có được cơ hội bình đẳng trong trường học khi nỗ lực đối mặt với sự bất bình đẳng ở thành phố, khu phố và cuối cùng là ở ngay trong ngôi nhà của chúng ta.

6. Những học sinh biết tự đặt câu hỏi học giỏi hơn

Trong số những chiến lược học tập phổ biến, có vài chiến lược thuộc nhóm kém hiệu quả nhất, chẳng hạn như: đánh dấu các đoạn văn bản, đọc lại các ghi chép, và gạch chân những câu quan trọng. Nghiên cứu mới trong năm 2020 nhấn mạnh một phương thức thay thế hữu hiệu: yêu cầu học sinh tự đặt câu hỏi về bài học của mình, và dần dần “thúc” các em đặt thêm những câu hỏi nhằm tìm hiểu vấn đề.

Trong nghiên cứu này, những học sinh tự nảy sinh câu hỏi về chủ đề đã học đạt điểm trung bình cao hơn 14% so với những học sinh sử dụng các chiến lược học tập bị động như đọc đi đọc lại các vật liệu học tập và các ghi chép của mình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, việc sáng tạo câu hỏi không chỉ khuyến khích học sinh suy nghĩ sâu hơn về chủ đề học tập, mà còn củng cố khả năng ghi nhớ về những gì các em đã học.

Có rất nhiều cách giúp học sinh tạo ra những câu hỏi có chất lượng: Khi thiết kế một bài kiểm tra, bạn có thể yêu cầu học sinh đóng góp câu hỏi của chính các em, hoặc sử dụng trò chơi Jeopardy! như một nền tảng cho các câu hỏi do học sinh tạo ra.

7. Một nghiên cứu chấm dứt “cuộc chiến dạy đọc”?

“Units of study” - một trong những chương trình dạy đọc được sử dụng rộng rãi nhất - đã bị nghiên cứu của một nhóm các chuyên gia về đọc hiểu giáng một đòn nặng nề. Chương trình này được phát triển suốt bốn thập kỷ qua bởi Lucy Calkins trong khuôn khổ dự án Teachers College Reading and Writing và gây nhiều tranh cãi.

Trong nghiên cứu của mình, các chuyên gia về đọc hiểu dường như muốn gióng hồi chuông cảnh báo đối với những thực hành coi nhẹ ngữ âm so với việc cho trẻ sử dụng nhiều nguồn thông tin (như các tình tiết hay hình ảnh minh họa) để dự đoán ý nghĩa của những từ ngữ xa lạ, một cách tiếp cận thường gắn với lý thuyết “đọc viết cân bằng”.

Trong một văn bản nội bộ mà nhà xuất bản APM nắm giữ, có vẻ như Calkins đã thừa nhận quan điểm của nghiên cứu trên khi viết rằng đọc viết cân bằng cũng cần một một số điều chỉnh để ‘tái cân bằng’.

8. Bí quyết cho một lớp học trực tuyến hiệu quả

Trong năm 2020, một nhóm nghiên cứu ở Đại học Bang Georgia đã biên soạn một báo cáo về những thực hành học trực tuyến tốt nhất. Khi mà các bằng chứng về lĩnh vực này còn “rải rác” và “chưa thống nhất”, báo cáo lưu ý, chính những vấn đề hậu cần như khả năng truy cập học liệu - chứ không phải những vấn đề cụ thể về nội dung – mới là một trong những trở ngại đáng kể nhất đối với học trực tuyến. Nói cách khác, không phải học sinh không hiểu về quá trình quang hợp trong môi trường ảo, mà là do các em không tìm thấy (hoặc đơn giản là không truy cập được) bài học về quang hợp.

Kết quả này tương đồng với một nghiên cứu năm 2019, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức lớp học trực tuyến một cách có chủ đích hơn so với các lớp học trực tiếp truyền thống. Các giáo viên giảng dạy từ xa nên sử dụng một nền tảng riêng biệt và duy nhất cho các tài liệu quan trọng như bài tập; đơn giản hóa cách thức liên lạc và nhắc nhở học sinh bằng một kênh duy nhất như hòm thư điện tử hay tin nhắn; và giảm bớt những yếu tố gây rối mắt như những phông chữ khó đọc, những chi tiết trang trí không cần thiết trong không gian ảo.

Bởi các công cụ này đều mới mẻ đối với mọi người nên những phản hồi thường xuyên về khả năng truy cập và tính dễ sử dụng là rất cần thiết. Giáo viên cần đăng tải những bảng khảo sát đơn giản, nêu những câu hỏi như: “Bạn có gặp phải sự cố kỹ thuật nào không? và “Bạn có thể dễ dàng chỉ ra bài tập của mình nằm ở đâu không?” để đảm bảo học sinh được trải nghiệm một không gian học tập trực tuyến hoạt động trơn tru.

9. Bạn thích học ngôn ngữ? Ngạc nhiên chưa, lập trình có thể hợp với bạn đấy.

Theo kết luận của một nghiên cứu trong năm 2020, học lập trình gần với việc học một ngôn ngữ như tiếng Trung hay tiếng Tây Ban Nha hơn là học toán. Phát hiện này đảo lộn những hiểu biết thông thường về những gì tạo nên một lập trình viên giỏi.

Trong nghiên cứu này, những người trưởng thành trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm gì về lập trình được yêu cầu học ngôn ngữ lập trình Python. Sau đó, họ thực hiện một loạt bài kiểm tra đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng toán học, và kỹ năng ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng kỹ năng toán học chỉ chiếm 2% khả năng học lập trình của một người, trong khi kỹ năng ngôn ngữ chiếm đến 17%.

Các nhà khoa học cho rằng, đây là một hiểu biết quan trọng, bởi quá thường xuyên, tất cả các lớp học lập trình đều yêu cầu người học phải hoàn thành các khóa toán nâng cao - một rào cản không đáng có loại trừ những người học với tiềm năng chưa được khai phá.

10. Giới nghiên cứu nghi ngờ những nhiệm vụ đọc hiểu kiểu như “Tìm nội dung chính”

Trong khi mất nhiều thời gian để học những kỹ năng như “tìm ý chính” hay “tóm tắt” - những nhiệm vụ sinh ra từ niềm tin rằng đọc hiểu là một năng lực riêng biệt, có thể rèn luyện được, các học sinh tiểu học không được hưởng những lợi ích khác từ việc đọc - điều mà các nhà giáo dục hy vọng học sinh đạt được - nghiên cứu mới của Viện Fordham kết luận.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ hơn 18.000 học sinh ở độ tuổi mẫu giáo đến lớp 5, tập trung vào thời gian dành cho các môn như toán, xã hội, và ngữ văn (ELA). Kết quả, họ phát hiện, “chỉ có xã hội là môn học duy nhất tạo ra tác động rõ ràng, tích cực, và có ý nghĩa thống kê đối với việc cải thiện năng lực đọc hiểu”. Trên thực tế, việc để trẻ được tiếp cận với nội dung phong phú về dân sự, lịch sử và luật pháp dường như sẽ dạy cho các em đọc hiểu hiệu quả hơn so với những phương pháp dạy đọc hiểu hiện nay của chúng ta.

Kết luận từ nghiên cứu của Viện Fordham đang nhanh chóng trở thành hiểu biết được chấp nhận rộng rãi, và không chỉ giới hạn ở môn xã hội. Mới đây, Natalie Wexler, tác giả của cuốn sách “Khoảng trống tri thức” (The Knowledge Gap, 2019), chia sẻ rằng: “Những học sinh có nhiều hiểu biết [nền tảng] sẽ có cơ hội tốt hơn để hiểu bất kể văn bản nào mà các em gặp. Các em có thể truy tìm nhiều thông tin liên quan đến một chủ đề từ trí nhớ dài hạn của mình, dành nhiều khoảng trống hơn cho trí nhớ ngắn hạn làm công việc lĩnh hội, nhận thức”.