Tiêm chủng chống Covid đã được tiến hành, cho đến nay người già luôn được ưu tiên tiêm chủng ở hầu khắp các nước. Tuy nhiên có một nước không làm theo cách đó mà bắt đầu được tiêm chủng cho giới trẻ, tầng lớp năng động nhất trong xã hội. Cách làm đặc biệt này đem lại nhiều cái lợi cùng một lúc.
Những người cao tuổi thường bị Covid “tấn công” và tử vong đặc biệt nhiều. Do đó cũng dễ hiểu vì sao giới chuyên gia thường khuyến nghị cần đầu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi và các chính phủ thường tán thành khuyến nghị này.
Tuy nhiên cũng có những quan điểm hoàn toàn khác. Indonesia là một trong số các nước có cách nhìn khác và đi theo con đường riêng của mình.
Nguồn ảnh: straitstimes.com.
Nhóm người năng động nhất và tiếp xúc nhiều nhất
Theo cách làm phổ biến của nhiều nước, tiêu biểu như Đức thì giai đoạn đầu tiêm chủng cho các cụ trên 80 tuổi, cho những người làm việc tại các nhà dưỡng lão, nhân viên lực lượng cứu hộ cứu nạn và các trạm cấp cứu tiếp cận với bệnh nhân Covid, ngoài ra là nhân viên y tế ở các phòng khám và bệnh viện. Tổng cộng những người được tiêm chủng đầu tiên ở Đức lên đến 8,6 triệu người.
Nước Anh, tiêm chủng đầu tiên trong số các nước phương Tây, cũng làm theo cách này, người nhận mũi tiêm chủng đầu tiên là một bà cụ 91 tuổi. Tại Hoa Kỳ cũng đã tiến hành tiêm chủng và cũng ưu tiên tiêm chủng đầu tiên cho nhóm người có nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất, các cụ già.
Còn ở Indonesia, cách đây ít hôm nước này đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine của hãng Sinovac, Trung Quốc nhưng không dành để tiêm cho người già mà tiêm cho người trong độ tuổi lao động, tức là những người hoạt động tích cực nhất và đi lại nhiều nhất đồng nghĩa với có khả năng làm lây lan virus nhiều nhất.
“Mục tiêu của chúng tôi là, khi những người tích cực nhất và tiếp xúc nhiều nhất trong độ tuổi từ 18 đến 59 được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên thì sẽ tạo ra được một lá chắn để bảo vệ các nhóm người khác”, ông Amin Subandrio, giám đốc Viện Eijkman về sinh học phân tử ở Jakarta trả lời tờ Bloomberg. Hiệu quả sẽ không cao nếu sử dụng số lượng vaccine ít ỏi mà Indonesia có được để tiêm cho người cao tuổi bởi lẽ các cụ già ít tiếp xúc với những người xung quanh.
Nhóm người được tiêm chủng đầu tiên là lực lượng lao động trong lĩnh vực y tế, chăm sóc người già, trước mắt tiêm chủng ở hai đảo Java và Bali vì tại đây có tới 60% ca lây nhiễm corona ở Indonesia. Tiếp theo là các địa phương khác và nhóm ngành nghề khác.
Cũng còn một số lý do nữa vì sao Indonesia lại ưu tiên tiêm chủng cho nhóm người trong độ tuổi lao động, điều này đã được bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto đề cập cách đây ít hôm. Loại vaccine của Trung quốc khác với vaccine của Biontech/Pfizer hay Moderna – chỉ được thử nghiệm ở những người trong độ tuổi từ 18 đến 59. Với các cụ nhiều tuổi hoặc trẻ em, hoàn toàn không có dữ liệu do đó không biết vaccine tác động như thế nào ở những người trong độ tuổi này.
Nếu chiến lược của Indonesia thành công thì nước này tiết kiệm được khá nhiều tiền của. Theo thông tin từ chính phủ thì bằng cách này chỉ cần tiêm chủng không quá nhiều người nhưng cũng có thể tạo miễn dịch trong cộng đồng.
Chọn cái tồi tệ ít hơn
Như thế chỉ cần tiêm chủng cho hai phần ba số người trong độ tuổi từ 18 đến 59. Con số này tương đương 40% tổng số dân. Thông thường người ta đều tin rằng khi hai phần ba số dân được tiêm chủng thì đạt được điều này.
Nếu như tính toán này là đúng thì đây cũng là một lý do quan trọng đối với các nước mới nổi và đang phát triển để theo đuổi chiến lược tiêm chủng này. Do việc mua vaccine là một gánh nặng tài chính với các nước đó.
“Các quốc gia công nghiệp có thể bắt đầu tiêm chủng với các cụ cao tuổi vì các nước đó biết họ có đủ thuốc để tiêm chủng cho toàn dân, trong khi ở nước chúng tôi điều này có thể không được như vậy”, C. B. Kusmaryanto, thành viên Ủy ban đạo đức sinh học Indonessia đã nói.
Với Indonessia vấn đề không phải là chọn một con đường tốt nhất mà là chọn một con đường ít xấu nhất. “Khi Indonesia chỉ có đủ thuốc để tiêm chủng cho những người có khả năng lây nhiễm nhiều nhất cho những người khác, thì nước này cần phải làm như vậy”.