Đại hội Khoa học Ấn Độ, một hội thảo lớn thường niên do chính phủ tài trợ tổ chức tại Jalandhar vào tháng 1 vừa qua xuất hiện nhiều tuyên bố, trong đó có một tuyên bố gây sốc cộng đồng khoa học quốc tế: Vật lý lý thuyết của Newton và Einstein không có giá trị và hoàn toàn sai lầm.
Đại hội Khoa học Ấn Độ 2019
Trong chính trị Ấn Độ, “Jai Jawan, Jai Kisan” (Hoan hô chiến sĩ, hoan hô nông dân) là một khẩu hiệu nổi tiếng. Câu nói này của cố Thủ tướng Shastri (Thủ tướng Ấn Độ thứ hai sau Nehru) nêu lên tầm quan trọng của hai tầng lớp này với an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia. Phát biểu khai mạc Đại hội Khoa học Ấn Độ 2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bổ sung thêm “Jai anusandhan” (Hoan hô nghiên cứu) như để công nhận vai trò của khoa học và công nghệ với tương lai của Ấn Độ: “Chúng ta hãy cùng xây dựng một Ấn Độ mới bằng khoa học,” ông nói.
Thủ tướng Modi phát biểu trước hàng nghìn nhà khoa học Ấn Độ, bao gồm cả các nhà khoa học đoạt giải Nobel, nêu lên những định hướng tham vọng mà chính phủ của ông muốn thực hiện – trong đó có ứng dụng AI cho nông nghiệp, đưa người lên vũ trụ, đầu tư cho các nhà nghiên cứu trẻ, và nâng cao chất lượng đại học.
Tuy nhiên, đó không phải là tâm điểm của sự kiện lần này.
Thay vào đó, chủ đề được tranh luận nhiều nhất là bài phát biểu sau đó 2 ngày của nhà hóa học G. Nageshwar Rao, phó hiệu trưởng của Đại học Andhra ở Visakhapatnam. Bài phát biểu lấy dẫn chứng một câu chuyện trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ giáo về một người phụ nữ sinh 100 đứa con, để ca ngợi về bằng chứng cho thấy nền văn minh Hindu cổ đại của Ấn Độ đã phát triển các công nghệ sinh sản tiên tiến. “Nghiên cứu tế bào gốc đã được thực hiện ở đất nước này từ hàng ngàn năm trước,” ông Rao khẳng định.
Ở cùng phiên thảo luận, K.J. Krishnan – một chuyên viên khoa học tại Tamil Nadu – phát biểu rằng lý thuyết của Newton và Einstein là sai và có thể bị bác bỏ. Ông ta cũng đề xuất việc sóng hấp dẫn nên được đổi tên thành “sóng Narendra Modi”, cùng với nhiều lập luận khó tin khác.
Bài nói của ông Rao và Krishnan bị phản ứng bằng sự chế giễu ở khắp các báo chí và các mạng xã hội Ấn Độ. Nhiều phản ứng bày tỏ sự thất vọng và cảnh báo đã đến từ các quan chức và nhà khoa học tham dự sự kiện. Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối được tổ chức tại Bangalore, Kochi, Kolkata và Thiruvananthapuram, theo Nature.
Tuy vậy, các phát biểu trên không diễn ra trong các thảo luận chính tại Đại hội mà ở các phiên phụ, nơi các diễn giả được tự do chọn chủ đề phát biểu mà không bị kiểm duyệt. Nhưng những phản ứng rầm rộ sau đó không phải là thái quá nếu xem xét vấn đề rằng đây là phát biểu mới nhất trong số ngày càng nhiều các tuyên bố “gây sốc”, mà nguyên nhân hướng đến sự nổi lên ngày càng mạnh của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ dưới chính quyền của Thủ tướng Modi.
Chủ nghĩa dân tộc Hindu và chính sách
Những tuyên bố như vậy và các hình thức ngụy khoa học khác có nguồn gốc từ sự nổi lên chủ nghĩa dân tộc Hindu (Hindutva) từ sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014. Chúng không chỉ là một sự đáng xấu hổ nhất thời, mà một mối đe dọa đối với khoa học và giáo dục và có nguy cơ kìm hãm tư duy phê phán và có thể cản trở sự phát triển của Ấn Độ - theo Gauhar Raza, nhà khoa học từng làm việc tại Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR), cơ quan quản lý gần 40 phòng thí nghiệm quốc gia.
Một số người đổ lỗi tình trạng này một phần ở các hoạt động của Vijnana Bharati (VIBHA), nhánh khoa học công nghệ của Rashtriya Swayamsewak Sangh (RSS), một phong trào bảo thủ khổng lồ có mục tiêu biến Ấn Độ thành một nhà nước Hindu giáo và là nền móng tư tưởng cho đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi. VIBHA tuyên bố mục đích của nó là giáo dục kiến thức khoa học và công nghệ cho đại chúng và cổ động nghiên cứu để tăng cường sự phát triển Ấn Độ, tuy nhiên chính nó cũng thúc đẩy cái gọi là khoa học “Swadeshi” (bản địa) và cố gắng gán ghép khoa học hiện đại với tri thức truyền thống và tâm linh Hindu giáo.
Nhận được tài trợ hào phóng của chính phủ, VIBHA có điều kiện mở rộng hoạt động tại 23 trên 29 bang Ấn Độ, tổ chức nhiều hội chợ khoa học lớn và các sự kiện khác. Nó có 20.000 người là “thành viên tổ nhóm” tham gia việc tuyên truyền quan điểm của mình và 100.000 tình nguyện viên, nhiều người trong số đến từ các vị trí cấp cao trong nền khoa học Ấn Độ, theo Science.
Ban cố vấn của VIBHA gồm có Vijay Kumar Saraswat, nguyên giám đốc Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ và hiện là hiệu trưởng Đại học Jawaharlal Nehru. Các cựu chủ tịch của Ủy ban Vũ trụ Ấn Độ và Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia cũng đóng vai trò là “người bảo trợ” cho VIBHA. Nhà sinh vật học cấu trúc Shekhar Mande, tổng giám đốc CSIR, hiện cũng là phó chủ tịch của VIBHA.
Saraswat, người công khai niềm tin vững chắc vào việc đá quý có sức mạnh ảnh hưởng đến vận mệnh, tỏ ra tự hào về những thành tựu của khoa học Ấn Độ giáo cổ đại: “Chúng ta nên khám phá lại những thiết chế Ấn Độ cổ từng tồn tại hàng ngàn năm trước,” ông nói. Mande chia sẻ quan điểm nói trên: “Chúng ta là một chủng tộc không thua kém bất kỳ chủng tộc nào khác trên thế giới,” ông nói. “Những điều tuyệt vời đã từng diễn ra ngay tại góc này của thế giới.” Dù Mande một mực khẳng định rằng quan điểm của VIBHA không phải ngụy khoa học, tuy nhiên ông cũng không coi sự đi lên của ngụy khoa học trong 4 năm qua là một vấn đề. “Điều đó luôn tồn tại trong xã hội ta.” Ngược lại, vấn đề là truyền thông hiện đang chú ý quá nhiều đến tuyên bố gây sốc: “Nếu các nhà báo không để ý đến nó nữa thì chẳng phải tốt hơn sao,” ông nói.
Nhưng ta cũng có thể chỉ ra rằng ngụy khoa học đang ảnh hưởng đến cả các cấp cao nhất trong chính phủ. Thủ tướng Ấn Độ Modi, từng là một pranachak (hay cổ động viên) của RSS trong suốt 12 năm, hồi năm 2014 từng phát biểu rằng ông coi câu chuyện thần thoại về thần Shiva cấy đầu voi vào thân người cho Ganesha là bằng chứng cho thành tựu của ngành phẫu thuật Ấn Độ cách đây hàng thiên niên kỷ, cũng như các tuyên bố khác về tế bào gốc như của Rao. Cũng tại Đại hội Khoa học Ấn Độ hồi năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Harsh Vardhan, cũng là một hội viên RSS, đã phát biểu một cách sai lệch việc nhà vật lý Stephen Hawking đã thừa nhận Kinh Vệ-đà chứa các lý thuyết vượt trội so với phương trình E = mc2 của Albert Einstein, điều sau đó đã bị đại diện Quỹ Hawking phản bác. “Để một kẻ ngụy tín nói vậy là một việc, nhưng để những người có thẩm quyền nói ra trở thành một tấm gương rất xấu. Thật đáng trách,” nhà sinh học Venki Ramakrishnan, chủ tịch Hội Hoàng gia London, người từng nhận giải Nobel Hóa học năm 2009, nói với Science.
Một số phát ngôn “gây sốc” tại Đại hội Khoa học Ấn Độ 2019
Con cháu vua Kuru trong sử thi Mahabharata được sinh ra nhờ công nghệ tế bào gốc và thụ tinh ống nghiệm.
Vũ khí thần Rama và Vishnu dùng để đánh đuổi kẻ thù chính là công nghệ tên lửa đạn đạo.
Vua Ravana trong sử thi Ramayana không chỉ sở hữu lâu đài bay Vimana mà còn có sân bay và 24 loại máy bay khác nhau để di chuyển.
Một vấn đề khác là chính sách và các quan điểm ngụy khoa học đang có xu hướng kết hợp lẫn nhau. Nếu như chính phủ Modi năm 2013 thành lập hẳn một bộ để đưa ra các nghiên cứu khoa học về thuốc dân gian thì tới năm 2017, Bộ trưởng Vardhan thành lập cả một ủy ban khoa học quốc gia để tài trợ cho các nghiên cứu xác nhận rằng panchagavya – một hỗn hợp bao gồm nước tiểu và phân bò – là một phương thuốc chữa bách bệnh. Tháng 1 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Đại học Satya Pal Singh lên tiếng bác bỏ thuyết tiến hóa của Darwin và dọa sẽ loại nó khỏi chương trình giảng dạy ở cấp phổ thông và đại học. “Chưa từng có ai kể cả tổ tiên ta bằng văn bản hay lời nói từng xác nhận nhìn thấy vượn biến thành người,” ông Singh nói.
Trong khi đó, khoa học Ấn Độ tiếp tục chịu tình trạng thiếu ngân sách. Các viện và trường đại học tiếp tục hoạt động dưới ngân sách nhà nước, và ngân sách dành cho nghiên cứu đến nay mới chỉ đạt 0,8% GDP – trái với yêu cầu 3% của các nhà khoa học. Những vấn đề đó là một thách thức nghiêm trọng với Thủ tướng Modi – rất khó để chứng minh rằng “Jai anusandhan” của ông thực tế hơn là một khẩu hiệu.
Các nhà khoa học lên tiếng
Những phát biểu đó liên tục khơi lên các làn sóng phản đối. Trong một biểu hiện thống nhất hiếm có, ba học viện khoa học hàng đầu của Ấn Độ tuyên bố rằng việc loại bỏ sự tiến hóa khỏi chương trình giáo dục – hay kết hợp nó với “lý giải bằng huyền thoại phi khoa học” là “bước đi thoái hóa.” Trong năm 2015, nhiều lần trong năm 2017, liên tục diễn ra các cuộc biểu tình của sinh viên và các nhà khoa học Ấn Độ nhằm phản đối chính sách và phát ngôn phản khoa học của các viên chức chính phủ. Cũng để phản ứng với tranh cãi sau Đại hội Khoa học 2019, Hiệp hội Đại hội Khoa học Ấn Độ.
Nhưng những nỗ lực đó có thể gây nguy hiểm. 5 năm trở đây, bốn nhà hoạt động chống ngụy khoa học có tiếng đã bị sát hại, trong đó có Narendra Dabholkar, một bác sĩ và M.M. Kalburgi, cựu phó hiệu trưởng của Đại học Kannada tại Hampi. Các cuộc điều tra của cảnh sát hiện xác định mối dây liên hệ giữa những kẻ thủ ác với các tổ chức Hindu giáo cực đoan.
Một vấn đề khác là việc một số nhà khoa học Ấn Độ có thể dễ bị niềm tin phản khoa học thuyết phục vì họ coi khoa học là một nghề, không phải sự nghiệp, theo Ashok Sahni, một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng và giáo sư danh dự tại Đại học Punjab ở Chandigarh nói. “Niềm tin tôn giáo của họ không nối kết với khoa học,” ông nói, cho nên ngoài giờ làm việc, những niềm tin đó có thể bị ảnh hưởng. Truyền thống tôn trọng nhà giáo và người lớn tuổi cũng là một yếu tố, ông nói thêm. “Tự do chất vấn người có thẩm quyền, phản biện các phát ngôn là [một phần] không thể thiếu của khoa học,” Ramakrishnan nói thêm – và thay vì hoài niệm quá khứ, Ấn Độ nên tập trung hướng đến tương lai khoa học và phải gia tăng tài trợ cho nghiên cứu.
Sự kìm kẹp của chủ nghĩa dân tộc Hindu đối với xã hội Ấn Độ sắp bị thử thách. Hai chục đảng đối lập đã tham gia lực lượng chống lại Modi cho các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 11/4 tới đây. Một thất bại dành cho đảng của Modi sẽ mang lại “một số thay đổi,” theo Purkayastha, phó chủ tịch Mạng lưới Khoa học Nhân dân toàn Ấn, một phong trào cổ động cho khoa học tự do với khoảng 400.000 thành viên khắp đất nước phản đối ý thức hệ VIBHA đang truyền bá. Nhưng kể cả khi bị đánh bại, làn sóng ngụy khoa học có thể sẽ không lùi về dễ dàng, ông nói: “Tôi không nghĩ rằng cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc, bởi vì các thiết chế đã bị làm suy yếu và nhiễm bệnh.”
Chủ nghĩa dân tộc Hindu là gì?
Kể từ khi đảng BJP của Narendra Modi lên nắm quyền tại Ấn Độ sau cuộc Tổng tuyển cử 2015, câu hỏi về Chủ nghĩa dân tộc Hindu – ý thức hệ được đảng này bảo trợ - lại trở thành mối quan tâm từ phía các chuyên gia và nhà quan sát.
Cũng giống như đảng Quốc Đại và chủ nghĩa Gandhi, chủ nghĩa dân tộc Hindu nổi lên từ đầu thế kỷ XX để phản ứng với chế độ thực dân Anh khi đó. Tuy nhiên, đối lập với tư tưởng của Gandhi, chủ nghĩa dân tộc Hindu chối bỏ khái niệm về một dân tộc Ấn Độ như là sự hòa hợp các tôn giáo, mà chủ trương rằng bản sắc của quốc gia phải là bản sắc cộng đồng Hindu giáo – vốn chiếm 70% dân số toàn Ấn Độ (bao gồm cả Pakistan và Bangladesh) bấy giờ.
Tư tưởng Hindutva là trung tâm của chủ nghĩa dân tộc Hindu. “Hindutva” (hay Hindu tính) là khái niệm đưa ra lần đầu bởi Vinayak Damodar Savarkar, một nhà cách mạng Ấn Độ đầu thế kỷ XX trong tiểu luận: Hindutva: Ai là người Hindu? xuất bản năm 1923. Trong đó, Savarkar xây dựng bản sắc Hindu dựa trên ba trụ cột: Hindu (tôn giáo đa số), Hindi (ngôn ngữ thống nhất), và Hindustan (lãnh thổ thống nhất) – tương tự như nền tảng của các quốc gia – dân tộc châu Âu.
Về tổ chức, phong trào dân tộc Hindu đại diện bởi tổ chức Rashtriya Swayamsewak Sangh (RSS) tổ chức như phong trào hướng đạo để truyền bá tư tưởng. Từ đây, các lãnh tụ phong trào tổ chức ra Vishva Hindu Parishad (VHP—Hội đồng Hindu Thế giới) như một tổ chức tôn giáo không chính thức cho đạo Hindu, Vidya Bharati (Tri thức Ấn Độ) dành cho giáo dục và nhiều hội nhóm xã hội khác.
Bản thân RSS không tham gia trực tiếp vào chính trị, như ảnh hưởng của nó được thể hiện phần nào ở Đảng Bharatiya Janata (BJP). Thành lập từ năm 1980, BJP giành thắng lợi đầu tiên trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998, thành lập chính phủ nhiệm kỳ 5 năm. Sau đó đảng này tiếp tục là đối trọng với Đảng Quốc đại cho tới chiến thắng áp đảo ở cuộc tuyển cử năm 2014, đưa Narendra Modi lên làm Thủ tướng.
Tham khảo: Christophe Jaffrelot ed. Hindu Nationalism – A Reader. Princeton: Princeton University Press, 2007.
Nguồn: Science, Nature, The Times of India, Wired India.